Bất động sản 10/09/2018 08:41

Môi giới nội trước sức ép từ khối ngoại

Việc xuất hiện ngày càng nhiều nhà phân phối ngoại với lực lượng hùng hậu, được đào tạo cơ bản, khiến các nhà môi giới trong nước đang và sẽ đối mặt với nhiều thách thức cạnh tranh trong thời gian tới.

Môi giới nội trước sức ép từ khối ngoại

Môi giới nội đang đứng trước nhiều sức ép cạnh tranh

Tên tuổi lớn âm thầm vào thị trường

Ngày 25/7/2018, nhà phân phối bất động sản lớn đảo quốc sư tử Singapore là PropNex đã chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua thành lập và ký kết nhượng quyền thương hiệu PropNex cho Công ty TNHH PropNex Realty Việt Nam, trụ sở đặt tại TP.HCM.

Chiếm 30% thị phần các giao dịch mua bán nhà ở tại Singapore trong 5 năm vừa qua, theo Business Times, PropNex hiện có tới 7.464 nhân viên môi giới tại Singapore, gần 800 nhân viên tại Indonesia và 100 nhân viên tại Malaysia. Trong bước đầu tiên tham gia vào Việt Nam, PropNex sẽ bắt đầu với một văn phòng có diện tích 2.637 m2 tại TP.HCM với 70 nhân viên sales, nhưng cho biết, sẽ nhanh chóng mở rộng lực lượng nhân viên môi giới của mình tại các tỉnh, thành phố khác trong thời gian tới.

Không giấu giếm kế hoạch, tại buổi lễ ra mắt, ông Ismail Gafoor, Giám đốc điều hành PropNex cho biết, việc mở rộng sang thị trường Việt Nam nằm trong chiến lược mở rộng thương hiệu, bởi với một nền kinh tế đang tăng trưởng, cùng triển vọng tích cực thị trường, Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng cho tham vọng mở rộng của PropNex

Ngoài PropNex, trước đó, vào giữa quý III/2017, nhà môi giới bất động sản Mỹ ERA Real Estate đã chính thức nhảy vào thị trường bất động sản Việt Nam thông qua việc nhượng quyền tại 
Singapore rồi từ thị trường này tiến vào Việt Nam.

Tương tự PropNex, ngay khi bước chân vào Việt Nam, ERA Real Estate đã đặt ra mục tiêu tham vọng trong 5 năm sẽ trở thành một trong những đơn vị phân phối bất động sản hàng đầu Việt Nam với 50 văn phòng giao dịch trên khắp cả nước và hơn 3.000 chuyên viên tư vấn được đào tạo chuyên nghiệp.

Sau hơn 1 năm, từ con số 200 nhân viên ban đầu, hiện ERA đã có 800 nhân viên chính thức (được đào tạo theo chuẩn Mỹ) và 600 cộng tác viên, nhân viên đang trong quá trình huấn luyện. Nhà môi giới này cũng định vị cung cấp các dịch vụ tư vấn, môi giới, phân phối thị phần bất động sản từ cao cấp đến hạng sang rộng khắp Việt Nam, nhưng lấy TP.HCM làm thị trường chủ lực.

Vào tháng 9/2016, thương hiệu bất động sản Huttons thuộc top 3 thị trường Singapore cũng đã chính thức có mặt tại Việt Nam. Huttons có nghiệp vụ tổ chức kinh doanh, môi giới tiếp thị bất động sản cao cấp với tham vọng mở rộng thị trường ra quốc tế, giúp cho khách hàng, người mua dễ giao dịch bất động sản trên thị trường quốc tế.

ảnh 1

Môi giới đang tư vấn cho khách hàng tại một buổi mở bán.  Ảnh: Dũng Minh

Công ty đặt trụ sở chính ở Singapore và có hai trụ sở liên kết tại Malaysia, Philippines. Như vậy, Việt Nam là thị trường thứ ba trong khu vực Đông Nam Á lọt vào tầm ngắm của ông lớn môi giới bất động sản này.

Đến sớm hơn các đối thủ trên, một thương hiệu đến từ Mỹ nữa là Keller Wiliams cũng đã nhảy vào thị trường bất động sản Việt Nam từ tháng 4/2015. Khác với những đơn vị khác, Keller Williams chọn hoạt động ở mảng bất động sản thương mại dưới thương hiệu Keller Williams Commercial Northern Vietnam.

Tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp tập trung vào mảng cho thuê và chuyển nhượng đầu tư đối với dự án nhà ở cho thuê, văn phòng, thương mại, công nghiệp. Ngoài ra, đơn vị này còn mở rộng cả chức năng định giá, tư vấn đầu tư phát triển dự án, quản lý bất động sản...

Áp lực dành cho khối nội

Chưa có những thống kê chính thức về số lượng các hoạt động giao dịch thành công của các nhà phân phối ngoại trong những năm vừa qua do tính đặc thù, nhưng không thể phủ nhận, các nhà phân phối ngoại đang có những bước tăng trưởng khá vững chắc tại thị trường bất động sản Việt Nam.

Nếu tính thêm cả Savills và CBRE trước khi "chuyển tông" thêm hoạt động phân tích thị trường, tư vấn đầu tư, thì có thể nói, thị trường môi giới bất động sản Việt Nam đang có áp lực cạnh tranh đáng kể. Mặc dù 2 nhà môi giới này hiện nay được định danh dưới tư cách nhà nghiên cứu thị trường, nhưng trên thực tế, Savills và CBRE đang là đơn vị phân phối độc quyền cho rất nhiều dự án, đặc biệt là những dự án thuộc phân khúc cao cấp, siêu sang và nghỉ dưỡng, trong khi các nhà phân phối nội không nhảy vào được.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, 4 năm gần đây (2015 - 2018), đúng vào giai đoạn thị trường bất động sản Việt Nam diễn ra những cơn nóng sốt, nhiều công ty dịch vụ môi giới, tư vấn địa ốc nước ngoài đã lần lượt nhảy vào thị trường.

Việc các đơn vị hoạt động trong mảng dịch vụ phân phối tư vấn bất động sản nước ngoài đổ bộ vào Việt Nam, nhiều nhất là TP.HCM và các điểm nóng bất động sản nghỉ dưỡng, là xu thế tất yếu. Hiện tượng này đã, đang và sẽ còn tiếp tục diễn ra trong tương lai, cùng với sự phát triển của thị trường địa ốc. Với kinh nghiệm và năng lực tài chính của mình, cùng nền tảng công nghệ hiện tại, các nhà phân phối ngoại này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh không hề nhỏ với các nhà phân phối nội.

“Cách đây ít lâu, khi chúng tôi sang Thái Lan, cả đoàn đã ngã ngửa khi nghe các bản báo cáo cực kỳ chi tiết của đơn vị môi giới nước bạn về thị trường bất động sản Việt Nam. Điều này cho thấy, việc các công ty môi giới trong khu vực ASEAN vào Việt Nam chỉ còn là vấn đề thời gian. Với trình độ, kỹ năng và những nét tương đồng nhất định về văn hóa, rất có thể, đây chính là những đối thủ khiến chúng ta thua ngay trên sân nhà”, ông Đính nói và cho biết thêm, lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi Công đồng kinh tế ASEAN (AEC) được hình thành, việc các nhà môi giới trong khối “xê dịch” từ nước nọ qua nước kia cũng sẽ là xu hướng tất yếu.

Ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Quốc Huy, Phó chủ tịch HĐQT Hải Phát Land cho rằng, việc các môi giới ngoại tham gia vào thị trường sẽ tạo ra sự cạnh tranh mới, vì họ đã có kinh nghiệm, có nguồn lực tài chính và sự hỗ trợ của nhiều tổ chức tài chính trong nước. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những tác động tích cực khi buộc các nhà môi giới trong nước phải nâng cao trình độ, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của công việc. Để có được sự thành công trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt, ngoài vốn và nhân lực, doanh nghiệp môi giới nội cần phải có chiến lược bài bản và dài hơi.

"Khi người tiêu dùng trở nên thông minh hơn, khắt khe trong việc tìm kiếm thông tin và đánh giá sản phẩm, vai trò của một môi giới bất động sản là gì? Nếu chỉ là người cung cấp thuần túy, hay “tra tấn” khách hàng với những cuộc điện thoại "rock xuyên màn đêm", thì khó trụ với nghề. Môi giới phải là người thấu hiểu cảm xúc với nền tảng kiến thức tốt, am tường trên nhiều lĩnh vực, mới thực sự có thể chiếm được lòng tin và thuyết phục khách hàng", ông Huy cho biết.

Theo Việt Trang
Báo Đầu tư Bất động sản

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *