Bất động sản 21/07/2018 10:28

Thực trạng xây dựng: "Không ngờ có ngày lên Sapa phải đeo khẩu trang"

“Tôi không ngờ lại có ngày lên Sapa phải đeo khẩu trang vì không khí không còn như xưa. Các con đường đầy khói bụi do việc xây dựng ồ ạt gây nên”, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng nói.

Thấy đất “vàng” là cho xây dựng

Tại hội nghị Bất động sản Bền vững 2018 với chủ đề “Chiến lược xanh” vừa diễn ra tại TPHCM, ông Trần Ngọc Chính cho biết, hiện nay, nhiều địa phương có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đã bị xáo trộn và phá vỡ bởi những dự án kinh doanh bất động sản. Các địa danh như Sapa, Đà Lạt, Vịnh Hạ Long, bán đảo Sơn Trà, Mũi Né, Nha Trang…đã mất đi khoảng không gian tươi đẹp, trong lành.

“Giới kinh doanh bất động sản chỉ tập trung chú ý vào những vị trí "vàng". Doanh nghiệp thấy vị trí nào đẹp là họ cố gắng xây dựng cho bằng được dự án nhưng sự ảnh hưởng của dự án đến môi trường, đến xã hội thì họ không hề để ý”, ông Chính nói.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá tình hình xây dựng hiện nay tại nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá tình hình xây dựng hiện nay tại nhiều địa phương trong cả nước.

Ông Chính lấy ví dụ, trước đây, Đà Lạt, Nha Trang, Mũi Né có không khí trong lành, dễ chịu nhưng việc xây dựng tràn lan “vô tội vạ” các tòa nhà cao tầng, khách sạn, resort… đã khiến cảnh quan bị biến dạng, môi trường bị tàn phá. Các mảng xanh dần biến mất và thay vào đó là những khối bê tông. Sapa cũng là một địa điểm chịu ảnh hưởng nặng nề từ việc xây dựng bất động sản tràn lan.

“Tôi không ngờ lại có ngày lên Sapa phải đeo khẩu trang vì không khí không còn như xưa. Các con đường đầy khói bụi do việc xây dựng ồ ạt gây nên”, ông Chính nói.

Ông Chính cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những sự việc nói trên là do công tác quản lý đô thị tại các địa phương chưa tốt.

Lấy ví dụ cụ thể về việc quản lý đô thị chưa tốt, ông Chính dẫn chứng, tại Hà Nội có Khu đô thị Linh Đàm và ở TPHCM có Khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Tuy nhiên, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng đang phát triển rất tốt với môi trường sống thoải mái, an lành và người dân sống hạnh phúc. Trong khi đó, tại Khu đô thị Linh Đàm lại xảy ra tình trạng nhếch nhác và môi trường sống ngột ngạt. Một khu đất rộng 3 hecta tại Linh Đàm lại được xây đến 12 tòa nhà, với mỗi tòa cao hơn 40 tầng khiến cho không gian vô cùng tù túng.

Làm công trình xanh, “tặng thêm” hệ số sử dụng đất

Theo các chuyên gia tại hội nghị, trong vòng 20 năm tới, Việt Nam sẽ có khoảng 50 triệu dân sống trong các khu đô thị. Hiện tại, nước ta có 870 đô thị và con số này sẽ tăng lên thành 1.000 đô thị vào năm 2040. Điều này thể hiện tốc độ đô thị hóa đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho thấy, hoạt động xây dựng và phát triển các dự án đầu tư bất động sản là một trong những tác nhân chính gây ra các vấn đề nghiêm trọng về môi trường. Trên toàn thế giới, các công trình chiếm tới 1/3 tổng năng lượng sử dụng, thải ra gần 1/4 tổng lượng khí thải CO2 và tiêu thụ tới 12% lượng nước sạch.

Chính vì tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh chóng nói trên mà cần phải có những giải pháp để phát triển bền vững. Trong đó có việc xây dựng công trình “xanh”. Đây là xu hướng tất yếu và đang phát triển mạnh mẽ trong khu vực cũng như trên thế giới khi đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng và vật liệu nhằm giảm thiểu các tác động xấu đến môi trường.

Công trình xanh hiện rất hạn chế tại Việt Nam.

Công trình xanh hiện rất hạn chế tại Việt Nam.

Ông Phạm Lâm, đại diện một đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản nhận định, một trong ba tiêu chí ưu tiên của khách hàng khi chọn mua bất động sản là cảnh quan môi trường gắn liền (cây xanh, tiện ích, quản lý, an ninh). Đối với bất động sản nghỉ dưỡng thì yếu tố xanh càng được đặt lên hàng đầu. Xanh về cảnh quan, xanh về thiên nhiên, xanh về sự quản lý con người…

“Công trình xanh tại Việt Nam đang khá hạn chế, chỉ có khoảng 150 công trình đã được chứng nhận cũng như đang trong quá trình thiết kế, thi công. Con số này thật là khiêm tốn so với các nước khác trên thế giới”, ông Lâm nói.

Theo ông Đỗ Hữu Nhật Quang, đại diện một đơn vị chuyên tư vấn công trình xanh thì 3 nguyên nhân chính dẫn đến việc có rất ít công trình xanh tại Việt Nam đó là chi phí cao, chưa có nhu cầu thực sự từ khách hàng và chưa có chính sách hỗ trợ từ Chính Phủ. Vì vậy, để nâng cao số lượng công trình xanh thì cần có sự nỗ lực từ phía các chủ đầu tư và sự quan tâm ưu đãi từ phía Chính Phủ.

Ông Hoàng Tùng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM cho biết, công trình xanh không phải là chủ đề mới nhưng cần nhắc đi nhắc lại hàng ngày.

Hiện tại, TPHCM đã đưa ra những ưu đãi về hệ số sử dụng đất cho các chủ đầu tư xây dựng các công trình xanh. Việc ưu đãi này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mang lại những lợi ích về môi trường sống cho người dân.

“Tôi ví dụ, với hệ số sử dụng đất là 5 thì khu đất diện tích 1.000m2 sẽ được xây 5.000m2 sàn. Nhưng nếu đây là công trình xanh, mang lại lợi ích về môi trường cho người dân thì thành phố có thể sẽ nâng hệ số sử dụng đất lên 6 để khuyến khích doanh nghiệp, tức họ có thêm 1.000m2 sàn”, ông Tùng nói.

Đại Việt

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *