Bất động sản 03/12/2013 07:59

Quốc lộ 32 làm ranh giới chia 2 quận mới của Từ Liêm

FICA - Với ranh giới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía nam và theo địa giới hành chính 364 đã được thiết lập từ năm 1993, dự kiến quận phía Bắc sẽ có tên là quận Bắc Từ Liêm, quận phía nam sẽ có tên là quận Nam Từ Liêm.

Theo tin từ UBND Hà Nội, trên cơ sở đề nghị của thành phố Hà Nội, ngày 28/11/2013, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ nhất trí chủ trương, giao thành phố Hà Nội thực hiện trình tự, thủ tục, lập hồ sơ đề nghị điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm và các xã, thị trấn để thành lập thành lập 2 quận và 23 phường.

Theo đề án do huyện Từ Liêm xây dựng, với ranh giới là đường quy hoạch chạy song song tuyến quốc lộ 32 về phía nam và theo địa giới hành chính 364 đã được thiết lập từ năm 1993, dự kiến quận phía Bắc sẽ có tên là quận Bắc Từ Liêm, quận phía nam sẽ có tên là quận Nam Từ Liêm.

Trong đó, quận Bắc Từ Liêm được xác định ranh giới phần đất phía bắc của huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 9 xã: Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía tây sông Nhuệ, với dân số hơn 319.000 người, diện tích hơn 4.335 ha, mật độ dân số 7.377 người/km2.

Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc quận Bắc Từ Liêm gồm 13 phường: 5 phường giữ nguyên tên cũ là Thượng Cát, Liên Mạc, Tây Tựu, Thụy Phương, Minh Khai; 8 phường được hình thành và tách từ 4 xã cũ có tên mới là Đông Ngạc 1, Đông Ngạc 2, Cổ Nhuế 1, Cổ Nhuế 2, Xuân Đỉnh 1, Xuân Đỉnh 2, Phú Diễn 1 và Phú Diễn 2.

Quận Nam Từ Liêm có dân số hơn 233.000 người, diện tích hơn 3.227 ha, mật độ dân số 7.234 người/km2. Địa giới của quận là phần đất ở phía nam huyện Từ Liêm hiện tại, dự kiến bao gồm toàn bộ diện tích trong địa giới hành chính của 7 xã: Tây Mỗ, Đại Mỗ, Mễ Trì, Mỹ Đình, Trung Văn, phần lớn diện tích xã Xuân Phương và phần đất thị trấn Cầu Diễn (phía nam quốc lộ 32).

Dự kiến các đơn vị hành chính trực thuộc quận Nam Từ Liêm gồm 10 phường: 4 phường giữ nguyên tên cũ là Trung Văn, Đại Mỗ, Tây Mỗ, Cầu Diễn; 6 phường được hình thành và tách từ 3 xã gồm Mỹ Đình 1, Mỹ Đình 2, Xuân Phương 1, Xuân Phương 2, riêng xã Mễ Trì được tách thành 02 phường là Mễ Trì (bao gồm thôn Mễ Trì Hạ và Mễ Trì Thượng), thôn Phú Đô thành lập phường Phú Đô.

Giải thích về tên gọi của 2 quận mới, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Từ Liêm Nguyễn Văn Việt cho biết, địa danh Từ Liêm đã có từ lâu đời trong lịch sử hình thành và phát triển của Thăng Long – Hà Nội. Trong cuốn “Từ Liêm huyện Lý Thiên Vương sự tích” có ghi “Lý Ông Trọng Hy Khang thiên vương, Từ Liêm huyện, Từ Liêm xã nhân”. Như vậy Từ Liêm còn là tên xã thời cổ của làng Thụy Phương, xã Thụy Phương ngày nay.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, với nhiều lần thay đổi địa giới hành chính nhưng tên gọi Từ Liêm vẫn được giữ gìn và lưu truyền từ đời này qua đời khác, đến năm 1961, huyện Từ Liêm được tái thành lập theo nghị định số 78/CP ngày 31/5/1961 của Chính phủ.

Vì vậy, tên Từ Liêm sẽ vẫn được giữ để đặt tên cho 2 quận mới để các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân 2 quận tiếp tục nâng cao niềm tự hào về truyền thống của huyện, kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, phấn đấu xây dựng 2 quận ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, luôn xứng đáng với quá khứ hào hùng mà cha ông đã xây dựng.

Hiện nay, huyện Từ Liêm vẫn đang tiếp tục xin ý kiến nhân dân trên địa bàn về tên gọi mới của 02 quận và tên các phường trực thuộc, sau đó sẽ tổng hợp báo cáo UBND TP xem xét trình HĐND TP, trước khi trình Chính phủ thông qua. Dự kiến việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm sẽ được thực hiện chính thức vào đầu quý III năm 2014.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *