Tiền và Hàng 01/11/2013 08:50

Thủy sản “quằn quại” với “núi” tiêu chuẩn

Nhiều hộ chăn nuôi và doanh nghiệp (DN) thủy sản cho biết con cá, con tôm đang bị trói buộc quá nhiều bộ tiêu chuẩn chất lượng bền vững nhưng lợi ích thật sự mang lại không rõ ràng.

Hiện nay có hơn 20 bộ tiêu chuẩn khác nhau, tương đương hơn 20 chứng nhận được áp dụng trong nuôi trồng và chế biến cá tra tại Việt Nam như SQF 1000, BAP, ACC, GlobalGAP, MSC, ASC...

Mỗi năm người nông dân, DN đều phải bỏ ra chi phí khá lớn để có những chứng nhận cho các tiêu chuẩn này. Đáng nói là trong khi các tiêu chuẩn cũ áp dụng chưa thật sự mang lại lợi ích thì tiêu chuẩn mới lại mọc lên ngày càng nhiều. Mặc dù các tiêu chuẩn đều mang danh nghĩa là “chứng nhận tự nguyện” nhưng một khi các tổ chức nhân danh nhà nhập khẩu, nhân danh người tiêu dùng thì các DN xuất khẩu không thể không làm theo.

Các tiêu chuẩn ở thị trường nào cũng đều xoay quanh bốn tiêu chí chính là an toàn thực phẩm, an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh và an sinh xã hội. Ví dụ, cùng một thị trường nhưng chứng nhận bền vững mới ASC lại quá giống với chứng nhận GlobalGAP đã áp dụng. Tiêu chuẩn mới chỉ đưa ra thêm một số tiêu chí quy định các điều kiện chi tiết hơn một chút hoặc “đẻ” ra một vài tiêu chí mới. Người nuôi, DN đã đạt được những tiêu chí có trong tiêu chuẩn mới nhưng vẫn phải đóng chi phí trọn bộ tiêu chuẩn.

Tổ chức tiêu chuẩn nào cũng đưa ra lý do phải có mới bán được và bán được giá cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, nhiều DN xuất khẩu cho biết không hề bán được giá cao hơn mà phải phụ thuộc vào giá thị trường, thậm chí giá còn giảm mạnh.

Một chuyên gia ngành thủy sản chỉ ra rằng thị trường quá nhiều tiêu chuẩn đã dẫn đến sự hỗn loạn và sự thiếu tương thích giữa các nhà sản xuất với các thị trường chính. Các chi phí thực hiện tiêu chuẩn không cần thiết (do các yêu cầu chồng chéo, đối kháng nhau) và sự suy giảm niềm tin của người tiêu dùng do những thông điệp thiếu nhất quán.

Các tổ chức “đẻ” ra các hệ thống tiêu chuẩn bền vững này luôn rêu rao họ không có lợi gì về mặt tài chính và những chứng nhận phụ thuộc vào các công ty thực hiện chứng nhận độc lập. Tuy nhiên, mỗi một tiêu chuẩn bền vững cho con cá tra, con tôm hay hải sản khác lại phải chi một khoản chi phí marketing khổng lồ. Vậy khoản chi phí này sẽ lấy từ đâu?

Mới đây, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ xây dựng bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra và lấy đó làm bộ tiêu chuẩn nền tảng để liên kết với các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác. Đây là tín hiệu đáng mừng, sự liên thông các tiêu chuẩn chất lượng bền vững sẽ giúp người nuôi, DN tiết kiệm được áp lực chi phí, thời gian và đạt được những chứng nhận uy tín mang lại hiệu quả thật sự.

Theo Quang Huy

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *