Bất động sản 12/12/2013 09:26

Tiết kiệm nhà ở: Khó vận hành khi lương còn chưa đủ ăn!

FICA - Theo GS Đặng Hùng Võ, Việt Nam nên tư duy theo mô hình này nhưng phải có những cơ chế hoạt động cho phù hợp với đồng lương của Việt Nam.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo quyết định về việc thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở tại Hà Nội và TPHCM. Theo dự thảo này, cá nhân vay vốn từ Quỹ tiết kiệm nhà ở để mua, thuê mua nhà ở xã hội hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở phải có các điều kiện: Đã đóng Quỹ tiết kiệm nhà ở từ ba năm trở lên; đã đóng tiền vào tối thiểu bằng 30% tổng số tiền dự kiến vay; có hộ khẩu thường trú tại thành phố nơi có Quỹ. Lãi suất cho vay của Quỹ tối đa bằng lãi suất huy động cộng thêm 1,5% chi phí quản lý, thời hạn vay tối đa là 15 năm.

Về mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế Đức, nguyên tắc hoạt động của quỹ này tại Đức sẽ theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất, người dân gửi tiết kiệm hàng tháng qua một thời gian đến khi họ đạt được 50% tổng giá trị căn hộ họ muốn mua.

Giai đoạn thứ hai, khi đã tiết kiệm được một nửa giá trị căn hộ, người gửi được phép vay nửa còn lại với lãi suất thấp để đủ mua căn hộ họ mong ước, thời gian còn lại họ sẽ dần dần trả lại khoản vay cho Ngân hàng Tiết kiệm nhà ở.


Chia sẻ tại buổi hội thảo diễn ra tuần trước, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam có đề cập tới kế hoạch thành lập Ngân hàng tiết kiệm nhà ở, Thứ trưởng cho biết, sự ra đời của mô hình tiết kiệm nhà ở vừa huy động được nguồn tiền nhàn rỗi của người dân để phục vụ cho phát triển nhà ở, vừa là kênh khuyến khích người dân tiết kiệm tiền, tích cực và trách nhiệm hơn với vấn đề nhà ở của bản thân.

Thứ trưởng cho biết, mô hình tiết kiệm nhà ở này sẽ được đưa ngay vào dự thảo luật nhà ở sửa đổi, luật kinh doanh bất động sản để trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp đầu tiên của năm 2014. Nếu được thông qua, dự kiến mô hình ngân hàng tiết kiệm nhà ở sẽ được triển khai vào năm 2017. Theo ông, thu nhập bình quân đầu người vào năm 2017 có thể tăng gấp đôi so với hiện tại (khoảng gần 2.000 USD) - là thời điểm thích hợp ngân hàng tiết kiệm đầu tiên có thể ra đời.

Trao đổi về vấn đề này, GS. TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mô hình tiết kiệm nhà ở là loại mô hình khá phổ biến để giải quyết nhà ở cho người lao động ở nhiều quốc gia. Tuy nhiên, điều kiện ở các nước đó là thu nhập có phần để chi trả cho nhà ở (đi thuê nhà, tích lũy để mua nhà). Vậy thì mọi người chưa có nhà đều có thể gửi tiết kiệm vào quỹ này để trong thời gian sớm nhất có thể mua được nhà. Đồng thời, việc đó sẽ không xảy ra bất kỳ một ý kiến trái chiều nào.

Trong hoàn cảnh của Việt Nam, ông Võ cho rằng, về lý thuyết thu nhập có tiền nhà (có quy định của pháp luật là tiền lương bao gồm cả chi phí cho nhà ở). Nhưng đồng lương thực tế thì lại chưa đủ ăn nên vận hành mô hình tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Vậy thì, Việt Nam nên tư duy theo mô hình này nhưng phải có những cơ chế hoạt động cho phù hợp với đồng lương của Việt Nam.

"Theo tôi, giai đoạn thử nghiệm vẫn nên vận hành quỹ này trong cộng đồng những người lao động chưa có nhà ở. Có thể với ý nghĩa bắt buộc đối với những người có nhu cầu về nhà ở nhưng không bắt buộc với toàn xã hội", ông nói.

Trước đó, cũng có nhiều ý kiến quan ngại về việc thành lập thêm ngân hàng tiết kiệm nhà ở tại Việt Nam. Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Phạm Sỹ Liêm từng cho rằng, mô hình với điều kiện nước ta hiện rất khó triển khai do nền kinh tế kém ổn định, kéo theo lãi suất thường cao và biến động lớn, để duy trì một lãi suất ổn định ở mức thấp trong hàng chục năm là khó khả thi. Thêm nữa, lạm phát của Việt Nam thường cao, đồng tiền mất giá trong dài hạn là rủi ro lớn với người gửi.

Cùng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Trần Kim Chung (CIEM) cũng cho rằng sự ổn định kinh tế và thu nhập người dân là trở ngại lớn nhất. Như trong giai đoạn từ năm 2002 - 2008 giá nhà đất đã tăng ít nhất 2 lần trở lên, việc gửi tiết kiệm không thể theo kịp.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *