Bất động sản 10/12/2015 19:34

Nghịch lý: Người Việt mê hàng hiệu mà hàng loạt trung tâm mua sắm vẫn đìu hiu

Hoạt động của các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phần lớn hiện hoạt động không hiệu quả. Nhiều trung tâm mua sắm, trung tâm bán lẻ luôn trong tình trạng vắng khách. Không ít các trung tâm thua lỗ, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động để tái cơ cấu hoặc đóng cửa.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).
 

Phát biểu tại Diễn đàn bán lẻ Việt Nam 2015 hôm qua (9/12), bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, trong những năm gần đây, hàng loạt các trung tâm mua sắm ngày càng lớn về quy mô lẫn số lượng được mọc lên.

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, đến năm 2013 cả nước đã có khoảng 724 siêu thị và 132 trung tâm thương mại. Trong khi quy hoạch đến năm 2020, cả nước sẽ có khoảng 1200 – 1300 siêu thị và 180 trung tâm thương mại; 157 trung tâm mua sắm.

Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế cũng như đánh giá của nhiều chuyên gia, hoạt động của các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm phần lớn hiện hoạt động không hiệu quả. Nhiều trung tâm mua sắm, trung tâm bán lẻ luôn trong tình trạng vắng khách. Không ít các trung tâm thua lỗ, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động để tái cơ cấu hoặc đóng cửa.

Điều này là một nghịch lý khi Việt Nam vẫn được đánh giá là một thị trường bán lẻ đầy tiềm năng. Thậm chí, khảo sát của Nielsen còn cho rằng, người Việt đứng thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ về mê dùng hàng hiệu.

Theo bà Loan, nguyên nhân chủ yếu là do người Việt vẫn ưa chuộng loại hình bán lẻ truyền thống. Do đó, hàng cao cấp, xa xỉ tại các trung tâm thương mại thường được mặc định chỉ dành cho một phân khúc nhỏ là những người có thu nhập cao. Tuy nhiên, chính phân khúc này cũng bị phân tán do nhiều người thích mua hàng ở nước ngoài, mua hàng xách tay... hơn là mua tại các trung tâm thương mại trong nước.

Ngoài ra, bối cảnh kinh tế suy thoái khiến người tiêu dùng có tâm lý thắt chặt hầu bao hơn. Đây cũng là nguyên nhân khiến sức mua giảm sút. Mặt khác, giá thuê mặt bằng cao cũng là trở ngại cho các doanh nghiệp bán lẻ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Theodore Knipfing - Giám đốc dịch vụ bán lẻ Cushman & Wakefield châu Á Thái Bình Dương cũng cho rằng, ngoài những yếu tố thuế cao đánh vào mặt hàng cao cấp thì yếu tố nội tại là tâm lý chung của người tiêu dùng Việt Nam là thường không mấy tin tưởng vào hàng cao cấp mua trong nước.

Do vậy, để thu hút người dân tới các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm nhiều hơn, vị chuyên gia này cho rằng, nhà bán lẻ nên tập trung vào cải thiện trải nghiệm của khách hàng khi đến trung tâm thương mại.

"Dù bạn là chủ thương hiệu nằm trong trung tâm thương mại hay là chủ của trung tâm thương mại thì những khách hàng trẻ vẫn rất quan tâm và cần những trải nghiệm này. Bạn cần tạo được nhiều sự kiện và hoạt động để cho họ lí do để đến và lí do để quay lại. Là chủ của trung tâm thương mại, bạn cần có các hoạt động đễ mang các gia đình tới vào dịp cuối tuần hay các bạn tuổi teen tới sau khi tan trường”, ông nói.

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, các trung tâm thương mại ở Việt Nam cần hướng đến mục tiêu trở thành địa điểm lý tưởng, là nơi mua sắm, vui chơi giải trí và thưởng thức ẩm thực, chăm sóc sức khỏe, cung cấp dịch vụ tài chính, ngân hàng và các hoạt động cộng đồng…

Phương Dung

 
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *