Bất động sản 31/12/2013 13:39

Sôi động thị trường đất “âm”

Trong khi thị trường bất động sản vẫn chưa rõ nét xu hướng hồi phục và chỉ ít nhiều khởi sắc ở một vài dự án thì có một phân khúc khác của thị trường này vẫn âm thầm “sống khỏe”, đó là đất ở các công viên nghĩa trang, hay gòn còn gọi là đất "âm".

Thị trường tiềm năng

Hà Nội hiện có 7 nghĩa trang quy mô cấp thành phố với tổng diện tích khoảng 70ha và trên 2.300 nghĩa trang cấp xã hình thành tự phát. Thực tế cho thấy, tất cả các nghĩa trang đều trong tình trạng quá tải, nhiều nghĩa trang đã phải dừng việc mai táng vì không còn diện tích, cũng như yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đánh giá được tiềm năng của “đất nghĩa trang”, rất nhiều doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào lĩnh vực này dưới dạng mô hình công viên nghĩa trang như Công ty Đầu tư xây dựng và thương mại Toàn Cầu, Chánh Phú Hòa, Hoa Sen Vàng...

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, cũng giống như bất động sản cho người sống, đất nghĩa trang được phân theo từng lô đơn, kép, liền kề, khu vip, khu bình dân với các diện tích khác nhau từ 5m2 đến 40, 50m2, thậm chí to hơn. Đất nghĩa trang cũng có quy định về diện tích xây dựng, lối đi, khuôn viên hay thiết kế và các dịch vụ gia tăng. Giá cả tại đây tùy theo diện tích, vị trí mà tăng hay giảm, thời điểm hiện tại giá 1m2 đất nghĩa trang khoảng 9-11 triệu đồng, chưa kể công xây dựng và các dịch vụ khác liên quan.

Bác Đào Trung Thành (Láng Hạ) cho biết: Tôi cũng có nhu cầu mua đất mộ cho bố mẹ và cả mình nữa, nhưng giá đất giữa các nghĩa trang xung quanh Hà Nội cũng lên xuống đôi chút do khoảng cách đi lại và các dịch vụ gia tăng khác đi kèm. Để có một khu đất 20-30 chục m2, cộng thêm tiền xây cất khuôn viên, trồng hoa, cây cảnh cũng tốn trên nửa tỷ đồng. Giá này là khá cao khi đã được nhà nước hỗ trợ nhưng vì là vấn đề tâm linh nên cũng chẳng cò kè thêm bớt làm gì.

Do hơi nhạy cảm nên hàng hóa trên thị trường ít được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng thực tế, các giao dịch cũng không kém phần sôi động. Nhiều công viên nghĩa trang cũng cạnh tranh nhau bằng các dịch vụ như thiết kế miễn phí, chăm sóc hoa cỏ trong khuôn viên, vệ sinh phần mộ, hương khói, cũng giỗ... theo gói và theo giá tiền.

Xóa bỏ quan niệm cũ

Tài nguyên đất đai đang thu hẹp dần, trong khi đó nhu cầu “định cư” cho người mất ngày càng gia tăng. Và không chỉ những người già, mà cả những người trung niên cũng có nhu cầu. Do vậy sẽ ngày càng nhiều dự án công viên nghĩa trang tư nhân xuất hiện ở gần các trung tâm, đô thị lớn bên cạnh các nghĩa trang của địa phương.

Mô hình công viên nghĩa trang đang là hướng đi đúng đắn của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên có hai vấn đề mà dư luận quan tâm, đó là việc quy hoạch gắn liền với bảo vệ môi trường, vì theo quan niệm của nhiều người Việt Nam vẫn muốn chôn cất hơn là hỏa táng. Thứ hai, khi quan niệm tâm linh thay đổi, coi bất động sản cho người âm là hàng hóa sẽ dẫn đến tình trạng mua bán trao đổi, thậm chí đầu cơ đẩy giá lên cao. Thực tế ở nhiều khu vực trong cả nước đã xảy ra tình trạng giá đất mộ quá cao hay những hành động bắt chẹt từ chôn cất, xây lát, chăm sóc, bảo vệ... khiến người nghèo không thể thực hiện được ý nguyện cho người thân của mình.

Vì thế, bên cạnh chủ trương xã hội hóa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức, quan niệm của người dân. Từng bước hạn chế, tiến tới xóa bỏ việc hung táng, chuyển sang hỏa táng, điện táng…vừa đảm bảo đời sống mới văn minh, hiện đại và yêu cầu vệ sinh môi trường.

Theo Đình Dũng

Báo Công thương

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *