Bất động sản 18/11/2013 15:19

Mua nhà ở xã hội khó như hái sao trên trời

Đó là ví von của nhiều cán bộ, công chức, giáo viên, người nghèo tham dự chương trình “Lắng nghe và trao đổi” với chủ đề “Nhà ở xã hội - cung và cầu” do Hội đồng nhân dân TP.HCM và HTV tổ chức mới đây.

 

Ông Đỗ Văn Hoàng (45 tuổi, ngụ phường 9, quận 3) nói: “Vợ chồng tôi là công nhân, đang ở nhờ nhà bố mẹ. Cả hai tăng ca hết mức tổng thu nhập chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, vậy mà phải chi cả trăm khoản, từ học phí của hai đứa con, tiền điện, nước, chợ… đến tiền đổ xăng. Tháng nào “co kéo” giỏi chỉ dư khoảng 1-2 triệu đồng. Khoản tiền này dành để phòng đau ốm, lễ lạt, tang ma… Nhà nước có giải quyết, chúng tôi cũng không có khả năng mua nhà ở xã hội”.

Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM, đa số người lao động hiện nay có thu nhập rất thấp nên khó thuê, mua nhà ở xã hội. Ông Nguyễn Hữu Hùng, chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TP.HCM, nói rằng: TP.HCM hiện có hơn 20.000 giáo viên có nhu cầu, nhưng với mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng thì rất khó mua được nhà ở xã hội.

Nhiều người thu nhập thấp gọi điện đến chương trình nói rằng nên đề nghị Nhà nước hạ lãi suất cho vay xuống dưới 6% để họ có cơ hội vay tiền từ gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội. Tuy nhiên, ông Trần Đình Cường, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, cho biết rất khó giảm mức lãi suất xuống thấp hơn 6%/năm vì khi đặt ra mức lãi suất này, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán rất kỹ.

Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, nhà ở xã hội đang là vấn đề bức thiết của người dân với khoảng 20% cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội đang hưởng lương ngân sách (khoảng 30.000 người) có nhu cầu về nhà ở.

TP.HCM đã đề ra chính sách hoán đổi giá trị quyền sử dụng đất để lấy quỹ nhà ở TP.HCM, được Chính phủ đánh giá cao. Từ năm 2006 đến 2010, TP.HCM đã đầu tư 46 dự án với 8.000 chỗ ở. Từ 2010 đến nay, TP.HCM thực hiện 31 dự án với quỹ nhà gần 29.000 căn nhà ở xã hội.

Từ khi Luật Nhà ở có hiệu lực, TP.HCM đã chấp thuận đầu tư 26 dự án nhà ở xã hội, tổng diện tích đất 86,7 ha với khoảng 22.950 căn nhà ở xã hội, nhưng đến nay chỉ có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với quy mô 294 căn. Những trở ngại trong việc xây dựng nhà ở xã hội là: cơ chế, chính sách khuyến khích chưa thật sự hấp dẫn, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, việc giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch chi phí còn cao …

“Hiện nay, thu nhập người thuê, mua nhà ở xã hội không đồng đều và thấp, nên phần lớn các đối tượng thuê, mua chưa đủ khả năng trả lần đầu 20% giá trị căn hộ xã hội theo hợp đồng, bởi họ chưa hoặc khó tiếp cận nguồn tài chính dài hạn với lãi suất thấp”, ông Danh nói.

Theo Huy Thịnh

Tiền Phong

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *