Đầu tư 25/04/2014 16:20

Bộ trưởng Thăng: Hơn 300 tỷ sửa chữa cầu Thăng Long là lãng phí

FICA - Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vừa bác bỏ đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về số tiền hơn 313 tỷ đồng sửa chữa triệt để cầu Thăng Long. Người đứng đầu ngành GTVT cho rằng đề xuất này không phù hợp, gây lãng phí...

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, mặt cầu Thăng Long sau hơn 20 năm khai thác đã bị hư hỏng, gây mất an toàn giao thông nên đã được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tiến hành sửa chữa theo phương án bóc bỏ lớp mặt cầu cũ và thảm lớp bê tông nhựa polymer lên trên. Do đây là công nghệ mới, tính chất xử lý kỹ thuật phức tạp, điều kiện thi công chưa tối ưu nên trong quá trình khai thác lớp bê tông nhựa mặt cầu xuất hiện một số hư hỏng cục bộ và đã được sửa chữa, khắc phục bằng vật liệu Novabond.

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, hiện nay mặt cầu Thăng Long đã cơ bản ổn định, cần tiếp tục theo dõi, xử lý để đảm bảo chất lượng khai thác, ổn định lâu dài.

Bộ trưởng Thăng: Hơn 300 tỷ sửa chữa cầu Thăng Long là lãng phí
Việc xin phê duyệt 313 tỷ đồng của Tổng cục đường bộ để làm mới mặt cầu Thăng Long không được Bộ trưởng Đinh La Thăng chấp thuận

“Đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là tiếp tục đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng phương án sử dụng công nghệ vật liệu mới Guss-asphanlt trên lớp bê tông nhựa Polymer, có xét đến phương án mua máy móc thiết bị thi công tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây lãng phí và không đủ điều kiện để xem xét” - Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào tình trạng hiện tại của mặt cầu để tiết kiệm vốn đầu tư, cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, đưa ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nhất nhằm đảm bảo sửa chữa triệt để mặt cầu, ổn định khai thác lâu dài, cũng như có thể áp dụng cho các công trình khác có điều kiện kết cấu tương tự.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu đề xuất phương án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long và khẩn trương thực hiện những chỉ đạo nói trên.

Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam gửi tờ trình lên Bộ GTVT xin phê duyệt đầu tư Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long. Theo đó, sẽ bóc bỏ toàn bộ phần bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ ở phạm vi tầng 2 trên các giàn nhịp thép, thay thế bằng lớp vật liệu mới có chiều dày tương đương và phải đảm bảo yêu cầu là chịu tác dụng của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên.

Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long nếu được Bộ GTVT phê duyệt sẽ bắt đầu triển khai thực hiện khi cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh thi công xong, để tổ chức phân luồng giao thông, điều tiết giao thông qua 2 cầy cầu này. Kết hợp sử dụng phần xe thô sơ ở tầng 1 của cầu Thăng Long và lắp đặt thêm cầu phao. Sẽ đóng toàn bộ tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ việc thi công sửa chữa mặt cầu và giám sát chặt chẽ chất lượng trong quá trình thi công.

Tổng mức đầu tư của Dự án sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long được TCĐBVN trình Bộ GTVT phê duyệt là 313 tỷ đồng, từ vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Cơ quan quản lý dự án là Ban quản lý dự án 6 (thuộc TCĐBVN), Tư vấn lập dự án là Katahira & Engineers International. Thời gian thực hiện dự án là từ 2014 - 2016.

Trên thực tế, cuối năm 2014 này, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối cầu Nhật Tân - Nội Bài sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng, khi đó cầu Thăng Long nối với cao tốc Thăng Long - Nội Bài sẽ giảm tải vì lưu lượng xe được chia sẻ. Cầu Nhật Tân và đường nối sẽ rút ngắn cự ly và thời gian chạy xe khi các phương tiện tham gia giao thông khi đi từ Trung tâm Hà Nội đến sân bay quốc tế Nội Bài.

Châu Như Quỳnh

Chuyên mục: Đầu tư

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *