Bất động sản 29/01/2015 10:00

Vì đâu dự án “khủng” đường Trần Phú - Kim Mã kẹt mặt bằng?

FICA - Việc giải phóng mặt bằng của dự án đường Trần Phú - Kim Mã (Ba Đình, Hà Nội) hiện vẫn đang gặp vướng mắc, dù dự án quan trọng này đã được phê duyệt hơn 3 năm. Hiện “nút thắt” vẫn chưa được mở.

Chiều ngày 27/1 vừa qua, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã có cuộc trả lời báo chí liên quan đến phương án giải tỏa mặt bằng dự án xây dựng tuyến đường Trần Phú - Kim Mã.

 

Theo đó, lãnh đạo quận Ba Đình cho biết dự án có vai trò quan trọng giảm tải ách tắc giao thông cho nội thành Hà Nội này đã được phê duyệt hơn 3 năm. Nhưng đến nay, công tác giải phóng mặt bằng vẫn đang kẹt.
 

Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân nhân dân quận Ba Đình cho biết, thời điểm hiện tại, dự án đã có 203 phương án bàn giao mặt bằng.Trong số 13 phương án chưa bàn giao còn lại, có 1 phương án của hộ gia đình bà Nguyễn Thị Dăm - người đang sử dụng nhà tại địa chỉ số 8B Lê Trực gặp nhiều khó khăn.

 

Ngôi nhà 8b Lê Trực là nút thắt cuối cùng trong dự án đường Trần Phú - Kim Mã
Ngôi nhà 8b Lê Trực là "nút thắt" cuối cùng trong dự án đường Trần Phú - Kim Mã
 

Theo tìm hiểu của phóng viên, “nút thắt” cuối cùng trên tiến trình giải phóng mặt bằng dự án này ẩn chứa nhiều điều éo le, qua nhiều đời chủ thuê, với không ít “binh đao” và nhiều phận người trái ngược.

 

Được biết, ngôi nhà số 8B Lê Trực vốn thuộc sở hữu nhà nước do Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình quản lý. Ngày 9/1/1992, Xí nghiệp quản lý nhà Ba Đình cho ông Nguyễn Bá Chí thuê 17m2 tầng. Năm 1992 ông Nguyễn Bá Chí chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Ngô Đức Trung và vợ Đỗ Kim Thanh.

 

Sau một thời gian ở với nhau, ông Trung và bà Thanh lại ly hôn, nên ngôi nhà được chia đôi mỗi người sử dụng một nửa.

 

Sự việc bắt đầu trở nên “lùm xùm” khi vào ngày 10/4/2000, bà Đỗ Kim Thanh cùng con trai là Ngô Thanh Đức lúc này là đồng chủ sở hữu và chủ sử dụng căn nhà số 8B ký hợp đồng chuyển quyền sở hữu nhà và sử dụng đất cho bà Nguyễn Thị Dăm cùng chồng là ông Công Đình Quý.

 

Sau khi ký hợp đồng, bà Thanh và ông Đức đã ký nhận đủ 230.000.000 triệu đồng, bàn giao nhà và các giấy tờ liên quan, đồng thời cam kết trong hợp đồng rằng: “Nếu có gì man trá trong việc chuyển nhượng sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

 

Sau khi dọn vào ở khoảng một năm, ngày 28/5/2001, gia đình bà Nguyễn Thị Dăm bất ngờ khi hay tin ngôi nhà 8B lại tiếp tục được chủ cũ ký bán theo dạng “gán nợ” cho một người khác là ông Trần Xuân Đồng. Sau đó, đến lượt ông Đồng lại bán lại cho người khác.

 

Từ đó xung đột liên tục nổ ra khi nhiều người đột nhiên đến “đòi nhà” mà người thân bà Dăm đang ở tại căn nhà này. Sau khi phát hiện tình trạng “một căn nhà, nhiều giao dịch” nói trên, những cuộc kiện tụng, khiếu nại… liên tục diễn ra và phải nhờ tới sự can thiệp của các cơ quan chức năng thì nhà bà Dăm mới được ở yên trong ngôi nhà này. Từ đó đến nay, theo xác nhận của UBND phường Điện Biên thì hai người con của bà Dăm ở và kinh doanh ổn định tại đây.

 

Cho đến ngày 1/8/2014, sau khi biết tin về việc giải phóng mặt bằng, gia đình bà Nguyễn Thị Dăm đã nhận được quyết định 1913/QĐ-UBND phê duyệt phương án, bồi thường và tái định cư.

 

Tại quyết định này, tổng số tiền bồi thường sẽ là 2.826.182.660 đồng. Trong đó, số tiền mà gia đình bà Dăm được nhận ngay là… 11.700.000 đồng. Số tiền còn lại hơn 2,8 tỷ đồng bất ngờ bị giữ lại tại kho bạc nhà nước và chỉ được chi trả “khi có quyết định giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền”.

 

Đặc biệt, cũng trong thông báo nói trên, mức giá mua nhà tái định cư đối với gia đình bà Nguyễn Thị Dăm lại nhân với hệ số k=1,4. Điều này càng khiến bà Dăm thấy vô lý vì mức giá này còn cao hơn cả thị trường bất động sản tự do. Trong khi hộ liền kề với nhà 8B mà bà Dăm đang ở lại, chính là nửa căn nhà còn lại mà tòa án phân chia theo bản án xử ly hôn của chủ cũ, có hệ số k thấp hơn rất nhiều.

 

Nhận được thông báo này, gia đình bà Dăm hốt hoảng khiếu nại, bởi đối mặt với nguy cơ “ra đường” mà gần như không có một đồng bồi thường nào.

 

Một lần nữa, liên ngành thành phố lại nhóm họp và đến cuối tháng 12/2014, UBND quận Ba Đình đã ra quyết định nâng số tiền chi trả ngay cho gia đình bà Dăm từ 11,7 triệu lên 231,5 triệu (tính chẵn). Số tiền còn lại vẫn giữ lại trong kho bạc nhà nước.

 

Đồng thời, nhà bà Nguyễn Thị Dăm được xét bán 1 căn hộ tái định cư nhân với hệ số k=1,2 và được trả chậm tiền mua nhà.

 

Tuy nhiên, gia đình bà Nguyễn Thị Dăm vẫn không đồng tình với quyết định trên bởi cho rằng việc mua nhà 8B tiến hành hợp tình, hợp lý có người làm chứng, bản thân gia đình bà sống và kinh doanh tại số nhà 8B Lê Trực trong suốt 14 năm qua đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước.

 

Thêm vào đó, hiện tại gia đình bà Nguyễn Thị Dăm đang rơi vào hoàn cảnh hết sức éo le. Trong khi câu chuyện bồi thường vẫn chưa “ngã ngũ” gia đình bà chưa biết ngày nào sẽ được nhận nốt số tiền đền bù thì chỉ còn vài ngày nữa sẽ có quyết định cưỡng chế để giải phóng mặt bằng.

 

Có vẻ như ngôi nhà không mang lại may mắn cho chủ này tiếp tục gây nên phiền toái kể cả đến sau khi nó bị đập đi. Bởi trong khi những tranh cãi về nó dài hàng chục năm không kết, những người liên quan có người đã chết, có người vướng lao lý, thì những người đang sống cũng có nguy cơ bơ vơ và những đồng tiền bồi thường ít ỏi bị giữ lại với những lời hứa hết sức mù mờ, xa xăm.

 

Lê Tú

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *