Thị Trường 19/04/2016 21:18

“Núp bóng” người dân, doanh nghiệp phân lô hộ lẻ để trục lợi

FICA - “Lách” Quyết định 33 của UBND TPHCM về việc cho phép các hộ gia đình, cá nhân được tách thửa đối với đất ở tại nông thôn và đô thị trên địa bàn, nhiều “đầu nậu” và doanh nghiệp đã "núp bóng" chủ đất để kinh doanh hưởng lợi, trốn thuế.

Để đáp ứng nhu cầu tách thửa để xây dựng nhà ở của nhiều hộ gia đình nông dân đông con cháu, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định 33/2014. Theo đó, trường hợp thửa đất nằm trong quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố thì vẫn được tách thửa. Trường hợp thửa đất khi tách có hình thành đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật thì chủ đất phải có trách nhiệm đầu tư hoàn thiện, bàn giao và không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đó.

Quyết định này được đánh giá là đã tạo điều kiện cho nhiều người dân nghèo được sở hữu nhà hợp pháp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, việc cho phép phân lô tách thửa theo Quyết định 33/2014 đang tạo ra những phiên bản mới của hình thức phân lô hộ lẻ trước đây.

Một “đầu nậu” chuyên phân lô tách thửa và chuyển nhượng nền đất ở Quận 9 cho rằng, Quyết định 33 là “mảnh đất màu mỡ” để nhiều công ty trục lợi. Theo đó, những doanh nghiệp sẽ mượn người dân đứng tên để xin tách thửa bán nền, trong khi hạ tầng thì làm qua loa với vài con đường giao thông tạm bợ, cắm vài trụ điện, lắp cống thoát nước sơ sài… rồi rao bán. Hậu quả là những người mua lãnh đủ.

Một dự án phân lô bán nền ở huyện Nhà Bè (Ảnh: Đ.Sơn) 
Một dự án phân lô bán nền ở huyện Nhà Bè (Ảnh: Đ.Sơn)

Đề cập đến vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) thừa nhận, tình trạng phân lô hộ lẻ vẫn tiếp tục diễn ra trên diện rộng, có cả sổ đỏ và giấy phép xây dựng, nhưng công trình hạ tầng không kết nối được. Thậm chí, nhiều trường hợp "đầu nậu" hoặc doanh nghiệp núp bóng chủ đất để kinh doanh hưởng lợi, trốn thuế. Việc “lách luật” này dẫn đến hệ lụy là Nhà nước sẽ bị thất thu thuế và phải tốn rất nhiều chi phí để chỉnh trang, nâng cấp đô thị sau này.

Để chấn chỉnh tình trạng này, nhưng vẫn giải quyết được nhu cầu tách thửa của hộ gia đình nông dân, ông Châu cho rằng cần phải sửa đổi Quyết định 33/2014/QĐ-UBND theo hướng chỉ giải quyết tách thửa cho các hộ gia đình nông dân có nhu cầu xây dựng nhà cho con cháu. Đồng thời, cần có biện pháp ngăn chặn "đầu nậu" hoặc doanh nghiệp núp bóng chủ đất để kinh doanh hưởng lợi, trốn thuế và giao cho UBND quận, huyện, phường, xã chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện.

Liên quan đến Quyết định 33/2014, Bộ Tư pháp vừa có văn bản đề nghị TPHCM xem lại yêu cầu “khi tách thửa, chủ đầu tư phải làm đường giao thông kết nối khu vực” vì Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014 hướng dẫn Luật Đất đai về trình tự thủ tục tách thửa, nhập thửa đất không quy định.

Trước đây, Bộ Tư pháp từng “thổi còi” quy định tách thửa khu đất lớn phải lập tổng mặt bằng hoặc lập dự án tại hai quyết định 19/2009 và 54/2012 của UBND TPHCM. Do đó đến Quyết định 33/2014, TP bãi bỏ quy định trên, chỉ giữ lại yêu cầu chủ đầu tư phải làm đường giao thông kết nối khu vực. Nhưng mới đây, Bộ Tư pháp tiếp tục đề nghị TPHCM xem lại nội dung này.

Trước đó, ngày 14/4, tại TPHCM đã diễn ra cuộc họp rất sôi nổi khi bàn về những vướng mắc của Quyết định 33, trách nhiệm địa phương và dự thảo hướng dẫn mới của Sở Tài nguyên và Môi trường. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM cho rằng, Quyết định 33 có nhiều lỗ hổng dẫn đến nguy cơ mất kiểm soát hạ tầng kỹ thuật. Văn bản này có nhiều cách hiểu khác nhau nên kiến nghị phải sửa gấp.

Công Quang

Chuyên mục: Thị Trường

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *