Bất động sản 03/01/2014 21:36

Xử lý dự án treo: Nên đánh thuế cao hơn là thu hồi

FICA - Theo GS Đặng Hùng Võ, chỉ nên thu hồi đối với các dự án vi phạm, còn với các dự án chậm triển khai nên đánh thuế thật cao và vẫn cho họ giữ quyền sử dụng đất.

Mê Linh được xem là khu vực có nhiều dự án khu nhà ở, khu đô thị mới đang để hoang hóa nhiều nhất.

Trao đổi tại buổi tọa đàm về Luật Đất đai sửa đổi, do Liên minh Đất đai (Landa) tổ chức sáng nay (ngày 3/1), GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, một điểm rất quan trọng có liên quan tới tính ổn định của môi trường đầu tư là cách xử lý đối với các dự án đầu tư không hoặc chậm tiến độ sử dụng đất mà ta vẫn gọi là "dự án treo".

Cụ thể, tại các tỉnh có nhiều dự án đầu tư, nhất là các thành phố trực thuộc Trung ương, mỗi nơi đều đang có từ vài chục tới hơn một trăm dự án chậm tiến độ cần phải xử lý. Các địa phương đang đẩy mạnh việc thu hồi đất của dự án.

Theo ông Võ, Nghị quyết số 19-NQ/TW đã đặt ra các chế tài xử lý các "dự án treo". Lúc này, cần xác định ranh giới rõ ràng để quyết định loại dự án nào là vi phạm pháp luật đất đai tới mức phải thu hồi đất mà không bồi thường mọi giá trị đã đầu tư vào đất (sử dụng lãng phí, không đúng mục đích, đầu cơ đất, chậm đưa đất vào sử dụng) và loại dự án nào chỉ bị đánh thuế luỹ tiến (đầu tư chậm hoặc bỏ hoang không đưa đất vào sử dụng đúng thời hạn).

Trước đó, Luật Đất đai đã lựa chọn phương án trung dung "trường hợp không đưa đất vào sử dụng (trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa) thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án trong thời gian này; hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp do bất khả kháng".

Ông cho rằng, tình trạng "dự án treo" đang gây một tâm lý khá bức xúc hiện nay từ nhiều phía. Người bị thu hồi đất thì bất bình vì đất thu hồi rồi nhưng vẫn để không mà mình thì không có việc làm và thu nhập. Người quản lý thì thấy ngay là không có hiệu quả sử dụng đất. Trừ những nhà đầu tư "tay không bắt giặc, các nhà đầu tư nghiêm túc cũng buồn khi không thực hiện được dự án đã định vì nhiều lý do khác nhau.

Luật Đất đai 2003 đã đưa ra giải pháp thu hồi lại đất của các "dự án treo" nhưng có trả lại giá trị đã đầu tư vào đất khi tìm được nhà đầu tư mới có nhu cầu sử dụng đất đó, trừ những trường hợp do bất khả kháng mà để dự án bị "treo". Nhiều địa phương thu hồi lại đất rồi nhưng không có giải pháp giải quyết vấn đề "hậu thu hồi đất".

Trong khi đó, Luật Đất đai (sửa đổi) đi theo phương án cải tiến giải pháp của Luật Đất đai 2003: nếu dự án để bị "treo" thì cho gia hạn thêm 24 tháng nhưng phải nộp thêm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian gia hạn, nếu sau khi gia hạn mà vẫn bị "treo" tiếp thì thu hồi cả đất và mọi tài sản đã đầu tư trên đất.

"Nhiều ý kiến cho rằng giải pháp mạnh như vậy có thể gây khó khăn cho nhà đầu tư, sử dụng công cụ thuế luỹ tiến vẫn là giải pháp tốt hơn", ông nói.

Theo đó ông kiến nghị, chỉ với những dự án vi phạm mới thu hồi. Còn các dự án chậm triển khai, nhà nước nên đánh thuế thật cao và cho họ tiếp tục làm chủ quyền sử dụng đất.

Ông Võ cũng nói thêm rằng, tình trạng "quy hoạch "treo" đã được Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra những quy định cụ thể về hạn chế quyền trong khu đã quy hoạch bị thu hồi đất và cơ chế giải quyết tình trạng quy hoạch bị "treo". Khung pháp luật để giải quyết câu chuyện này rất quan trọng đối với người dân, giải toả được tình trạng người dân lâm vào cảnh sống khó khăn, eo hẹp khi bị rơi vào quy hoạch, có khi quy hoạch đó bị "treo" đến mươi năm.

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng cả nước có 4.015 dự án, tổng mức đầu tư 4,5 triệu tỷ đồng, tổng diện tích đất theo quy hoạch là 102.228ha. Trong đó, số dự án tiếp tục triển khai 3.154 (78,6%), dự án cần điều chỉnh cơ cấu là 455 (12%).

Bộ Xây dựng cho biết, Bộ vừa yêu cầu dừng triển khai 524 (13%) dự án nhà ở, khu đô thị mới, với diện tích 16.865ha. Hầu hết các dự án này đều mới chỉ giải phóng dưới 30% diện tích.

Riêng tại Tp.HCM hiện có khoảng 1.386 dự án phát triển nhà ở với tổng diện tích 11.770,71ha; tổng số 496.272 căn trong đó có 85 dự bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, 689 dự án đang ngừng triển khai đầu tư xây dựng.

    

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *