Quốc tế 26/11/2013 20:17

Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới

FICA - Theo sau Ấn Độ, các công ty trên thế giới cũng thích đầu tư vào Brazil, sau đó đến Trung Quốc, Canada và Mỹ.




Theo Ernst & Young (EY), Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất thế giới. Đồng rupee mất giá mạnh, nhiều ngành kinh tế mới được mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài là những lý do chính làm tăng sức hấp dẫn của quốc gia Nam Á này.

Kết quả này dựa trên cuộc điều tra của EY, trong đó lấy ý kiến của 1.600 giám đốc điều hành cấp cao trên 70 quốc gia. Theo sau Ấn Độ, các công ty trên thế giới cũng thích đầu tư vào Brazil, sau đó đến Trung Quốc, Canada và Mỹ. Trong báo cáo hồi tháng 5 của EY thì Trung Quốc được bình chọn là nơi hấp dẫn nhất cho nguồn đầu tư từ các nước khác, sau đó đến Ấn Độ và Brazil.

"Triển vọng đầu tư của Ấn Độ vẫn tích cực, bất chấp những thách thức của nền kinh tế đất nước đã phải đối mặt trong thời gian qua. Ngoài ra, kinh tế thế giới có nhiều cải thiện cũng làm tăng niềm tin của các nhà đầu tư. ", Amit Khandelwal - chuyên gia tư vấn của EY nhận định.

Trong 1 năm qua, Ấn Độ đã nỗ lực không ngừng để thu hút vốn nước ngoài, mở rộng cho các đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các nhiều ngành công nghiệp như: viễn thông, bán lẻ và dầu khí. Lĩnh vực hấp dẫn nhất đối với các công ty nước ngoài bao gồm xe hơi, công nghệ và hàng hóa tiêu dùng.

Ngoài ra, với áp lực kinh tế vĩ mô và nợ đọng lớn, nhiều công ty Ấn Độ đang tìm cách thoái vốn ra khỏi các ngành nghề kinh doanh không phải cốt lõi của mình. Điều này tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài đóng vai trò lớn hơn trong thị trường Ấn Độ.

Triển vọng M&A toàn cầu sáng sủa

Theo điều tra của EY, 1/3 công ty toàn cầu có kế hoạch sáp nhập và mua lại. Các giám đốc điều hành trên toàn cầu ngày càng trở nên lạc quan hơn với các kế hoạch mua bán công ty. Điều này cũng bởi vì các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng niềm tin với nền kinh tế toàn cầu đang gia tăng. Theo điều tra của EY, Số lượng các kế hoạch sáp nhập và mua lại đã tăng 35% so với cùng kì năm ngoái, vượt mức tăng 25% của năm ngoái.

"Việc sáp nhập và mua lại đã có chiều hướng giải quyết tích cực hơn. Các thương vụ M&A đang gia tăng cả về số lượng và chất lượng, các giao dịch thành công cũng cải thiện đáng kể.", bà Pip McCrostie - Phó chủ tịch Dịch vụ tư vấn giao dịch tại EYcho biết.

Cũng theo EY, các giám đốc điều hành trên toàn cầu hiện hứng thú tham gia vào các giao dịch mua bán trị giá lớn (từ 501 triệu USD đến 1 tỷ USD). Cụ thể, số các lãnh đạo kinh doanh cho biết dám mạnh tay chi vào các thương vụ M&A lớn hiện gấp đôi so với 6 tháng trước đây.

Trong khi đó, những thương vụ có giao dịch nhỏ (dưới 51 triệu USD) đã kém hấp dẫn hơn thấy rõ. Số giám đốc đồng ý tham gia vào các thương vụ này giảm xuống chỉ còn khoảng 27% trong tổng số người được hỏi, so với 1 năm trước đây, con số này là 38%. Điều này được giải thích là niềm tin vào kinh tế toàn cầu ngày càng tăng khiến các nhà lãnh đạo tự tin đổ tiền nhiều hơn vào các thương vụ mua bán lớn.

EY cũng nhận định năm quốc gia dẫn đầu về các thương vụ M&A là Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Mỹ và Canada. M&A sẽ diễn ra mạnh nhất trong các lĩnh vực khoa học đời sống, năng lượng, sản xuất ôtô và các sản phẩm tiêu dùng.

Còn trong tương lai, thị trường giao dịch hàng đầu là Vương quốc Anh và Đức , cùng với các thị trường mới nổi như Mexico và Indonesia, và Myanmar.

Quỳnh Hoa

Theo CNBC

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *