Bất động sản 23/02/2018 08:22

Thị trường bất động sản 2018: "Miền Nam sẽ sôi động hơn miền Bắc"

"Đánh giá về thị trường bất động sản trong năm 2018, chúng tôi cho rằng thị trường miền Nam sẽ sôi động hơn so với miền Bắc. Lượng cung nhà ở dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2019 do điểm rơi bàn giao các dự án và sự gia nhập của nhiều ông lớn vào phân khúc trung cấp và bình dân".

Thị trường bất động sản miền Nam được nhận định sẽ sôi động hơn so với miền Bắc...
Thị trường bất động sản miền Nam được nhận định sẽ sôi động hơn so với miền Bắc...

Đó là nhận định vừa được đưa ra trong báo cáo dự báo về thị trường năm 2018 của khối phân tích và tư vấn đầu tư Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC).

Đánh giá về thị trường bất động sản trong năm 2018, báo cáo cho rằng thị trường miền Nam sẽ sôi động hơn so với miền Bắc. Lượng cung nhà ở dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2018 - 2019 do điểm rơi bàn giao các dự án và sự gia nhập của nhiều ông lớn vào phân khúc trung cấp và bình dân.

"Do đó, chúng tôi cho rằng các dự án có vị trí thuận lợi, đáp ứng đúng khẩu vị thị trường (bình dân) và có pháp lý rõ ràng sẽ được tiêu thụ dễ dàng hơn", khối phân tích của VDSC nhận định.

Ngoài ra theo VDSC, môi trường lãi suất thấp cũng là cơ hội để các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát triển và tiêu thụ dự án trong năm 2018.

Theo thống kê, lãi suất vay dài hạn của các chủ đầu tư chỉ dao động trong khoảng 10% - 11%/năm trong nhiều năm qua. Lãi suất cho vay mua nhà trong khi đó chỉ ở mức 9%/năm trong hai năm đầu, và bình quân 12% - 13% trong các năm tiếp theo. Trong khi đó, năm 2018, Hiệp hội bất động sản TP. HCM tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các gói hỗ trợ lãi suất cho dự án nhà ở xã hội (hỗ trợ cả chủ đầu tư và người mua nhà).

Ngoài ra, các yếu tố chính sách cũng được nhận định sẽ giúp thị trường phát triển bền vững hơn. Nhà nước sẽ áp dụng đa dạng các chính sách, từ thuế, tính dụng, quy hoạch và hành chính để điều tiết thị trường bất động sản phát triển một cách bền vững.

Trong năm 2018, nhóm các chính sách liên quan đến bất động sản sẽ tiếp tục được cải tiến và sửa đổi, tạo sự hoàn thiện cho thị trường. Gần đây, Nghị định 54 trong việc thí điểm đưa cơ chế đặc thù cho TP. HCM cũng sẽ có tác đông sâu rộng đến thành phố này trong tương lai.

Nghị định 42 về xử lý nợ xấu cũng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy việc xử lý "sự tồn đọng" của nợ xấu, chủ yếu là các dự án bất động sản, tạo nguồn lực cho nền kinh tế cũng như giúp tái khởi động lại nhiều dự án "chết" trong thời gian tới.

Thông qua số liệu thống kê báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản cũng cho thấy tình hình bán hàng của các doanh nghiệp bất động sản rất tốt trong giai đoạn 2015 - 2016 với tỷ lệ người mua nhà trả tiền trước so với hàng tồn kho đã tăng khá mạnh.

Tỷ lệ người mua trả tiền trước/hàng tồn kho.
Tỷ lệ người mua trả tiền trước/hàng tồn kho.

VDSC cho rằng năm 2018 - 2019 sẽ là thời điểm bàn giao dự án và ghi nhận kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Vẫn lo ngại về nguy cơ "bong bóng"

Bên cạnh việc đưa ra những yếu tố tích cực, báo cáo VDSC cũng đưa ra lo ngại khi dòng vốn tín dụng chảy sang các khu vực rủi ro cao như thị trường nhà đất. Theo khảo sát, tại TP. Hồ Chí Minh, giá nhà đất tăng khá mạnh tại một số điểm nóng như Quận 9, Thủ Đức, Gò Vấp,...do thông tin xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây cũng là diễn biến chung tại các quận, huyện xung quanh Hà Nội.

Ngoài ra, diễn biến giá đất tại thành phố loại I và II hay các khu vực được quy hoạch như quanh sân bay Long Thành, các đơn vị hành chính - kinh tế,...cũng được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Báo cáo từ Ban Kinh tế Trung ương cho thấy, dư nợ cho vay mua nhà đã tăng 75% trong năm 2017, tương ứng khoảng trên 12 tỷ USD. Tuy nhiên, do quy mô tiêu thụ căn hộ tại Hà Nội và TP.HCM chỉ đạt 60.000-70.000 căn hộ/năm, tương đương 8-9 tỷ USD. Với tỷ lệ vay vốn ngân hàng phổ biến ở mức 50%-70% tổng giá trị căn hộ thì một lượng lớn tín dụng chảy sang khu vực bất động sản nhà đất.

"Đáng chú ý, bong bóng đầu cơ trên thị trường bất động sản nhà đất sẽ rất khó để dập tắt nếu đã hình thành và khả năng can thiệp của cơ quan nhà nước cũng tương đối hạn chế", báo cáo của VDSC nhận định.

Trước đó, đưa ra dự báo về thị trường năm 2018, Hiệp hội bất động sản TP.HCM (Horea) dự báo thị trường bất động sản có thể vẫn tiếp tục phục hồi, tăng trưởng, giữ được sự phát triển ổn định; các phân khúc thị trường và sản phẩm bất động sản sẽ có sự tái cơ cấu lại hợp lý hơn hơn.

Theo Horea, phân khúc thị trường nhà ở vừa túi tiền loại căn hộ 1-2 phòng ngủ có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn giữ vai trò chủ đạo và dự báo giá bán nhà ở sẽ không có biến động lớn; các dự án "bất động sản xanh", có không gian sống thân thiện môi trường theo hướng thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ là xu thế được lựa chọn.

Tuy nhiên theo cơ quan này, thị trường bất động sản năm 2018 cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về quan hệ cung - cầu; tiếp cận quỹ đất đầu tư; thủ tục hành chính; thiếu vốn; nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng, do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản.

Tuy nhiên, áp lực này cũng sẽ là động lực buộc các doanh nghiệp bất động sản phải tìm kiếm các giải pháp phù hợp để vượt qua, vươn lên để phát triển bền vững, thích ứng với môi trường kinh doanh hoàn toàn mới.

Nguyễn Khánh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *