Nhà đẹp 16/09/2014 09:08

Những kiệt tác kiến trúc bằng bùn đất

Những kiệt tác được xây dựng từ bùn đất luôn là điểm đến du lịch hấp dẫn trên thế giới, làm cho những du khách không khỏi thán phục bởi những nét rất riêng của chúng.

Phong cách kiến trúc bản địa này phổ biến khắp nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt ở các nước phương Đông.

Great Mosque, Djenne, Mali

Great Mosque chính là công trình lớn nhất trên thế giới được xây dựng hoàn toàn từ bùn và đất, với diện tích bề mặt lên tới 5.625km2. Tọa lạc tại thị trấn Djenne, miền Trung đất nước Mali, nó được xây dựng năm 1907 bởi bàn tay và khối óc của rất nhiều kiến trúc sư chịu ảnh hưởng đậm nét từ phong cách Sudano-Sahel.

Nhà thờ này nổi bật với 3 ngọn tháp, mỗi ngọn tháp được đặt một quả trứng đà điểu, tượng trưng cho khả năng sinh sản và vô số tháp nhỏ nhô ra từ bức tường chính. Công trình này được xây dựng lần đầu tiên vào thế kỷ 13, nhưng hoàn thiện với kiến trúc hiện tại thì vào khoảng một thế kỷ trước.

Nhà thờ Hồi giáo Dijinguere Ber ở Timbuktu

Nhà thờ Hồi giáo Dijinguere Ber ở Timbuktu được xây dựng theo hình dáng kim tự tháp bởi Mansa Musa khi trở về từ Ai Cập. Công trình này đã được xây dựng trong khoảng thời gian từ năm 1324 đến 1327.

Shibam ở Yemen

Được biết đến với cái tên “Manhattan của sa mạc”, Sibam là một thành phố ở Yemen với lối kiến trúc đặc biệt của các tòa nhà cao tầng độc đáo xây dựng từ thế kỷ 16. Đặc biệt, có một số tòa nhà 16 tầng và cao tới 40m và đều được xây từ gạch bùn liền kề nhau, với mục đích ban đầu để bảo vệ người dân từ các cuộc tấn công của người Bedouin du cư. Cư dân sống tại các vùng sa mạc này thường xuyên phải cải tiến và gia cố các tòa nhà này để tránh mưa gió và xói mòn.

Thành phố Chan Chan ở Peru

Tọa lạc trong thung lũng Moche ở phía Tây Trujillo thuộc vùng La Libertad của Peru, Chan Chan là di chỉ khảo cổ của một trong những thành phố lớn nhất thời Tiền Colombo tại Nam Mỹ. Thành phố này do các vị vua của vương quốc Chimu xây dựng khoảng năm 850 trên một khu vực có diện tích rộng 20 km2, với vùng trung tâm dày đặc các công trình kiến trúc có diện tích 6 km2.

Thành phố gồm có 11 tòa thành và một số kim tự tháp cùng với những bức tường cao tới 8 m. Với vai trò là thủ đô của vương quốc Chimu, Chan Chan đã từng có đến 30.000 người dân sinh sống. Với quy mô kiến trúc và dân số đồ sộ như vậy, Chan Chan là thành phố bằng bùn lớn nhất thế giới từng được biết đến trong lịch sử. Tuy nhiên, sự hưng thịnh của Chan Chan chỉ kéo dài cho tới năm 1470, sau đó vương quốc Chimu bị đế chế Inca chinh phục.

Với giá trị lịch sử và nghệ thuật kiến trúc to lớn, vào năm 1986, Chan Chan đã được UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hiện tại, di sản này bị đe dọa nghiêm trọng trước những cơn bão xuất hiện từ hiện tượng El Niño hay những trận mưa, lũ lụt cùng với động đất xảy ra trong khu vực.

Ốc đảo Siwa ở Ai Cập

Tòa nhà kiên cố này được làm bằng karsheef - một loại bùn địa phương kết tinh từ cát ở hồ, có hàm lượng muối cao, tạo nên một ốc đảo sa mạc Siwa. Nằm trên một tuyến đường thương mại lâu đời, là một ốc đảo nên Siwa rất quan trọng đối với các tuyến đường thương mại bởi nó có các dòng suối tự nhiên và bóng mát cây cọ cho hành khách nghỉ ngơi trong sa mạc. Với sự sụp đổ của đế chế La Mã, Siwa cũng bắt đầu suy giảm. Hiện nay, cư dân ở đây chủ yếu là người Berber, người gốc Bắc Phi và trong những thập kỷ gần đây, Siwa được coi là một trong những điểm đến hàng đầu ở Ai Cập.

Bức tường thành Khiva ở Uzbekistan

Nằm trên sa mạc Kyzylkum ở Uzbekistan, Khiva được xây dựng vào 2.500 năm trước, theo lệnh của Shem, con trai cả của Noah. Thành phố cổ đại này trước kia có tên là Ichon-Qala (có nghĩa là bên trong tường), được bao quanh bởi tường thành Khiva cao 10m được làm bằng đất sét, khai thác từ một bờ hồ ở Ghovuk Kul.

Nhà thờ Hồi giáo Bobo Dioulassoở Burkina Faso

Là một nhà thờ Hồi giáo ở Tây Phi cũ, Bobo Dioulasso được coi là công trình điển hình nhất của kiến trúc Sudan-Sahel trong nước, tựa như phong cách của Nhà thờ Djinguereber ở Timbuktu. Công trình này được xây dựng bằng những vật liệu duy nhất là đất sét và gỗ, thời điểm khởi công công trình này hiện giờ vẫn là một tranh cãi với các nhà khảo cổ học.

Arg-e Bam ở Iran

Arg e Bam ở Iran có niên đại ít nhất là 2.000 năm, là một trong những thị trấn gần như hoàn toàn bằng bùn. Công trình này khởi đầu là một trung tâm thương mại thịnh vượng trên con đường tơ lụa nổi tiếng trong suốt thời kỳ Sassanian (224-637 sau Công nguyên). Nằm ở phía Đông Nam Iran, Bam được xây dựng hoàn toàn bằng gạch bùn được làm bằng đất sét với một bức tường dày có 38 tháp canh bảo vệ thành trì, và một loạt các kênh nước nằm dưới đất.

Thật không may, nó đã bị tiêu huỷ phần lớn trong trận động đất năm 2003, ước tính khoảng 26.000 người thiệt mạng.

Theo Hồng Nhung

Báo Xây Dựng

Chuyên mục: Nhà đẹp

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *