Thời sự 21/02/2014 20:01

Ngân hàng giảm lãi suất: Xu hướng hay nhất thời?

FICA - Một số ngân hàng cổ phần đang lần lượt công bố hạ lãi suất huy động cả kỳ hạn ngắn và hạn dài. Liệu khối cổ phần có tạo ra được xu hướng giảm lãi suất mạnh mẽ như trước đây, hay chỉ là nhất thời trong bối cảnh tín dụng tăng kém?

Trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng đang được giữ ở mức 7%/năm.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa thông báo cắt giảm lãi suất huy động đối với các kỳ hạn ngắn và kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất tiết kiệm truyền thống kỳ hạn từ 1 - 2 tháng chỉ còn 6,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng lãi suất là 6,6%/năm. Với biểu lãi suất mới này, lãi tiết kiệm kỳ hạn ngắn tại ACB giảm khoảng 0,4%/năm so với trước đây.

Tương tự, các kỳ hạn dài hơn, từ 6 tháng trở lên cũng được ngân hàng điều chỉnh giảm nhẹ so với trước đây. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng được ngân hàng này áp dụng ở mức 7,9%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ), giảm 0,1% so với trước; các kỳ hạn 13 tháng, 24 tháng có lãi suất từ 8,2%/năm đến 8,4%/năm (lĩnh lãi cuối kỳ)…

Trước đó, Sacombank cũng đã cắt giảm lãi suất các kỳ hạn ngắn 1,2 tháng. Theo đó, với số tiền dưới 50 triệu đồng, kỳ hạn 1 tháng (lãi cuối kỳ), lãi suất được ngân hàng này áp dụng ở mức 6%/năm, giảm khoảng 0,5% so với đầu tháng 2. Với số tiền gửi trên 50 triệu đồng, ngân hàng này áp dụng lãi suất 6,6%/năm, giảm 0,3%/năm so với trước đây…. Tuy nhiên, các kỳ hạn dài hơn lãi suất huy động vẫn giữ nguyên.

Chia sẻ về việc ngân hàng giảm lãi suất hiện nay, một độc giả của báo Dân trí nói: “Trước đây, tôi gửi tiền ở BIDV nhận được lãi suất 6,8%/năm đối với kỳ hạn 2 tháng, nay đi gửi lại, ngân hàng này đã giảm xuống 6,5%/năm. Tôi thắc mắc thì nhân viên ngân hàng cho biết, nhiều ngân hàng cũng đang cắt giảm lãi suất và nhiều khả năng còn giảm tiếp trong thời gian tới”.

Trao đổi với phóng viên Dân trí vào sáng nay 21/2, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng giám đốc ACB cho biết: “Tình hình kinh tế khó khăn, đầu ra bị hạn chế nên ngân hàng buộc phải cắt giảm lãi suất huy động”.

Là ngân hàng tiên phong giảm lãi suất huy động tất cả các kỳ hạn, trả lời câu hỏi, liệu có lo ngại người dân rút vốn qua các ngân hàng có lãi suất cao hơn, ông Toại nói ngắn gọn: “Nếu lo ngại thì chúng tôi đã không cắt giảm”.

Nói về việc ngân hàng cắt giảm lãi suất huy động hiện nay, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lý giải: “Một số ngân hàng có nguồn vốn huy động dồi dào từ dân cư và tổ chức kinh tế nên muốn tận dụng thời điểm đầu năm để giảm lãi suất đầu vào, nhằm tránh gây xáo trộn về nguồn tiền. Giảm lãi suất đầu vào cũng chính là một trong những pháp hữu hiệu để ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng trong những tháng đầu năm”.

Việc một số ngân hàng cổ phần cắt giảm lãi suất tiết kiệm liệu có thể trở thành xu hướng, hay chỉ là hiện tượng nhất thời trong bối cảnh tín dụng tăng khó? Trả lời câu hỏi này, TS.Nguyễn Trí Hiếu (chuyên gia tài chính ngân hàng) cho rằng: Ngân hàng cắt giảm lãi suất đầu vào trong bối cảnh vốn đầu ra gặp khó là điều tất yếu. Nếu ngân hàng huy động nhiều mà không cho vay ra được sẽ bị lỗ, ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng. Đây cũng chính là lý do vì sao trên thị trường không còn hiện tượng tranh giành khách hàng thông qua huy động vốn với lãi suất cao như trước.

Do đó, TS.Nguyễn Trí Hiếu kỳ vọng, khối ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước sẽ nhập cuộc mạnh mẽ để tạo ra một xu hướng cắt giảm lãi suất mạnh mẽ trong hệ thống ngân hàng. “Lãi suất huy động giảm sẽ là điều kiện quan trọng để ngân hàng cắt giảm lãi suất trong thời gian tới, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn hợp lý để phục hồi sản xuất trong năm bản lề này”, TS.Hiếu nói.

Trong khi nguồn vốn đang “đầy ắp” tại các ngân hàng, thị trường tiền tệ hoạt động ổn định, TS.Lê Trí Hiếu kiến nghị cơ quan điều hành nên thả nổi lãi suất. “Hiện các điều kiện đã hội tụ đủ để hệ thống ngân hàng Việt có thể thả nổi lãi suất mà không gây ra biến động. Chúng ta cần nắm bắt đúng thời điểm để tự do hóa lãi suất”, TS.Hiếu đề suất.

Hiện tại, trần lãi suất huy động VND kỳ hạn dưới 6 tháng đang được giữ ở mức 7%/năm. Một số chuyên gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để bỏ trần lãi suất huy động hoặc giảm trần huy động. Đây cũng là cách giảm giảm rủi ro về vốn cho các ngân hàng khi tín dụng tăng trưởng thấp mà mức tăng của tiền gửi từ khu vực dân cư vẫn rất lớn.

Đề cập tới việc có hay không khả năng giảm thêm lãi suất huy động xuống dưới mức lạm phát mục tiêu 7%, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho hay: Với mục tiêu lạm phát được kiềm chế dưới 7%, trần lãi suất tiền gửi VND dưới 6 tháng là 7%/năm như hiện nay là phù hợp với kỳ vọng lạm phát, đảm bảo lợi ích cho người gửi tiền.

Đây là mức huy động ngắn hạn tối đa, nhưng các tổ chức tín dụng có thể căn cứ vào khả năng cân đối vốn thanh khoản, giá vốn và mục tiêu lợi nhuận của mình để điều chỉnh lãi suất huy động ngắn hạn xuống phù hợp. Nếu như trước đây, tổ chức tín dụng thường ấn định lãi suất huy động sát mức trần, thì nay nhiều tổ chức tín dụng ấn định lãi suất thấp hơn mức trần, đối với các tổ chức tín dụng có nhu cầu huy động vốn lớn có thể ấn định lãi suất huy động sát mức trần”.

Điều này có nghĩa, dù Ngân hàng Nhà nước áp dụng trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn dưới 6 tháng nhưng trong phạm vi này, các tở chức tín dụng có thể thỏa thuận với khách hàng ấn định lãi suất thấp hơn, phù hợp với cân đối vốn, giá vốn, cũng như chiến lược kinh doanh và mục tiêu lợi nhuận của từng ngân hàng.

 

Nguyễn Hiền

Chuyên mục: Thời sự

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *