Bất động sản 28/04/2014 09:42

Phân khúc bán lẻ: Việt Nam đang thiếu nhãn hàng

FICA - Theo chuyên gia từ Cushman & Wakefield, khá nhiều Thương hiệu quốc tế đã tìm hiểu về Việt Nam từ những năm trước kia. Tuy nhiên, thay vì Việt Nam, họ chọn tấn công những thị trường thuận lợi hơn, ít chính sách nghiêm ngặt hơn và chính phủ có cái nhìn thân thiện cởi mở hơn.

Ông Mark Burlton – Giám Đốc Toàn Cầu Dịch vụ Tư vấn Cho thuê Mặt bằng Bán lẻ, Cushman & Wakefield có một số chia sẻ về thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

Theo ông, các nhà bán lẻ nước ngoài gặp phải khó khăn gì khi tiếp cận thị trường Việt Nam?

Các thương hiệu khi vào Việt Nam, hầu hết họ đều đã có mặt tại các nước khác trước đó nên rất dễ dàng khi phân phối hàng sang Việt Nam như một kênh mới trong mạng lưới châu Á Thái Bình Dương của họ. Tuy nhiên, khi đầu tư trực tiếp, các nhà bán lẻ bao giờ cũng phải xem xét nhiều hơn nhằm chọn lựa một phương án đầu tư dài hạn.

Một vấn đề tại Việt Nam là có khá nhiều dự án được xây dựng liền kề nhau và vô hình chung, dự án này làm gia tăng cạnh tranh cho các dự án xung quanh khác. Khi mật độ dự án quá dày đặc, thì rõ ràng, điều này không có lợi cho ai cả. Việt Nam từ đó cũng phải xem xét lại vấn đề về quản lý quy hoạch dự án.

Một khó khăn nữa mà các nhà bán lẻ nước ngoài vào Việt Nam có thể gặp phải là những khác biệt về vùng, miền, thời tiết. Hà Nội có bốn mùa trong khi Hồ Chí Minh có hai mùa. Những sản phẩm phục vụ cho mùa đông tại TPHCM hầu như rất ít được tiêu thụ.

Khi một nhà bán lẻ ngoại vào Việt Nam, họ thường mở theo chuỗi thay vì mở một hay hai cửa hàng nhỏ lẻ. Quá trình tìm kiếm và sở hữu một chuỗi các mặt bằng vị trí tốt là việc khó khăn. Chất lượng dự án tại Việt Nam nói chung không được đồng đều. Việt Nam không có nhiều dự án tốt để các nhà bán lẻ có thể lựa chọn. Đây là những vấn đề mà các nhà bán lẻ khi đến Việt Nam phải đối mặt.  

Vấn đề cụ thể với Việt Nam là gì?

Hiện nay Việt Nam đang thiếu nhãn hàng, đi trung tâm thương mại nào cũng có thể thấy toàn bộ các thương hiệu đó, trừ các thương hiệu cao cấp - họ chỉ cần mở một cửa hàng tại một thành phố, nhưng những thương hiệu phổ thông như Mango, họ cần mở một chuỗi cửa hàng tại tất cả các trung tâm thương mại tại thành phố.

Số lượng thương hiệu tại Việt Nam hiện nay không phong phú. Đây cũng là một trong những thách thức để các chủ tòa nhà, các nhà phát triển trung tâm thương mại xem xét. Bởi nếu họ không có nhiều lựa chọn về thương hiệu, họ sẽ không có cơ sở để đàm phán giá. Do đó, chúng tôi cũng hi vọng sang năm sau, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn, các thương hiệu bán lẻ mới sẽ tạo nên sự sôi động trên thị trường và khách hàng tiêu dùng cũng có nhiều lựa chọn hơn.

Năm 2015, khi Việt Nam chính thức mở cửa 100% thì liệu các nhà bán lẻ nước ngoài có tràn vào thị trường Việt Nam và tạo ra hiệu ứng gì không?

Năm 2015, việc Việt Nam mở cửa 100% sẽ tạo ra động thái tích cực cho thị trường bán lẻ và khuyến khích các nhà bán lẻ giao dịch trực tiếp tại thị trường Việt Nam.

Khi các nhà bán lẻ nước ngoài có cơ hội kinh doanh trực tiếp tại Việt Nam, họ sẽ có chính sách giá cả nhất quán hơn là khi họ thông qua các nhà phân phối trong nước. Đặc biệt, chúng ta có thể thấy sự gia tăng của tầng lớp trung lưu tại thị trường Việt Nam. Đây là cơ hội tốt cho các nhà bán lẻ quốc tế tham gia vào thị trường. Chúng tôi hi vọng tầng lớp trung lưu tại Việt Nam họ sẽ đón nhận những thương hiệu mới này.

Đã có nhà bán lẻ quốc tế nào thể hiện rõ quan tâm tới thị trường Việt Nam trong quá trình làm việc với ông chưa? Theo ông, xu hướng sắp tới của các nhà bán lẻ thế giới khi gia nhập thị trường Việt Nam là gì? Họ sẽ đầu tư trực tiếp hay thông qua các đối tác trong nước?

Chắc chắn là có. Chúng tôi thường xuyên làm việc với các thương hiệu từ cao cấp đến trung cấp, bình dân trong các lĩnh vực khác nhau như thời trang, F&B... Trong số danh sách thị trường tiềm năng, Việt Nam không quá nổi tiếng nhưng các khách hàng vẫn thường xuyên hỏi chúng tôi về thông tin và tiềm năng tại đất nước này. Khá nhiều Thương hiệu quốc tế đã tìm hiểu về Việt Nam từ những năm trước kia. Có lẽ, thay vì Việt Nam, họ chọn tấn công những thị trường thuận lợi hơn, ít chính sách nghiêm ngặt hơn và chính phủ có cái nhìn thân thiện cởi mở hơn.

Cụ thể, chúng ta có thể thấy trong phân khúc bán lẻ thương mại, nhiều nhãn hàng may mặc nổi tiếng như H&M, Zara vẫn chưa có đại lý chính thức tại Việt Nam. Một khi những quy định nghiêm ngặt được gỡ bỏ, có thể, những nhãn hàng này sẽ ngay lập tức gia nhập thị trường Việt Nam bởi họ đã có một cơ sở hạ tầng vững chắc trên toàn bộ khu vực, gia nhập Việt Nam lúc đó với họ khá dễ dàng.

Quá trình để Việt Nam có thể đi tới mở cửa hoàn toàn là một quá trình lâu dài. 90% các thương hiệu hiện có mặt tại Việt Nam đều được thông qua các nhà phân phối trong nước. Các nhà bán lẻ thế giới từ đó cần phải có một lộ trình nhất định. Thực tế thì về mặt lợi nhuận thì đầu tư trực tiếp vẫn mang về lợi nhuận nhiều hơn là thông qua đối tác nội địa. Theo tôi thì họ sẽ đi theo lộ trình, đầu tiên họ có thể cần đối tác nội địa, nhưng càng về sau, khi môi trường đã thông thoáng hơn, họ có xu hướng đầu tư trực tiếp nhiều hơn.

Với các thị trường chưa phát triển như Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng các nhà bán lẻ địa phương đứng trước nhiều khó khăn nếu nhiều nhà bán lẻ quốc tế gia nhập. Ông có đồng ý với ý kiến này không?

Theo tôi, những nhà bán lẻ thông minh là những người biết ước lượng tiềm năng của thị trường Việt Nam và tận dụng lợi thế người đi tiên phong, dẫn đầu thị trường. Việt Nam cũng có thể nhìn vào trường hợp tương đồng là Ấn Độ. Ấn Độ đang trong quá trình thay đổi dần môi trường đầu tư trực tiếp.

Tương tự như vậy, Việt Nam cũng cần phải có một quá trình thay đổi dần dần. Khi hội nhập hoàn toàn, người tiêu dùng Việt Nam được tiếp cận với hàng loạt nhãn hàng quốc tế, lựa chọn chất lượng và giá cả hàng hóa cho họ cũng đa dạng hơn. Những nhà bán lẻ trong nước, từ đó cũng phải nâng cao tính cạnh tranh bằng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Quá trình thay đổi này sẽ bắt đầu tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh rồi lan rộng ra toàn đất nước.

Tại Việt Nam có khá nhiều các nhà bán lẻ châu Á lớn gia nhập như Aeon, Lotte mà ít các nhà bán lẻ từ Châu Âu, Châu Mỹ…Nguyên nhân của hiện tượng này là gì? Có phải do các nhà bán lẻ châu Á am hiểu thị trường Việt Nam hơn không?

Nguyên nhân chính của hiện tượng này là do tương đồng về văn hóa, am hiểu thói quen mua sắm và hoạt động logistic thuận lợi hơn so với các Châu khác. Đây là một điều vô cùng dễ hiểu.

Ông có biết vì sao mà ngày càng nhiều nhãn hàng trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống (F&B) đến Việt Nam không?

F&B ngày càng được ưa chuộng trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng tại Việt Nam. Nếu như 10 năm, 5 năm trước, khi cho thuê một trung tâm thương mại tại Anh, Mỹ hay Pháp, chúng tôi chỉ dành 5% trong tổng mặt sàn cho ngành hàng ăn uống ăn uống thì hiện nay con số này là 20%. F&B ngày càng chiếm một thị phần quan trọng trong lĩnh vực bán lẻ.

Ông có bình luận gì về xu hướng phát triển ngành hàng F&B này không?

Về lĩnh vực F&B, các thương hiệu lớn như Mc Donald, Burger King, KFC, …là những công ty có cách thức tổ chức chuyên nghiệp và luôn nhắm vào các thị trường mới. Việt Nam không phải là một trường hợp ngoại lệ khi phát triển F&B đầu tiên. Mức thu nhập của người dân Việt Nam không quá cao nhưng tới nay Việt Nam đã có đầy đủ các thương hiệu cao cấp có mặt tại đây, cụ thể chúng ta có thể nhìn thấy rõ ràng ở trung tâm mua sắm Union Squares (Vincom A trước đây) tại Quận 1.

Sau khi Việt Nam mở cửa 100%, nhiều thương hiệu cao cấp và mang tính thương mại cao như Fast Fashion, H&M, Zara sẽ gia nhập. Việt Nam không nằm ngoài quy luật phát triển bán lẻ tại các thị trường khác trên thế giới. 

Một số thương hiệu F&B khi mới xuất hiện tại Việt Nam đều khiến khách hàng phải xếp hàng mới được thưởng thức. Theo ông đây là hiện tượng hay là do nhu cầu của người dân?

Các thương hiệu này khá là nổi tiếng và đôi khi sự xuất hiện của các thương hiệu này tạo ra một xu hướng mà không một người nào muốn bỏ lỡ. Tất nhiên là họ có các kênh truyền thông để quảng cáo và khuếch trương thương hiệu rất tốt và từ đó tạo nên một xu hướng mang tính thời thượng.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *