Bất động sản 22/11/2017 07:15

UBND TPHCM chỉ đạo làm rõ việc Công ty Alibaba bán đất ảo

UBND TPHCM vừa có văn bản số 15123/VP-ĐT gửi khẩn cấp đến Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi kiểm tra hoạt động của Công ty địa ốc Alibaba.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì cùng Sở tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc kiểm tra hoạt động của Công ty Alibaba Tây Bắc thành phố về dự án Alibaba Tây Bắc huyện Củ Chi. Sau khi kiểm tra, các Sở ngành liên quan phải báo cáo kết quả và đề xuất hướng xử lý trình UBND TPHCM.

UBND TPHCM cũng giao Ban Quản lý Khu đô thị Tây Bắc, UBND huyện Củ Chi kiểm tra, nắm kỹ tình hình, kịp thời, chủ động có phương án xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.

UBND TPHCM vừa có văn bản số 15123/VP-ĐT gửi khẩn cấp kiểm tra hoạt động của công ty địa ốc Alibaba.
UBND TPHCM vừa có văn bản số 15123/VP-ĐT gửi khẩn cấp kiểm tra hoạt động của công ty địa ốc Alibaba.

Trước đó, Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA) đã 2 lần phát đi cảnh báo về hoạt động kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật của tập đoàn địa ốc Alibaba. Đây là lần đầu tiên, hiệp hội này lên tiếng cảnh báo và nêu đích danh doanh nghiệp đưa vào diện cảnh báo với những phân tích về tài chính, pháp lý khá cụ thể.

Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba có trụ sở chính tại số 321 đường Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh, nhưng hoạt động thường xuyên tại chi nhánh số 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TPHCM.

Theo HoREA, người tiêu dùng cần cảnh giác và tỉnh táo để tránh bị thiệt hại có thể xảy ra, trước những thông tin sai sự thật khi 2 công ty này tự xưng là chủ đầu tư, công bố bán nền nhà, thu tiền đặt chỗ trước của khách hàng tại dự án "Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi Khu vực VIII - 3, có diện tích 97,58 ha, pháp lý: sổ đỏ thổ cư 100%", thuộc Khu đô thị Tây Bắc, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TPHCM.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA khẳng định những thông tin trên cho thấy dự án Khu nhà ở thấp tầng, dịch vụ đô thị tại Khu VIII - 3 thuộc Khu đô thị Tây Bắc đang được thành phố mời gọi đầu tư. Dự án chưa được giải phóng mặt bằng, chưa có quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nên chưa thể có bản đồ phân lô nền nhà để chào bán

Dự án này đến nay chưa thực hiện thủ tục lựa chọn chủ đầu tư, nên Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM và Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba không có tư cách để tự xưng là chủ đầu tư.

Nhân viên môi giới của Alibaba giới thiệu dự án Long Phước (Đồng Nai) cho khách
Nhân viên môi giới của Alibaba giới thiệu dự án Long Phước (Đồng Nai) cho khách

Ngoài việc "mượn đầu heo nấu cháo", ngay chính hoạt động của 2 doanh nghiệp này cũng có nhiều điểm mập mờ, nhất là việc tăng vốn... bất thường.

Theo HoREA, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 5/5/2016 với vốn điều lệ chỉ 1 tỷ đồng, đăng ký thay đổi lần thứ 1 ngày 3/12/2016 với vốn điều lệ 20 tỷ đồng, đăng ký thay đổi lần thứ 3 ngày 26/9/2017, vốn điều lệ lên đến: 1.600 tỷ đồng.

Công ty này có 3 cổ đông gồm ông Nguyễn Thái Lĩnh - Giám đốc, đại diện pháp luật, góp 10% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Luyện, chiếm 80%; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10%.

Trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba, có một số điểm đáng bất thường.

Cụ thể, Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đăng ký vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng là rất lớn, khác thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường BĐS. Đối chiếu với các tập đoàn BĐS lớn nhất Việt Nam qua nhiều năm hoạt động đến nay, thì chỉ có 1 tập đoàn có vốn điều lệ trên 19.000 tỷ đồng; 3 tập đoàn tiếp theo cũng chỉ có vốn điều lệ trên dưới 8.000 tỷ đồng, tính đến năm 2016.

Ngoài việc mượn đầu heo nấu cháo, ngay chính hoạt động của 2 doanh nghiệp này cũng có nhiều điểm mập mờ, nhất là việc tăng vốn... bất thường.
Ngoài việc "mượn đầu heo nấu cháo", ngay chính hoạt động của 2 doanh nghiệp này cũng có nhiều điểm mập mờ, nhất là việc tăng vốn... bất thường.

Đối với Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM thì đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10/2017, vốn điều lệ: 12.000 tỷ đồng.

Công ty này có 3 cổ đông: Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng, tương đương 65% vốn điều lệ; ông Lê Xuân Sơn ngụ tại quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30%; bà Đặng Thị Bích Ngọc ngụ quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5%.

Trong quá trình thành lập, hoạt động kinh doanh của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba Tây Bắc TPHCM cũng có một số điểm đáng ngờ.

"Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đăng ký vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng, quá lớn, đến mức phi lý, không bình thường đối với một công ty khởi nghiệp trên thị trường bất động sản. Cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali chỉ đăng ký vốn điều lệ 100 tỷ đồng, mà lại cam kết góp vốn vào Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TPHCM đến 7.800 tỷ đồng. Ông Lê Xuân Sơn đăng ký góp đến 3.600 tỷ đồng và bà Đặng Thị Bích Ngọc đăng ký góp đến 600 tỷ đồng là không bình thường", ông Châu phân tích.

Công Quang

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *