Bất động sản 05/06/2015 09:36

Sân bay Long Thành: Nên xây, nhưng phải chống lãng phí

Tại phiên thảo luận ngày 4/6, dù nêu ra nhiều quan điểm, cách nhìn khác nhau, song đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đều đồng tình với chủ trương xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, nhưng phải chống thất thoát, lãng phí, phải sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN.Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN.
 

Có lãng phí, thất thoát không?

 

Trước khi đi vào vấn đề cụ thể, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập đến “hội chứng mất lòng tin” khi những dự án lớn như Vinashin, Vinalines nằm “đắp chiếu”, gây lãng phí không nhỏ. “Bất kỳ một dự án nào đưa ra, câu hỏi đầu tiên của người dân là có thất thoát không? Có lãng phí không? Có lợi ích nhóm không?”, ĐB Quốc đặt câu hỏi, đồng thời cho rằng cách nhìn ấy có yếu tố thực tế, có thể giúp cho chúng ta cảnh giác, nghiêm túc, nghiêm khắc hơn để điều chỉnh lại.

 

Theo ĐB Quốc, dự án sân bay Long Thành là vấn đề tầm nhìn. Ông Quốc nhìn lại, sân bay Tân Sơn Nhất được người Pháp xây dựng, người Mỹ phát triển trong thời kỳ chiến tranh, từng là một trong những sân bay lớn nhất ở khu vực, có công suất sử dụng rất cao. “Nhưng chỉ trong mấy chục năm qua chúng ta đã thu hẹp, lấn đất của nó như thế nào? Chúng ta đã quy hoạch xây dựng một cách không phù hợp với không gian của hàng không như thế nào? Để ngày hôm nay bị chật chội, phải tìm những cách thức khác”, ĐB Quốc đề nghị phải đặt dự án trong tầm nhìn lâu dài, vượt qua được hiện thực trước mắt. Việc mở rộng sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, theo ĐB Quốc, vẫn thuộc tầm nhìn ngắn.

 

“Việc phát huy nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn là vấn đề tôi quan tâm số một. Tôi đề nghị Chính phủ phải công khai, minh bạch suất đầu tư, làm sao cho có hiệu quả và phải có so sánh với các nước trong khu vực”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc)

 

Ông Quốc cho rằng, dự án được triển khai 10 năm nay, lẽ ra việc này phải bàn từ lâu, không phải đến bây giờ, khi tất cả những dự án thành phần khác đã triển khai, khi người dân gần 10 năm nay ở trong tình trạng bị “treo”. “Tôi lấy giả dụ rằng, chúng ta có đủ quyền năng nói rằng không làm sân bay Long Thành nữa, thì chúng ta có nghĩ đến một khối lượng rất lớn của cả quy hoạch bị vỡ không? Nó sẽ là một sự lãng phí như thế nào?”, ĐB Quốc nói. Ông đề nghị cần phải có những cơ quan tư vấn độc lập để đủ sức thuyết phục, để người dân yên lòng.

 

Theo ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để đạt công suất 40 - 50 triệu hành khách/năm đến năm 2030 không khả thi. “Chúng ta cứ lo xây Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sẽ lãng phí. Nhưng nếu không xây sẽ mất đi một nguồn thu không nhỏ và chúng tôi coi đó là một sự lãng phí. Việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là một cơ hội, nếu cơ hội này bị bỏ qua thì rất đáng tiếc”, ông Cương nói.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc).
 

Huy động, sử dụng nguồn vốn ra sao?

 

Đề cập cơ chế huy động vốn, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị làm rõ phần vốn nhà nước và cơ cấu vốn tư nhân; vốn tư nhân có rất nhiều hình thức và sẽ phải tính toán làm sao khả thi nhất để nợ công thấp nhất. ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) ủng hộ phương án huy động vốn mà báo cáo của Chính phủ đưa ra: Vốn của ngân sách là 11%, vốn ODA 26%, vốn ngoài nhà nước 62%.

 

“Với cách tính như thế này, điều quan trọng nhất của chúng ta là sử dụng và phát huy nguồn vốn. Tất cả các nguồn vốn đều của quốc gia, từ tư nhân, đến huy động vốn, ODA… Việc phát huy nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn là vấn đề tôi quan tâm số một. Tôi đề nghị Chính phủ phải công khai, minh bạch suất đầu tư, làm sao cho có hiệu quả và phải có so sánh với các nước trong khu vực”, ông Bảo nói.

 

“Dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là dự án sinh lợi và mang lại hiệu quả xã hội lớn. Ngoài tác động đến hội nhập, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển bền vững thì cảng còn là đầu mối giao thông thu hút quan trọng trong khu vực”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh. Ông dẫn số liệu, năm 2010 có 109.421 lượt, đến năm 2014 có 153.939 lượt cất, hạ cánh, như vậy tăng 52%, tương đương 11.129 lượt thì bình quân tăng trưởng mỗi năm 13%...

 

Theo Dũng Nguyễn

Tiền Phong

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *