Bất động sản 05/07/2018 15:22

Lượng tiêu thụ sụt giảm, người mua đang dần "chán" chung cư?

Báo cáo vừa được một công ty chuyên nghiên cứu bất động sản công bố, lượng tiêu thụ chung cư cả ở Hà Nội, TP.HCM đều sụt giảm trong 3 tháng vừa qua...

Lượng tiêu thụ chung cư cả ở Hà Nội, TP.HCM đều giảm

Theo báo cáo khảo sát thị trường bất động sản Hà Nội quý 2/2018 do CBRE vừa công bố, trong quý 2/2018, có 6.534 căn hộ được chào bán từ 19 dự án trên toàn thành phố, giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về doanh số bán hàng, 5.900 căn hộ được ghi nhận bán được trong quý 2 giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải sự sụt giảm này, CBRE cho rằng, đây là thời điểm các chủ đầu tư đang tập trung rà soát lại các sản phẩm hiện tại để chuẩn bị ra mắt vào cuối năm và cũng để thị trường điều tiết và hấp thụ các sản phẩm chưa bán hết ở các quý trước đây.

Về mặt bằng giá, mức giá sơ cấp trung bình của các dự án được chào bán tại quý 2 là 1.332 USD/m2, giảm 0,4% theo quý nhưng tăng 0,4% theo năm.

Trong năm 2018, CBRE cho biết dự kiến sẽ có khoảng 32.000 căn hộ mở bán mới tại Hà Nội, giảm khoảng 10% so với năm 2017.

Báo cáo của CBRE cũng cho biết, số lượng căn hộ chào bán mới tại TP.HCM trong quý 2 đạt 6.109 căn hộ, giảm 36% so với năm trước. Cũng trong quý này, có 6.947 căn hộ được tiêu thụ, giảm 25% so với quý trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước.

Lượng giảm nhiều nhất được ghi nhận tại phân khúc trung cấp, với mức giảm 62% theo quý, có thể là do dư âm của sự cố cháy chung cư từ cuối tháng 3 dẫn tới các biện pháp an toàn cho chung cư được chú trọng hơn.

Thêm vào đó, nhằm đảm bảo tỷ lệ hấp thụ tốt, một số chủ đầu tư đã thận trọng hơn trong việc ra mắt nguồn cung mới. Mặt khác theo CBRE, Chính phủ cũng đã hạn chế tín dụng vào bất động sản để điều tiết thị trường.

Về lượng tiêu thụ, CBRE cho rằng tỷ lệ bán cao được kỳ vọng tại các dự án chào bán trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, chất lượng hoàn thiện căn hộ, tiện ích và chất lượng quản lý là các vấn đề chủ đầu tư cần quan tâm để đảm bảo niềm tin của người mua và tạo sự khác biệt.

Vì đâu lại giảm?

Thực tế theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều dự án chung cư tại Hà Nội ghi nhận thanh khoản khá thấp. Một chủ đầu tư tại dự án chung cư tại Thanh Trì cho biết, mới chỉ bán chưa được 40% số căn hộ mặc dù thời điểm này đã hoàn tất việc nghiệm thu công trình, cư dân dọn vào ở khá đông rồi. Không chỉ ở phân khúc bình dân, một số dự án cao cấp cũng đang “ì ạch” trong việc bán sản phẩm.

Một điểm chung là dù thuộc phân khúc cao cấp hay phân khúc phù hợp với khả năng chi trả của phần đông khách hàng thì bóng dáng của nhà đầu tư trên thị trường căn hộ khá hiếm hoi.

Khoảng vài năm trước, lướt sóng hoặc mua chung cư rồi cho thuê được coi là kênh đầu tư nhiêu người chọn. Tuy nhiên, hiện nay kênh đầu tư này không còn khả thi, trong khi mua rồi cho thuê cũng không đạt lợi nhuận cao do nguồn cung lớn, sự cạnh tranh càng ngày càng gay gắt. Chưa kể, có những trường hợp mua căn hộ ở những dự án "dính" lùm xùm, chưa hoàn tất nghiệm thu công trình... thì sau 3-4 năm vẫn không có "sổ hồng" để bán.

Chị Nhung, chủ một căn hộ tại khu chung cư Dương Nội cũng đầu tư vào kênh này cách đây 5 năm. Trong suốt mấy năm qua chị cho vừa cho thuê nhà, vừa rao bán căn hộ để “chốt” lời nhưng khá khó khăn. Tiền thuê chị nhận được chưa đến 3,5 triệu đồng/tháng, khoản này cũng chỉ tương đương với số tiền mua căn hộ đem gửi ngân hàng lấy lãi.

Trong khi đó không ít người dân có nhu cầu ở vẫn còn khá đắn đo khi “xuống tiền” mua chung cư. Như nhận định của công ty chuyên nghiên cứu bất động sản CBRE, thì dư âm của sự cố cháy chung cư từ cuối tháng 3 là nguyên nhân giảm tỷ lệ căn hộ được bán.

Bên cạnh đó, một vấn đề được coi là bức thiết hiện nay khiến nhiều người cảm thấy đắn đo, đó là vấn đề tranh chấp chung cư. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, có 215 dự án có khiếu nại, tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án.

Chị Hạnh (Hà Đông) cho biết: “Tôi đang tìm hiểu mua một căn chung cư mà thấy khó quá. Tìm hiểu thấy nhiều dự án xảy ra tranh chấp kéo dài, nhiều người mua phải dự án chậm tiến độ cả 10 năm trời “sống dở chết dở””.

Trao đổi với Dân trí, PGS.TS. Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng – Tổng hội xây dựng Việt Nam cho biết, thực tế đúng là tất nhiều tranh chấp xuất phát từ sự cố tình vi phạm của chủ đầu tư, từ lúc xây dựng cho đến lúc bàn giao dự án.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng bản thân các chủ đầu tư khi bội tín, bội ước thì chính họ đang tự thải loại mình trên thị trường. Báo chí vào cuộc, người dân khi mua nhà sẽ cân nhắc trước những chủ đầu tư “dính” lùm xùm như vậy”, ông Chủng nói.

Thực tế cho thấy, hơn ai hết bản thân các chủ đầu tư cần phải là những người ý thức được việc chấp hành đúng pháp luật, đúng cam kết với khách hàng. Nếu đi ngược lại với những gì cam kết, vi phạm pháp luật, không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thì chính họ đang tự "chặt" đi khả năng phát triển của chính mình.

Nguyễn Mai

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *