Bất động sản 10/03/2014 16:09

Người nước ngoài không được gom, mua đất để kinh doanh

FICA - Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được đề xuất nới rộng quyền hoạt động kinh doanh bất động sản như với công dân trong nước. Với nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động vẫn bị giới hạn, không được đầu tư kinh doanh trên đất được giao, đất mua gom được…

Dự thảo luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi được Bộ Xây dựng trình UB Thường vụ Quốc hội thảo luận cho ý kiến trong phiên họp sáng nay 10/3.

Cơ quan soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được kinh doanh bất động sản như tổ chức, cá nhân trong nước.
 

Theo đó, Việt kiều được tham gia kinh doanh ở cả 6 hình thức: (1) Đầu tư xây dựng nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; (2) Mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua; (3) Thuê nhà, công trình xây dựng để cho thuê lại; (4) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất thuê để cho thuê lại đất đã có hạ tầng kỹ thuật; (5) Đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng, đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp để chuyển nhượng, cho thuê đất đã có hạ tầng kỹ thuật; (6) Thuê quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật để cho thuê lại.

Ngoài ra, Điều 14 quy định về nguyên tắc kinh doanh bất động sản còn quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài được mua, nhận chuyển nhượng, thuê, thuê mua các loại bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; tổ chức, cá nhân nước ngoài được thuê các loại bất động sản và được mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để làm trụ sở, văn phòng làm việc, để sản xuất, kinh doanh.
 
Người nước ngoài không được gom, mua đất để kinh doanh
Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng: "Việc mua bán bất động sản hình thành trong tương lai phải thông qua một tổ chức bảo lãnh".
 

Tổ chức, cá nhân nước ngoài thì được kinh doanh theo 4 hình thức, chỉ hạn chế ở hoạt động mua nhà, công trình xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua và đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật trên đất được giao, đất nhận chuyển nhượng…

Việc chưa mở rộng hoàn toàn các lĩnh vực kinh doanh này đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài được giải thích là vì Luật Đất đai 2013 chưa cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Tán thành cách đặt vấn đề này nhưng cơ quan thẩm tra luật – UB Kinh tế của Quốc hội đề nghị quy định chặt hơn, không cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư kinh doanh bất động sản đối với khu vực nhạy cảm về quốc phòng, an ninh.

Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển nhất trí với hướng quy định để khuyến khích, mở rộng phạm vi cho phép kinh doanh đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài muốn kinh doanh BĐS ở Việt Nam chứ không phải “mở” cho tất cả mọi đối tượng, làm phức tạp, khó kiểm soát thị trường trong nước.

Môi giới bất động sản có ưu việt hơn sàn giao dịch?

Một vấn đề khác cũng đã nới rộng trong lần sửa luật này là việc cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai, thay vì chỉ được cho thuê, cho thuê mua bất động sản đã có sẵn như quy định hiện hành. Luật cũng đồng thời, bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tỏ ra nghi ngại về việc cho phép kinh doanh với BĐS có trong tương lai. Ông Sơn nêu thực tế, trên đường từ trung tâm thành phố ra sân bay Nội Bài hay dọc đường quốc lộ 1A đi Bắc Ninh, có rất nhiều khu nhà, chung cư dang dở hoặc đã xong mà không có người sống. Kiểu hy động vốn, làm nhà để… bỏ không vậy gây lãng phí lớn với tài sản của người dân và nhìn rất phản cảm.

Nếu luật mới tiếp tục mở ra nữa, ông Sơn lo không biết bất động sản kinh doanh sẽ còn diễn biến theo hướng nào.

Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển phân tích, thực tế hoạt động này mang lại hiệu quả nhất định thời gian qua nhưng cũng có thực trạng, tương lai của các loại công trình huy động vốn kiểu này… tương đối mờ mịt. Nhiều người đã thành nạn nhân khi trông chờ, hi vọng có nhà có đất sau khi góp vốn nhưng việc đầu tư sau đó đình trệ, thậm chí giờ không biết đòi khoản tiền gia đình đã đóng ở đâu.

Ông Hiển lo “mở” hơn quy định này sẽ làm hoạt động kinh doanh BĐS có tình trạng ảo, nhiều nhà đầu tư có thể lợi dụng để chiếm dụng vốn của người dân, người góp vốn làm với mục đích khác. Dù dự thảo luật đã “thòng” sẵn điều cấm nhưng ông Hiển nhận định, điều khoản này chưa đủ mạnh để đảm bảo an toàn cho các giao dịch kiểu này.

Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng trấn an, việc mua bán bất động sản hình thành trong tương lai sẽ kèm theo quy định bắt buộc về bảo hiểm, đã đầu tư qua kênh này sẽ phải thực hiện qua một tổ chức bảo lãnh.

Ngoài ra, Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách đồng tình hướng gỡ bỏ quy định bắt buộc các DN phải mua bán BĐS thông qua các sàn giao dịch. Ông Hiển nhận định, vừa qua, quy định như này được áp dụng hơi cứng, làm thị trường mất linh hoạt, tạo ra trung gian cứng đẩy giá nhà tăng lên bất hợp lý, thậm chí nhiều sàn bắt tay nhau tạo nên giá ảo.

Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý vẫn không yên tâm, vì thời xây dựng luật Kinh doanh bất động sản năm 2005, cơ quan soạn thảo lại nói rất hay về sàn giao dịch bất động sản, nói các hoạt động mua bán cần thông qua sàn để chống giao dịch ngầm, tiêu cực, khó kiểm soát một ngôi nhà được bán cho bao nhiêu người. Giờ, các lập luận đưa ra lại là sàn giao dịch phát sinh nhiều tiêu cực ngầm, thậm chí bắt tay nhau làm sai, nâng khống giá BĐS, thủ tục khó khăn phức tạp cho người mua nhà.

“Xét về nguyên tắc, không giao dịch qua sàn sẽ là một bước thụt lùi so với yêu cầu minh bạch hóa” – ông Lý cảnh báo.

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng nghiêng về phương án, nếu thấy quy định về sàn bất động sản còn điểm yếu thì sửa trước, không nên vội vàng bỏ ngay vì chuyển từ sàn sang hình thức môi giới thì cũng chưa hình dung được công tác quản lý với hoạt động này thế nào.

P.Thảo
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *