Thị Trường 27/06/2014 17:25

Chung cư Hà Nội vẫn khó bán

Giá bất động sản được cho là đã “bắt đáy” và đã phù hợp với thị trường hơn, nhu cầu nhà ở của người dân lại rất lớn, nhưng rồi, đầu ra vẫn hết sức khó khăn.

 

Dự án CT3 Cổ Nhuế.

Những số liệu thống kê của các cơ quan chức năng cho thấy, thị trường BĐS đang trên đà phục hồi với một loạt tín hiệu lạc quan xuất hiện, và theo cách nói của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trong một cuộc tiếp xúc báo chí gần đây thì, thị trường BĐS đang phục hồi là điều hết sức rõ ràng.

BĐS đang trên đà phục hồi nhưng điều này không đồng nghĩa với việc sản phẩm BĐS dễ dàng tiêu thụ, người tiêu dùng dù đã trở lại thị trường nhưng cũng không phải ai cũng sẵn sàng “xuống tiền” mua nhà, còn giới đầu tư có đổ tiền vào BĐS thì cũng chỉ tập trung vào một số ít dự án có vị trí đẹp và phải có tiềm năng.

Vậy vấn đề của thị trường BĐS hiện nay là gì? Vì sao nhiều dự án BĐS như dự án chung cư 136 Hồ Tùng Mậu, khu đô thị Resco… giá mặc dù chỉ dao động quang mức 14 – 17 triệu đồng/m2 mà vẫn khó bán?

Theo tìm hiểu của PetroTimes, trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng đã đề xuất, kiến nghị và cho áp dụng nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp BĐS, trong đó, nhiều khoản tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp đã được các tổ chức tín dụng, ngân hàng triển khai. Dòng vốn từ ngân hàng vào lĩnh vực BĐS vì thế đã trôi chảy hơn với không chỉ với chủ đầu tư mà cả với người có nhu cầu nhà ở. Nhưng rồi, tại một loạt các dự án, tình trạng “cháy” hàng, khan hàng chỉ xuất hiện cục bộ, thậm chí nó còn do giới đầu cơ dựng lên để kiếm lời, người có nhu cầu mua nhà thực rất ít.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (hiện đang thuê nhà ở Cổ Nhuế - Bắc Từ Liêm - Hà Nội) cho hay, mặc dù khả năng tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng hiện đã khá mở, giá nhà chung cư tại nhiều dự án cũng chỉ khoảng 14 – 17 triệu đồng/m2 nhưng vì các điều kiện vay vốn vẫn khá “chặt” nên chẳng phải ai cũng vay được tiền.

“Tôi đã nhiều lần hỏi thủ tục để vay tiền mua nhà, nhưng đến đâu họ cũng bảo phải có tài sản thế chấp hoặc là nhà chung cư thì phải có hợp đồng mua bán căn hộ với chủ đầu tư thì mới được. Tài sản thế chấp thì mình lấy đâu ra, nhà thì vẫn còn đang phải đi thuê. Còn hợp đồng mua bán căn hộ muốn có thì ít ra mình cũng phải có vài ba trăm triệu đồng đóng cho chủ đầu tư, người ta mới cấp. Rồi thì phải chứng minh thu nhập, hợp đồng lao động… rất phức tạp” – anh Hùng nói.

Thị trường BĐS “ấm” lên là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế nhưng nếu nhìn vào con số 4.000 giao dịch thành công tính đến hết tháng 6/2014 ở Hà Nội (Số liệu thống kê của Bộ Xây dựng) thì mới thấy, những tín hiệu tích cực xuất hiện trên thị trường hiện vẫn còn khá yếu. Giá nhà tuy đã giảm nhưng rõ ràng, nó mới cập tới một bộ phận rất nhỏ của người dân. Trong khi đó, một bộ phận lớn còn lại, khả năng tích lũy chưa đủ, hoặc hạn chế, cần sự hỗ trợ vốn vay từ phía ngân hàng thì lại gặp nhiều vướng mắc khi tiếp cận vốn vay.

Người tiêu dùng không mua BĐS, đã trở thành vật cản ngăn dòng tiền của nhà băng vào BĐS. Ngân hàng sẵn sàng cho doanh nghiệp BĐS vay nhưng vấn đề nằm ở chỗ, doanh nghiệp phải chứng minh được khả năng thu hồi vốn sau khi dự án hoàn thành, sản phẩm BĐS được tiêu thụ, doanh nghiệp thu hồi được vốn… Mà rõ ràng, trong bối cảnh tín hiệu phục hồi còn rất mơ hồ như hiện nay, chẳng ai dám khẳng định điều này. Ngân hàng vì thế mà cũng chẳng “dám liều” với các khoản vay BĐS!

Có chuyên gia nhận xét rằng, nhận định người tiêu dùng đã quay lại thị trường BĐS là hơi lạc quan. Theo ông Nguyễn Vũ Trọng Minh - chuyên viên Công ty Cổ phần Truyền thông và Công nghệ Nguyễn Trần, công ty hiện đang sở hữu một loạt các web mua bán nhà đất cho rằng, chuyện người dân quay lại thị trường với việc người dân có “xuống tiền” để thực hiện các giao dịch nhà đất hay không là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Qua thống kê nguồn thông tin mua - bán trên các Web mua bán nhà đất, giao dịch thành công là rất ít. Có những thông tin rao bán căn hộ đăng đi đăng lại tới 3 - 4 tháng, chủ căn hộ dù đã giảm giá cũng không bán được. Ngoài ra, nhiều sàn BĐS cũng mang sản phẩm lên bày bán với đủ các lời quảng cáo như giá gốc, giá rẻ, khuyến mại khủng, ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư… nhưng rồi cũng chẳng bán được mấy căn hộ.

Phân tích hiện tượng này, ông Minh nói: Mặc dù người tiêu dùng BĐS đã quay lại thị trường vì các chính sách ưu đãi, hỗ trợ. Nhưng người tiêu dùng hiện vẫn chưa hoàn toàn tin tưởng vào thị trường này. Trong khi đó, sân chơi BĐS hầu như không có người mới, vẫn chỉ là từng ấy doanh nghiệp, công ty tham gia đầu tư dự án BĐS.

Câu chuyện trên đã phần nào lý giải vì sao, mặc dù đã nhìn tận mắt các dự án BĐS nhưng người tiêu dùng vẫn chưa muốn đầu tư, họ vẫn đang lo sợ đồng tiền của mình nếu đổ vào dự án BĐS sẽ lại bị chiếm dụng, như những gì đã diễn ra trong giai đoạn 2011 - 2013.

Theo Thanh Ngọc

Petrotimes

Chuyên mục: Thị Trường

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *