Bất động sản 21/10/2017 15:29

Siêu dự án lấy 5% diện tích TPHCM của "Chúa đảo" Tuần Châu bị chỉ rõ bất cập

Siêu dự án có tổng mức đầu tư hơn 63.500 tỷ đồng (2,8 tỷ USD), lấy 5% tổng diện tích của TPHCM cần được cân nhắc kỹ lưỡng về tính khả thi trong quy hoạch, chi phí lãi vay và các cơ chế tài chính liên quan.

Đây là khẳng định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trong bản góp ý với Đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đại lộ ven sông Sài Gòn theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) vừa được Sở KH&ĐT TPHCM xin ý kiến của Bộ KH&ĐT mới đây.

Cần làm rõ quy hoạch khi lấy 5% diện tích đất

Trước đó, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đề xuất thực hiện Dự án trên với tổng vốn khoảng 63.500 tỷ đồng, quỹ đất phục vụ toàn dự án khoảng 12.400 ha (trong đó có đất thực hiện dự án và thanh toán cho nhà đầu tư theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng). Sở KH&ĐT TPHCM sau đó có văn bản gửi Bộ KH&ĐT xin ý kiến.

Ven sông Sài Gòn nhìn từ trên cao
Ven sông Sài Gòn nhìn từ trên cao

Trong văn bản phúc đáp, Bộ KH&ĐT đề nghị nhà đầu tư bổ sung các nội dung còn thiếu như: Giấy tờ chứng minh năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư, kinh nghiệm thực hiện dự án cho phù hợp với quy định để các cơ quan có cơ sở thẩm định.

Về phương án tài chính, Bộ KH&ĐT cho rằng TPHCM cần cân nhắc kỹ lưỡng về tính khả thi của dự án. Theo đề xuất của doanh nghiệp, dự án có tổng mức đầu tư khoảng 63.500 tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD), bao gồm cả chi phí lãi vay của nhà đầu tư.

Về quy hoạch và đánh giá tác động, Bộ KH&ĐT cho biết: Với gần 12.400 ha, TPHCM cần xem xét tính khả thi của việc bố trí các quỹ đất nêu trên trong bối cảnh nguồn lực đất đai hạn chế và đánh giá kỹ tác động kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, môi trường của dự án...

"Dự án có tổng mức đầu tư rất lớn và gồm nhiều hạng mục phức tạp, kết hợp giữa đại lộ, cầu vượt, đề nghị TP.HCM lấy ý kiến Bộ Xây dựng về tính chính xác, hợp lý của tổng mức đầu tư được đề xuất... Cần làm rõ sự phù hợp của dự án với quy hoạch phát triển giao thông của TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, cũng như quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương", văn bản Bộ KH&ĐT cho biết.

Xin ứng vốn Nhà nước 57.500 tỷ đồng và chỉ định thầu dự án

Một vấn đề khiến Bộ KH&ĐT lo ngại là khoản tiền ngân sách rất lớn mà nhà đầu tư xin ứng trước để giải phóng mặt bằng cho chủ đầu tư đưa ra.

Cụ thể, về vốn đầu tư Nhà nước tham gia dự án, nhà đầu tư đề xuất được phân bổ chi phí giải phóng mặt bằng, xây lắp, tư vấn dự phòng với tổng giá trị 57.568 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí lãi vay của nhà đầu tư).

Toàn cảnh siêu dự án của Tuần Châu đề xuất
Toàn cảnh siêu dự án của Tuần Châu đề xuất

Bộ KH&ĐT cho rằng: Đề xuất này không phù hợp với quy định hiện hành bởi vốn Nhà nước chỉ tham gia thực hiện dự án dưới dạng vốn hỗ trợ xây dựng công trình, dự án do bộ, ngành và UBND cấp tỉnh đề xuất hoặc dự án thuộc đối tượng sử dụng vốn vay ODA, vốn ưu đãi của nước ngoài. Hơn nữa, theo Bộ KH&ĐT, các dự án sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên phải được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Đặc biệt, về cơ chế cho dự án, phía Tuần Châu đề xuất được chỉ định thực hiện Dự án theo cơ chế chỉ định thầu do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại, công nghệ hoặc thu xếp vốn.

Tuy nhiên, Bộ KH&ĐT bác bỏ và cho biết: "Các thông tin Sở KH&ĐT cung cấp, dự án không thuộc cơ chế chỉ định thầu, do đó đề nghị tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án để đảm bảo dự án minh bạch và có hiệu quả kinh tế", văn bản Bộ KH&ĐT nhấn mạnh.

Cuối cùng, Bộ KH&ĐT khẳng định: "Do các nội dung quan trọng nêu trên chưa được làm rõ hoặc chưa có giải trình cụ thể, Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhận thấy chưa có đủ cơ sở để nghiên cứu, góp ý nội dung đề xuất dự án".

Hồi tháng 2/1017, Tập đoàn Tuần Châu - Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt dự án lớn có tính chất đột phá về cơ chế đổi đất lấy hạ tầng thuộc địa bàn huyện Củ Chi với nguồn vốn lớn như: Thành phố mới (New City) tại huyện Củ Chi; Đại lộ ven sông Sài Gòn (nối huyện Củ Chi về đến quận 1); dự án hồ cảnh quan trung tâm thành phố mới tại Củ Chi; dự án Sài Gòn Marina City và hải cảng hải sản Cần Giờ; dự án di chuyển chợ hóa chất Kim Biên quận 5.

Được biết chủ đầu tư đề xuất dự án, và các dự án trên đang nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo TPHCM và các cơ quan của địa phương này đang xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan.

Nguyễn Tuyền

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *