Bất động sản 07/10/2015 08:39

Nhà nước giữ 75% vốn điều lệ ACV

Hôm qua (6/10), Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh đã ký Quyết định số 1710 phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV).

Hình thức cổ phần hóa (CPH) ACV được phê duyệt là kết hợp vừa bán một phần vốn Nhà nước, vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ với quy mô vốn điều lệ của ACV là 22.430.985 tỷ đồng, tương đương 2.243 triệu cổ phần mệnh giá 10 nghìn đồng. Quy mô vốn này của ACV được đánh giá vào loại lớn nhất cả nước.

Trong số này, Nhà nước nắm giữ 75% vốn điều lệ, tương đương với hơn 1.682 triệu cổ phần. Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp là hơn 31,3 triệu cổ phần, chiếm 1,4% vốn điều lệ. Cổ phần bán ưu đãi cho tổ chức công đoàn là hơn 3 triệu cổ phần, tương đương 0,13% vốn điều lệ. Cổ phần chào bán cho nhà đầu tư chiến lược là hơn 448 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn điều lệ. Số cổ phần bán đấu giá công khai là hơn 77,8 triệu cổ phần, tương đương 3,47% vốn điều lệ.

Thủ tướng Chính phủ cũng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá cổ phần lần đầu; Chỉ đạo ACV tổ chức triển khai bán cổ phần ra công chúng. Khi có đủ điều kiện, thực hiện niêm yết cổ phiếu của ACV trên thị trường chứng khoán theo quy định hiện hành.

Việc bán cổ phần lần đầu ra công chúng được thực hiện theo phương thức bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM.

Liên quan đến việc lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Thủ tướng ủy quyền Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định tiêu chí và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đảm bảo đúng quy định tại Nghị định 59 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần.

Cũng theo quyết định này, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo việc chuyển giao các cơ sở cung cấp dịch vụ không lưu, dịch vụ thông báo tin tức hàng không từ TCT Cảng hàng không (CHK) VN sang TCT Quản lý bay VN bảo đảm phù hợp quy định hiện hành; Quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá ACV (nếu có thay đổi) đồng thời công bố công khai, minh bạch, bảo đảm chế độ cho người lao động khi thực hiện chuyển giao.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế quản lý, vận hành tài sản trong khu bay, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Nhiều chuyên gia nhận định, việc tìm nhà đầu tư chiến lược cho ACV sẽ không gặp nhiều khó khăn, bởi doanh nghiệp khai thác CHK này đang nắm quyền quản lý, khai thác những tài sản được đánh giá là đặc biệt hấp dẫn.

Việc CPH ACV thu hút sự quan tâm của khá nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, Pháp. Gần đây nhất, hồi cuối tháng 3, trong buổi làm việc với Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Augustin de Romanet, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Aéroports de Paris (ADP) đã bày tỏ mong muốn trở thành cổ đông chiến lược trong chương trình CPH ACV. “Với vai trò là cổ đông chiến lược, chúng tôi sẵn sàng đóng góp vốn cổ phần tới 25-30% giá trị của ACV trước khi thực hiện IPO trong nước, để ACV có vốn cho các kế hoạch phát triển của mình”, ông Augustin de Romanet khẳng định.

Được thành lập vào tháng 2/2012 trên cơ sở sáp nhập ba tổng công ty CHK (miền Bắc, miền Nam, miền Trung), ACV là một trong những doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong lĩnh vực hạ tầng giao thông. ACV là doanh nghiệp hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực với 9 công ty con, công ty liên kết, liên doanh. ACV trực tiếp khai thác 22 Cảng hàng không, bao gồm 08 CHK Quốc tế: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Bài, Cam Ranh, Chu Lai, Phú Quốc, Cần Thơ và 14 CHK địa phương: Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Phù Cát, Pleiku, Tuy Hòa, Đồng Hới, Vinh, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Thọ Xuân.

Theo Báo Giao Thông

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *