Bất động sản 06/08/2019 07:05

Nếu dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, thị trường bất động sản sẽ ra sao?

Ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thị trường vừa qua ở Phú Quốc là một sự hỗn loạn mà nguyên nhân do Phú Quốc chưa có quy hoạch cụ thể phát triển sử dụng đất, đầu tư và phát triển hạ tầng phát triển kinh tế rõ ràng...

Nếu dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, thị trường bất động sản sẽ ra sao? - 1

Kiên Giang đề nghị dừng quy hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế.

Đề xuất có hợp lý?

Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho tạm dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được Quốc hội thông qua.

Đồng thời, tỉnh này cũng đề xuất Thủ tướng cho phép tỉnh được sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành khu kinh tế Phú Quốc.

Bình luận về kiến nghị này với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng đây là hướng đi hợp lí trong thời điểm này.

Đánh giá về tác động của kiến nghị này nếu được hiện thực hoá, ông Đính nói: Chúng tôi đã có những đánh giá về thị trường bất động sản Phú Quốc, số liệu cho thấy giao dịch khu vực này hiện ở mức độ trầm lắng.

“Sự trầm lắng này là do hệ quả sự rối ren vừa qua. Chính sự hỗn loạn khiến nhà đầu tư mất niềm tin, không dám rót tiền”, ông Đính cho rằng với việc có quy hoạch rõ ràng hơn như đề xuất của Kiên Giang sẽ giúp nhà đầu tư có niềm tin hơn.

Ông Đính cho biết, thị trường vừa qua ở Phú Quốc là một sự hỗn loạn, rối rắm. Nguyên nhân chủ yếu do Phú Quốc chưa có quy hoạch cụ thể phát triển sử dụng đất, đầu tư và phát triển hạ tầng phát triển kinh tế huyện đảo Phú Quốc như thế nào.

“Chính vì chưa có sự cụ thể, rõ ràng, thiếu quy hoạch, kế hoạch từ ban đầu nên có sự hỗn loạn, mạnh ai nấy làm. Chính quyền không có cơ sở để ngăn chặn hay phê duyệt cùng với tình trạng quản lý lỏng lẻo. Nhà đầu tư cũng chẳng biết ra sao. Nếu vẫn cứ trong tình trạng như vậy không ai dám rót tiền vào đầu tư nữa”, ông Đính nhận định.

Bên cạnh đó ông Đính cho rằng, việc trầm lắng còn do lượng vốn rất lớn của nhà đầu tư nằm “bất động” ở giai đoạn vừa qua. Nhiều nhà đầu tư “găm” tiền vào đất rừng, đất đồi, đất nông nghiệp… Giờ giao dịch không có, không ai dám xuống tiền.

“Nhà tâm lý trong tâm trạng bất an, không an toàn, sợ thay đổi và thực ra hiện giờ vẫn không rõ ràng nên cũng không ai dám nghĩ chuyện đầu tư”, ông Đính nói. Sau khi đề xuất Kiên Giang thành hiện thực, trên cơ sở quy hoạch đươc phê duyệt, nhà đầu tư biết được chính xác chỗ này được phát du lịch hay chỗ kia phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nhà ở, chỗ này được phép đầu tư, chỗ kia không được phép… thì họ sẽ an tâm hơn.

“Cứ có thông tin rõ ràng nhà đầu tư ắt niềm tin sẽ trở lại”, ông Đính nhận định.

Bất động sản Phú Quốc sẽ ra sao?

Ông Mai Anh Nhịn - Phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, do dự thảo Luật Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt vẫn chưa được Quốc hội dự kiến thời gian thông qua, nên việc lập quy hoạch đảo Phú Quốc trở thành Đơn vị hành chính - Kinh tế đặc biệt gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi chưa xác định cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, nội dung quy hoạch và lập hội đồng thẩm định.

Hiện nay Phú Quốc vẫn đang thực hiện theo Quyết định số 178 về phê duyệt “Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2004 đến nay đã không còn phù hợp với thực tế phát triển huyện đảo Phú Quốc.

Ngoài ra, theo Luật Quy hoạch, việc xây dựng quy hoạch cấp huyện sẽ được tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhưng nhiều mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế xã hội của đảo Phú Quốc hiện đã vượt quy hoạch được duyệt.

Nếu chờ quy hoạch tỉnh được lập theo Luật Quy hoạch thì theo lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, sẽ khó khăn cho Phú Quốc trong định hướng các mục tiêu, phương hướng phát triển, vướng mắc trong quá trình thu hút kêu gọi đầu tư.

Ông Đặng Đức Giới, Tổng Giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển Bất động sản Đặc khu cho biết, hiện nay, số lượng văn phòng môi giới nhà đất tại Phú Quốc đã đóng cửa, rút lui đến 70 – 80% so với thời kì sốt đất hồi cuối 2017 – đầu 2018. Số còn lại chỉ đang hoạt động cầm chừng. Lượng giao dịch bất động sản cũng giảm tỉ lệ thuận với số lượng văn phòng môi giới đóng cửa nói trên, thậm chí còn giảm mạnh hơn.

Giá đất Phú Quốc một số nơi đã giảm, nhưng nhiều nơi vẫn không hề giảm với những thế mạnh về cơ sở hạ tầng đã có. Tại Phú Quốc vẫn có hoạt động mua bán những lô nền nhỏ lẻ là đất thổ cư đầy đủ giấy tờ. Nhiều giao dịch có thể thực hiện khi chủ đầu tư bán cắt lỗ.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, cần những quy định mang tính bước ngoặt để thị trường này khởi sắc.

Trong khi đó theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, sự trầm lắng của thị trường bất động sản Phú quốc chỉ trong thời gian ngắn. Còn về dài hạn thì tiềm năng vẫn lớn do khả năng khai thác dịch vụ cao, hòn đảo này cũng quá nhiều lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu…

Tuy nhiên theo ông Đính, việc phát triển Phú Quốc về dài hạn phụ thuộc vào chất lượng quy hoạch rất nhiều. Do vậy nếu kiến nghị của Kiên Giang được chấp thuận, sau đó tỉnh được lập quy hoạch thì việc thẩm định, thẩm tra, phê duyệt của các cấp có thẩm quyền cũng cần được tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đảm bảo sự phát triển chiến lược…

3 yếu tố quan trọng nếu muốn rót tiền vào bất động sản như ở Phú Quốc

Ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, hàng loạt vụ việc ở những nơi dự kiến trở thành đặc khu như Vân Đồn, Phú Quốc, Bắc Vân Phong thời gian qua là bài học lớn cho các nhà đầu tư.

Vị chuyên gia này chỉ ra 3 yếu tố quan trọng khi rót tiền đầu tư bất kỳ ở khu vực nào:

Đầu tiên, phải tìm hiểu kỹ thông tin về quy hoạch. Nếu không nắm rõ thì có thể tìm đến tham khảo đơn vị tư vấn uy tín. Thông tin quy hoạch luôn được đặt lên hàng đầu trước khi quyết định đầu tư.

Thứ hai, đó là giấy tờ pháp lí. Nếu cứ tham gia theo kiểu tù mù, thấy rẻ thì đầu tư rất dễ “ăn đòn”. Thời gian qua rất nhiều vụ việc bị lừa khi tham rẻ, không có giấy tờ pháp lý vẫn “cắm đầu” giao dịch. Đây không phải là đòi hỏi vô lý, bởi quy định luật kinh doanh bất động sản buộc chủ đầu tư, đơn vị phân phối phải công bố đầy đủ giấy tờ pháp lý.

Thứ ba, đó là vấn đề thị trường. Phải nhìn vào đó xem đó là thị trường ảo hay thực. Nếu toàn các đầu cơ ngắn hạn thì cần xem xét vì rất dễ có “vấn đề”.

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *