Bất động sản 17/05/2018 09:35

Vụ đất vàng Sài Gòn giá rẻ: “Đại gia” Kido vỡ mộng khi nhảy sang địa ốc

Dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng mảng bất động sản của Kido lại rất mờ nhạt trên thị trường. Bởi hầu hết các dự án có sự tham gia của KDC đều chậm tiến độ hoặc trùm mền, trong đó có dự án đất vàng số 8-12 Lê Duẩn đang thu hút sự chú ý của dư luận sau kết luận của Thanh tra Chính phủ.

“Vua bánh kẹo” một thời chôn vốn ở khu đất vàng

Khu “đất vàng” số 8-12 đường Lê Duẩn (diện tích 4.896 m2) có lợi thế rất đặc biệt về thương mại do có 3 mặt tiền tiếp giáp các tuyến đường trung tâm quận 1 (đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Văn Chiêm) và gần kề Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà.

Liên quan đến khu đất này, Thanh tra Chính phủ vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm, trong đó có việc giao và cho thuê đất với giá rẻ, làm thất thoát ngân sách.

Khu đất trên vốn thuộc sở hữu nhà nước, được giao cho Công ty TNHH MTV quản lý kinh doanh nhà TP.HCM quản lý, cho 4 đơn vị thuộc Bộ Công Thương (Công ty CP Thiết bị phụ tùng Sài Gòn, Công ty CP Kim khí Thành phố, Công ty CP Hóa chất vật liệu điện TP và Công ty CP Vận tải xăng dầu -VITACO) thuê làm trụ sở làm việc.

Sau đó đến năm 2007, UBND TP.HCM có chủ trương sử dụng khu trên để xây dựng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao và một phần trung tâm thương mại.

Theo đề nghị của Bộ Công Thương và sau nhiều lần thay đổi về chủ trương và phương thức đầu tư; tháng 10/2010, UBND TP.HCM đã đồng ý về phương án thành lập Công ty CP để thực hiện dự án trên.

Cụ thể, các cổ đông sáng lập và tỷ lệ vốn góp như sau: Công ty TNHH MTV Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM giữ tỷ lệ vốn góp là 50% và 50% còn lại do 4 công ty thuộc Bộ Công Thương, mỗi công ty góp 12,5%.

Đến năm 2010, 4 công ty thuộc Bộ Công Thương đã ký thoả thuận với Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (nay là Công ty TNHH Đầu tư Kido) đồng ý nhận chuyển nhượng quyền đầu tư phát triển dự án trên khu đất thông qua hợp đồng chuyển nhượng.

4 công ty trên cũng đã ký hợp đồng vay vốn của Kinh Đô với khoản vay của mỗi đơn vị có trị giá 12,5 tỷ đồng để góp đủ số vốn cổ đông sáng lập thành lập Lavenue, tương ứng 12,5% vốn điều lệ/mỗi công ty.

Đến nay, Lavenue đã đăng ký thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần lần thứ 6 với các cổ đông, tỷ lệ sở hữu cổ phần và số tiền thực tế đã góp như sau:

Nắm giữ 50% vốn điều lệ, tính đến hết 31/3/2018, tổng số tiền đã “rót” vào Công ty CP Đầu tư Lavenue của Kido (mã CK: KDC) là 1.087,5 tỷ đồng, 

Trong phần thuyết minh, KDC cho biết sở hữu 50% vốn cổ phần trong Lavenue, một công ty cổ phần được thành lập theo Luật Doanh nghiệp của Việt Nam. Hoạt động chính của Levenue là kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản.

“Đại gia” Kido định xây cao ốc 36 tầng

Theo Thanh tra Chính phủ, trước năm 2012 công tác quy hoạch phải tuân thủ theo Quyết định số 490/QĐ-KTQH năm 1997 của Bộ Xây dựng. Về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc: tầng cao tối đa của công trình là 20 tầng (tương đương 80m).

Tuy nhiên, UBND TP.HCM đã phê duyệt điều chỉnh chức năng và chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc công trình tại số 8-12 Lê Duẩn. Theo đó, chức năng công trình là khách sạn cao cấp, thương mại và dịch vụ, căn hộ cho thuê, tầng cao tối đa 36 tầng (bao gồm cả tầng lửng, tầng kỹ thuật).

“Việc UBND TP chỉ đạo Sở Quy hoạch kiến trúc thực hiện điều chỉnh chức năng, các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc và điều chỉnh một số chỉ tiêu sử dụng đất theo kiến nghị của chủ đầu tư dự án giai đoạn sau năm 2012 là không phù hợp với quy định”, Thanh tra Chính phủ kết luận.

Nếu vụ việc “trót lọt”, liên doanh tại khu đất vàng 8-12 Lê Duẩn sẽ thực hiện đầu tư dự án khách sạn cao cấp, căn hộ cho thuê mang tên Lavenue Crown với tầng cao tối đa lên tới 36 tầng với bao hứa hẹn về giá trị kinh tế.

Tuy nhiên với những hành vi vi phạm nhằm bán rẻ đất công cho tư nhân đã được nêu rõ trong kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị thu hồi toàn bộ (4.896m2) để đấu giá theo quy định và bồi thường cho nhà đầu tư.

Như vậy có thể thấy, dù đặt nhiều kỳ vọng nhưng mảng bất động sản của KDC lại rất mờ nhạt trên thị trường. Bởi hầu hết các dự án có sự tham gia của KDC đều trễ tiến độ hoặc trùm mền, trong đó có dự án đất vàng số 8-12 Lê Duẩn.

Sau nhiều năm, hiện công ty đang tận dụng “đất vàng” làm bãi trông giữ xe ô tô. Theo giải trình của Công ty CP Đầu tư Lavenue, dự án chậm tiến độ do phải chờ ý kiến kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Chia tay mảng bánh kẹo, Kido vỡ mộng với địa ốc

Tập đoàn Kido (mã CK: KDC) có hoạt động chính bán buôn thực phẩm và mua bán nông sản thực phẩm. Kido cũng từng được xem là “vua bánh kẹo” khi sở hữu thương hiệu nổi tiếng Kinh Đô.

Tuy nhiên giai đoạn 2014-2016, tập đoàn này đã bán đứt mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International của Pháp và thu về hơn 9.000 tỷ đồng.  Đây được xem là thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) có quy mô lớn nhất trong ngành bánh kẹo ở thị trường trong nước.

Bên cạnh việc “rút chân” khỏi mảng bánh kẹo, KDC đã thể hiện tham vọng rất lớn của mình khi lấn sân vào lĩnh vực bất động sản. Nhưng hầu hết các dự án KDC "nhảy" vào đều khó khăn hoặc trùm mền.

Ngoài dự án tại số 8-12 Lê Duẩn, Kido cũng từng đầu tư một dự án bất động sản khác tại quận Thủ Đức - TP.HCM, thông qua Công ty TNHH Tân An Phước (TAP).

Dự án bất động sản này có vị trí tại quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức. Nhưng cuối năm 2017, Kido Group và Kido Land đã chuyển nhương toàn bộ 100% vốn góp tại dự án này cho nhóm các nhà đầu tư liên quan đến Tập đoàn muối Miền Nam - Sosal Group.

Như vậy, sau 12 năm với bao lần khởi công hụt, KDC đã chính thức từ bỏ dự án. Hiện tại, khu đất này vẫn là chỉ bãi đất trống không với khu nhà văn phòng cũ đã xập xệ, cỏ mọc cao quá đầu người.

KDC cũng góp vốn làm dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác Lê Lợi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, rộng 4.000m2 với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD. Tòa nhà này được thiết kế với 6 tầng hầm và 54 tầng nổi. Chủ đầu tư dự án SJC Tower là Công ty CP Sài Gòn Kim Cương.

Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương được thành lập vào năm 2007 với các cổ đông sáng lập là Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn, Công ty Cổ phần Hùng Vương, KDC và Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đông Á.

Sau đó, KDC cũng chuyển nhượng 50% vốn góp tại đây cho Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC) để thu về 425 tỷ đồng nhưng đây có thể là một thương vụ sai lầm của KDC.

Báo cáo tài chính của KDC cũng cho thấy hiện Tập đoàn này nắm giữ 34% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Phong Thịnh. Công ty này được thành lập năm 2016, lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh bất động sản và xây dựng.

Tuy nhiên "soi" doanh thu của KDC năm 2017 thì thấy, mảng kinh doanh bất động sản rất mờ nhạt. Theo báo cáo, tổng doanh thu vẫn chủ yếu đến từ hàng hoá thực phẩm và các khoản đầu tư tài chính

 

Nguyễn Mạnh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *