Bất động sản 02/01/2014 19:58

McDonald's: Cánh cổng vàng mở ra nhiều cơ hội vàng?

FICA - Dù được đánh giá là thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới, quyết định gia nhập thị trường của McDonald’s chậm hơn nhiều thương hiệu khác tuy nhiên nếu nhìn theo khía cạnh khác, sự có mặt của các thương hiệu đối thủ đã phần nào tạo thuận lợi cho McDonald’s trong việc thay đổi nhận thức người tiêu dùng.

 

McDonald's với Golden Arches

Công ty CBRE Việt Nam vừa phát hành báo cáo với tựa đề "Cánh cổng vàng có mở ra nhiều cơ hội vàng?". Báo cáo có đề cập tới việc McDonald’s - hãng đồ ăn nhanh với biểu tượng logo Golden Arches (cánh cổng vàng) đã chính thức có mặt quốc gia tại Đông Nam Á, đánh dấu bằng hai cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM.

Theo CBRE tuy chậm chân hơn các đối thủ của mình như KFC, Lotteria hoặc Burger King, McDonald’s hứa hẹn sẽ cung cấp hai dịch vụ mới lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam: dịch vụ drive-thru (mua hàng không cần đỗ xe) và phục vụ 24/24h. Nhận thấy tiềm năng của thị trường Đông Nam Á, McDonald’s dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng thêm 750 cửa hàng trong hai năm tới tại khu vực này.

Sự kiện khai trương của McDonald’s một lần nữa khẳng định tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam với đặc thù là quốc gia có dân số trẻ. Sự hội nhập của văn hóa phương Tây cùng với thu nhập người dân ngày càng tăng đã góp phần kích cầu, tăng chi tiêu cho các mặt hàng thương hiệu ngoại, khi mà đa số giới trẻ có xu hướng gắn liền thương hiệu F&B (Food & Beverage - thức ăn và đồ uống) nước ngoài với sự sành điệu.

Theo Euromonitor, thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam có giá trị hơn 543,6 triệu USD, tăng trưởng hằng năm tăng từ 13,9% năm 2012 lên 15% năm 2014.

Cuộc sống bận rộn và nền kinh tế phát triển cũng tạo nguồn cầu cho thị trường thức ăn nhanh. Trong thị trường này, KFC và Lotteria hiện đang dẫn đầu trong nước cả về số lượng tiêu thụ và số cửa hàng đang hoạt động.

Dù được đánh giá là thương hiệu thức ăn nhanh lớn nhất thế giới (xếp thứ 7 trong danh sách 100 thương hiệu giá trị nhất bởi Interbrand), quyết định gia nhập thị trường của McDonald’s chậm hơn nhiều thương hiệu khác như KFC, Lotteria, Pizza Hut, Subway, Burger King và Starbucks. Tuy nhiên, CBRE cho rằng, nếu nhìn theo khía cạnh khác, sự có mặt của các thương hiệu đối thủ đã phần nào tạo thuận lợi cho McDonald’s trong việc thay đổi nhận thức người tiêu dùng đối với mặt hàng thức ăn nhanh.

Đối mặt không ít thách thức

Báo cáo chỉ ra rằng, ngoài những thuận lợi đáng kể, cũng còn nhiều thử thách dành cho McDonald’s.

Trong đó, đáng kể nhất là việc xác định một mức giá phù hợp và cạnh tranh với các đối thủ của mình và các hàng quán truyền thống là rất quan trọng cho sự thành công của thương hiệu này. Đưa thực đơn “Dollar Menu” vào Việt Nam với các sản phẩm có giá từ 1-2USD có thể đem lại một lợi thế cho McDonald’s.

Về mật độ bao phủ, cứ trung bình 600.000 người thì có một cửa hàng KFC hoặc Lotteria trong khi Burger King tuyên bố sẽ phủ khắp Việt Nam với mật độ khoảng 160.000 người/cửa hàng. Theo đó, thách thức đối với McDonald’s không chỉ ở việc thích nghi, thiết kế thực đơn riêng phù hợp khẩu vị người Việt mà còn ở tốc độ mở rộng hệ thống.

Trong khi đó, mặc dù ăn uống được coi là nhu cầu cơ bản, người tiêu dùng giờ đây đòi hỏi cao và quan tâm đến các vấn đề sức khỏe, chất lượng lẫn sự tiện lợi. Để phát triển bền vững, nhà quản lý các chuỗi nhà hàng phải đảm bảo được một nguồn cung ứng nguyên vật liệu tốt, chất lượng thực phẩm và giá trị. McDonald’s đã cam kết tập trung vào việc bảo tồn năng lượng, quy chuẩn đóng gói và xử lý chất thải bền vững trong nhiều năm qua, và đây chính là điểm khác biệt tạo nên thành công cho thương hiệu này.

Sự kiện khai trương cửa hàng đầu tiên của Starbucks trong tháng 2 vừa qua đã thu hút hàng dài người mua đem lại dấu hiệu tích cực cho nhà bán lẻ. Theo sau Starbucks và McDonald’s sẽ còn nhiều nhà bán lẻ F&B quốc tế quan tâm đến thị trường Việt Nam hơn nữa. Chi tiêu cho ăn uống, bao gồm các nhóm hàng tiêu thụ nhanh, thực phẩm tươi, ăn uống bên ngoài chiếm phần lớn chi tiêu của người Việt (gần một phần ba chi tiêu của dân thành thị). Ngành hàng ăn uống được xem là nhu cầu thiết yếu nên không bị ảnh hưởng bởi chu kỳ kinh tế.

Cơ hội cho nhà bán lẻ, thách thức cho chủ đầu tư

Báo cáo của CBRE dẫn khảo sát mới nhất của Nielsen tại sáu thành phố lớn cho biết, niềm tin người tiêu dùng Việt Nam đã được cải thiện từ cuối năm ngoái (tăng từ 87 điểm lên 97 điểm). Theo sau sự hồi phục của niềm tin người tiêu dùng là các giao dịch cho thuê. Nhìn về triển vọng thị trường năm 2014, chúng tôi hy vọng sẽ thấy được một vài tín hiệu khả quan trong nửa cuối năm sau khi mà nền kinh tế vĩ mô được cải thiện, tuy nhiên giá thuê sẽ cần nhiều thời gian hơn để tăng trở lại.

Việt Nam đang trải qua tiến trình “hiện đại hóa”, thói quen mua sắm của người tiêu dùng dần thay đổi từ các quán hàng rong hoặc chợ đến các trung tâm mua sắm hiện đại có điều hòa và thời thượng hơn. Không chỉ có ngành hàng ăn uống, các ngành hàng khác cũng đón nhận nhiều thương hiệu mới như Crocs, Topshop, Banana Republic, Payless, Christian Dior, v.v. Thương hiệu bán lẻ hiện đại sẽ ngày càng đa dạng hơn trong những năm tới.

Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng theo thống kê của CBRE, tỷ lệ trống tăng liên tiếp trong Quý 2 và 3/2013, chỉ số diện tích thực thuê mới bị âm phản ánh thực tế khách thuê không hài lòng với mức giá mà các trung tâm thương mại đang áp dụng, vốn không tương đồng với số lượng khách mua sắm mà những trung tâm này có thể thu hút được.

Các nhà bán lẻ đang di chuyển ra khỏi các trung tâm thương mại để tìm đến những mặt bằng giá rẻ hơn. Loại hình cho thuê nhà phố thương mại vẫn chiếm lĩnh thị trường nhờ vào nguồn mặt bằng sẵn có và giá thuê thấp hơn. Sự hồi phục của nền kinh tế thường kéo theo thị trường bán lẻ khởi sắc, chìa khóa thành công hiện nay của chủ đầu tư là linh hoạt đáp ứng nhu cầu của nhà bán lẻ.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *