Doanh nghiệp 17/02/2014 12:10

Những doanh nghiệp lần đầu tiên "ngã ngựa"

FICA - Nhìn lại nguyên nhân lỗ của một doanh nghiệp, đôi khi lại là câu chuyện chung của không ít các doanh nghiệp cùng ngành.



14/2/2014 là hạn chót để các doanh nghiệp nộp báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2013 đúng hạn. Vì vậy, cuối tuần trước, hàng trăm báo cáo đã được hai đơn vị quản lý là Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở giao dịch chứng khoán TPHCM công bố.

Theo thống kê ban đầu, nhiều doanh nghiệp đã báo lãi trở lại sau thời gian dài làm ăn thua lỗ hoặc đạt lợi nhuận đột biến như Vinaconex, Kinh Bắc, Hanic, chứng khoán Sacombank...Tuy vậy, ở chiều ngược lại, cũng có không ít doanh nghiệp đã lần đầu tiên "ngã ngựa" kể từ khi niêm yết khi báo lỗ trong quý IV/2013.

Nhìn lại nguyên nhân lỗ của một doanh nghiệp, đôi khi lại là câu chuyện chung của cả một ngành. Tính tới thời điểm hiện tại, có 3 doanh nghiệp lần đầu tiên báo lỗ là Eximbank, Mía đường nhiệt điện Gia Lai và Cáp treo núi bà Tây Ninh.

Eximbank lỗ hơn 220 tỷ đồng trong quý IV/2013

Đây không phải là lần đầu tiên Eximbank báo lỗ, khi ngân hàng này lỗ 165 tỷ đồng trong quý IV/2008. Tuy nhiên, nếu tính kể từ thời điểm niêm yết là tháng 10/2009, đây là quỹ đầu tiên Eximbank có kết quả kinh doanh với lợi nhuận âm.

Kết quả kinh doanh thua lỗ trong quý này của Eximbank do thu nhập lãi thuần, khoản chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng thương mại, giảm tới 40%. Cùng với hoạt động ngoại hối lỗ gần 230 tỷ đồng, các khoản thu nhập khác của ngân hàng đã không bù đắp nổi chi phí hoạt động, đã được cắt giảm hơn 140 tỷ đồng.

Lỗ từ hoạt động, Eximbank lại phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3 lần cùng kỳ, khiến khoản lỗ trong quý IV/2013 trước khi được hoàn nhập thuế lên tới 328 tỷ đồng.

Lợi nhuận từ hoạt động tín dụng giảm, trích lập dự phòng tăng cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận của các các ngân hàng khác. Như ACB, một ngân hàng cũng báo lỗ trong quý IV, có thu nhập lãi thuần giảm gần một nửa trong khi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng gấp hơn 2 lần. Chi phí hoạt động không giảm đã khiến ACB báo lỗ gần 445 tỷ đồng trước thuế.

Hay như BIDV, quý IV/2013 chứng kiến sự khởi sắc của các mảng kinh doanh. Thu nhập lãi thuần tăng gần 500 tỷ đồng, lãi kinh doanh chứng khoán tăng 10 lần khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh có mức tăng tới 60% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, do phải trích lập dự phòng rủi ro tới hơn 2.500 tỷ đồng, 2,5 lần cùng kỳ, lợi nhuận của BIDV giảm nhẹ.

SEC báo lỗ lần đầu và biên lợi nhuận ngày càng giảm của doanh nghiệp mía đường

Mía đường Nhiệt điện Gia Lai chỉ lỗ chưa tới 1 tỷ đồng trong quý IV/2013 nhưng đây là quỹ lỗ đầu tiên  kể từ khi niêm yết (năm 2010). Nguyên nhân thua lỗ là được công ty giải trình do giá đường thấp dẫn đến doanh thu sụt giảm, chi phí lãi vay cao và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng.

Câu chuyện của SEC nhắc lại mâu thuẫn giữa Hiệp hội mía đường và Hoàng Anh Gia Lai khi đơn vị này xin nhập khẩu 30.000 tấn đường từ Lào về Việt Nam tinh chế rồi xuất khẩu qua Trung Quốc.

Vụ lùm xùm lại bộc lộ nhiều điểm yếu của ngành mía đường do được sự bảo hộ trên lý do người trồng mía gặp nhiều khó khăn như công nghệ lạc hậu, năng suất thấp...Điều này được phản ánh qua biên lãi gộp (lợi nhuận gộp chia cho doanh thu bán hàng) của các doanh nghiệp mía đường chỉ ở mức dưới 20% và giảm mạnh trong thời gian qua khi giá đường giảm.

Như SEC, doanh thu quý IV/2013 giảm 34% nhưng lãi gộp giảm tới 70% do biên lợi nhuận giảm còn một nửa xuống chỉ còn 7%.

Bourrbon Tây Ninh, doanh nghiệp mía đường niêm yết lớn nhất trên sàn, dù doanh thu tăng gấp rưỡi nhưng lợi nhuận gộp tăng không đáng kể do biên lợi nhuận giảm từ 16% xuống 13%. Biên lãi gộp của các doanh nghiệp đường khác cũng chỉ từ vài % tới dưới 15%.

Trong khi đó, Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố báo cáo tài chính với biên lãi gộp lên tới 65%, khi doanh thu bán đường gấp 3 lần giá vốn. Lợi nhuận của Tập đoàn này đã tăng trở lại trong năm 2013 nhờ hưởng "ngọt" từ mía đường.

Ngoài ra, chi phí lãi vay cũng ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận các doanh nghiệp khi chi phí này thường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các loại chi phí.

Cáp treo núi Bà Tây Ninh lỗ do giá vốn hàng bán tăng đột biến

Cáp treo núi Bà Tây Ninh (mã TCT) vẫn nổi tiếng là doanh nghiệp có tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS), cổ tức và thị giá đều ở mức ngất ngưởng. EPS của TCT thường ở mức trên 10.000 đồng, trong khi cổ phiếu TCT hiện đang giao dịch tại mức 104.000 đồng/cổ phiếu.

TCT hoạt động kinh doanh theo mùa vụ, với doanh thu chủ yếu rơi vào quý I và thấp nhất vào quý IV. Lợi nhuận luôn ở mức cao do doanh nghiệp này có giá vốn hàng bán thường chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với doanh thu, có khi chỉ bằng 1/30, các chi phí khác ở mức thấp.

Tuy nhiên, trong quý IV/2013, giá vốn hàng bán tăng 10 lần so với cùng kỳ và chiếm tới 67% doanh thu. Đây là nguyên nhân khiến TCT báo lỗ gần 1 tỷ đồng, quỹ lỗ đầu tiên kể từ khi niêm yết vào cuối năm 2006.

Rất khó để tìm một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh và tình hình tài chính tương tự TCT trên sàn. Nhưng việc kiểm soát giá vốn hàng bán luôn là câu chuyện đặt ra với tất cả các doanh nghiệp.

Lam Thanh

Chuyên mục: Doanh nghiệp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *