Bất động sản 24/07/2020 08:34

Nông thôn sẽ gánh các nhà máy để Hà Nội trở thành nơi đáng sống?

Các vùng nông thôn sẽ gánh các nhà máy để Hà Nội trở thành nơi đáng sống? Đâu sẽ là giải pháp cho cả hai?

Biến Hà Nội thành thành phố đáng sống, di dời các nhà máy ra khỏi khu dân cư thay vào đó là mở rộng không gian công cộng… là điều mong muốn của nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại thủ đô.

Bài toán này không hề mới, mỗi khi được nêu ra, giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu đều khẳng định “không thể gỡ nút thắt tại điểm di dời, nhưng lại thắt một nút mới ở điểm chuyển đến”.

Theo kết quả một cuộc khảo sát được công bố tại tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng” diễn sáng 23/7, 98% người dân tại Hà Nội được hỏi ủng hộ quyết định di dời nhà máy gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư của thành phố.

Cũng theo khảo sát này, đa số người dân được hỏi muốn nhà máy chuyển đi được thay bằng công viên, cơ sở y tế hoặc cơ sở giáo dục…

Nông thôn sẽ gánh các nhà máy để Hà Nội trở thành nơi đáng sống? - 1

Tọa đàm “Hiện trạng di dời nhà máy ra khỏi khu dân cư và cơ hội mở rộng không gian công cộng”.

Cũng theo một khảo sát thực địa khác liên quan đến 39 nhà máy thuộc dạng di dời ghi trong danh sách kèm theo Công văn số QHKT/8/2017 của Sở Quy hoạch Kiến Trúc Hà Nội ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân, đã có 21 trong số 39 nhà máy đã di dời và chuyển đổi mục đích sử dụng.

Trong số 21 nhà máy đã di dời thì có 19 nhà máy được chuyển đổi mục đích sử dụng sang xây chung cư thương mại hoặc biệt thự liền kề, chỉ có hai nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác: đường trên cao và đại học tư nhân.

Điều này cho thấy việc sử dụng đất đai được thu hồi sau khi di dời các nhà máy vào mục đích phát triển không gian công cộng cho người dân còn rất hạn chế, đồng thời chưa phù hợp với chủ trương chung đó là ưu tiên sử dụng quỹ đất tại một số khu vực nội thành Hà Nội sau khi di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, cơ quan đơn vị để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị, không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành...

Nhiều ý kiến nêu ra tại tọa đàm nhằm đề xuất giải pháp cân bằng cho việc thay thế các nhà máy di dời góp phần làm Hà Nội đáng sống hơn. Nhưng khi Hà Nội đáng sống hơn thì giải pháp nào cho các địa phương nhà máy chuyển tới?

Trong khi các vùng ven đô, vùng nông thôn cũng đang trong quá trình đô thị hóa và phát triển không ngừng. Bản thân các khu vực này cũng chịu những sức ép lớn từ các nhà máy, các khu đô thị.

Theo ông Lê Thanh Ý, cán bộ nghiên cứu của Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam, vấn đề di dời các nhà máy khỏi các khu vực dân cư trong nội đô để đưa về những vùng nông thôn vốn đang trong lành, sẽ chỉ giải quyết “bức xúc ở chỗ này thì đưa đi chỗ khác” vậy còn tại những nơi tiếp nhận sẽ phải chịu hậu quả gì?

“Vốn dĩ các vùng ven đô, nông thôn rất thông thoáng, không khí trong lành. Các dòng sông quê trước đây người dân có thể thoải mái bơi lội, nhưng hiện tại đã có những dòng sông biến thành dòng sông chết vì ô nhiễm, xả thải.

Như vậy, vấn đề di dời các nhà máy khỏi các khu vực dân cư trong nội đô để đưa về những vùng nông thôn vốn đang trong lành, thì khi nông thôn “tắc” chúng ta lại đưa các nhà máy đến đâu?”, ông Ý đặt câu hỏi.

Ông Lê Thanh Ý cũng nêu cụ thể vấn đề phải làm gì trước khi di dời? Ông cho rằng: “Khi chuyển một nhà máy ở Hà Nội về một địa phương, phải có điều tra về dân cư địa phương. Theo đó, bao nhiêu người có thể tham gia chuỗi lao động, sản xuất của nhà máy đó?

Bao nhiêu người sẽ hưởng lợi ích và bao nhiêu người chịu thua thiệt và được đền bù thế nào?...  Nếu không giải quyết được đồng bộ, toàn diện vấn đề thì sẽ chỉ đạt được cái lợi ở nơi đi mà bỏ quên vấn đề ở nơi đến. Đây là vấn đề nếu không tháo gỡ thì các nhà máy đẩy về nông thôn, nông thôn lại tắc vậy lại đẩy về vùng nông thôn hẻo lánh hơn? Bài toán như vậy sẽ luẩn quẩn không lời giải”.

Nông thôn sẽ gánh các nhà máy để Hà Nội trở thành nơi đáng sống? - 2

Ông Lê Thanh Ý, cán bộ nghiên cứu của Hội khoa học phát triển nông thôn Việt Nam.

Ý kiến các chuyên gia tại tọa đàm cũng cho rằng, giải pháp không phải không có mà là vấn đề sẽ thực hiện được thế nào?

Việt Nam hiện giờ đã không thiếu các công cụ, kỹ thuật cho vấn đề này so với thế giới. Các ý kiến khẳng định, vấn đề di dời phải đảm bảo lợi ích hài hòa cho cả nơi đi và nơi đến thì xã hội mới có thể phát triển bền vững.

“Tôi muốn ví dụ câu chuyện bãi rác Nam Sơn, chúng ta bịt chỗ này nó lại bục chỗ khác. Giải quyết được các khoản đền bù đất đai cho người dân Nam Sơn thì lại nảy sinh vấn đề khác như khu định cư thế nào? hạ tầng làm sao?

Chúng ta không thể gỡ nút thắt này nhưng tạo ra nút thắt khác. Các giải pháp không thể đi theo kiểu chữa cháy, như vậy chúng ta sẽ không bao giờ đạt được phát triển bền vững”, ông Lê Thanh Ý nói thêm./.

Theo Ngọc Tuấn-Thiên Bình

VOV.VN

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *