Bất động sản 03/01/2014 11:46

Hướng nào gỡ khó cho bất động sản phía Nam?

FICA - Giải pháp cho thị trường bất động sản phía Nam phụ thuộc rất lớn vào giải pháp kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu hiện nay.

Theo nhận định của giới chuyên gia trong ngành, thị trường bất động sản phía nam hiện vẫn đứng trước nhiều khó khăn với lượng hàng tồn kho lớn, nhiều dự án dừng triển khai hoặc chậm tiến độ vì thiếu vốn…

Nguyên nhân đưa ra là do thị trường bất động sản ở các tỉnh phía Nam có đặc thù khác với các tỉnh phía Bắc như: sử dụng vốn vay ở ngân hàng thương mại nhiều hơn; thị trường bất động sản phía Bắc lại sử dụng vốn huy động từ người tiêu dùng nhiều hơn. Chính vì vậy, các nhà đầu tư bất động sản phía Nam phải đối mặt với giải quyết nợ xấu căng thẳng hơn các nhà đầu tư phía Bắc.

Như vậy, giải pháp cho thị trường bất động sản phía Nam phụ thuộc rất lớn vào giải pháp kho bất động sản tồn đọng gắn với nợ xấu hiện nay.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Chính sách nhà ở và Thị trường Bất động sản TPHCM, từ đầu năm 2013 đến nay thành phố đã tiêu thụ được khoảng 4.437 căn hộ trên tổng số 14.490 căn hộ tồn kho, ước giá trị giao dịch khoảng trên 7.700 tỷ đồng. Loại căn hộ được tiêu thụ mạnh nhất là căn hộ có diện tích dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Như vậy, đến thời điểm này TPHCM còn tồn kho khoảng hơn 10.000 căn hộ chung cư, ước giá trị tồn khoảng trên 17.600 tỷ đồng.

Theo ghi nhận, hiện nay các căn hộ tồn đọng trên địa bàn TPHCM chủ yếu có diện tích lớn hơn 70 m2. Tuy nhiên, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng chỉ hỗ trợ vay vốn mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Điều này đã cản trở cho việc giải quyết hàng tồn đọng bất động sản trong thời gian qua.

Mới đây, trong kiến nghị gửi lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 02 ngày 7/1/2013, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng thừa nhận, năm 2014, thị trường bất động sản vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do vậy, HoREA đã kiến nghị 13 giải pháp lên Chính phủ nhằm gỡ khó cho thị trường bất động sản năm 2014.

Trong đó, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ bổ sung Nghị quyết 02/NQ-CP chấp thuận cho các dự án nhà ở thương mại quy mô vừa và nhỏ dưới 70m2/căn hộ, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2 đang xây dựng dở dang được vay nguồn tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhằm giúp nhanh chóng có sản phẩm hoàn thiện đưa ra thị trường, giải quyết nhanh hàng tồn kho và đáp ứng nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp đô thị.

Chính phủ và Bộ Xây dựng cũng cần đẩy nhanh việc trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản trong năm 2014 cho phép Việt kiều được sở hữu nhà như người Việt trong nước; tạo điều kiện thông thoáng cho người nước ngoài mua nhà và sở hữu nhà phù hợp thông lệ quốc tế nhằm hỗ trợ giải quyết hàng tồn kho ở phân khúc bất động sản hạng sang và thực hiện xuất khẩu tại chỗ, tạo việc làm cho người lao động.

HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho người tiêu dùng được vay vốn ưu đãi với lãi suất khoảng 4,5%-5%/năm, thời hạn cho vay được điều chỉnh từ 10 năm lên 20 năm đối với cá nhân vay để giảm mức trả nợ vay và lãi vay hàng tháng phù hợp với khả năng tài chính của người vay; cho ân hạn 3 năm đầu chưa phải trả nợ gốc và lãi vay, đến năm thứ tư sẽ trả nợ gốc và lãi vay...

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị UBND TPHCM ban hành danh mục các khu vực không cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành nhà ở xã hội hoặc không cho phép chia nhỏ căn hộ nhằm giúp các doanh nghiệp định hướng việc điều chỉnh phát triển dự án nhà ở phù hợp. Đồng thời, sớm xem xét giải quyết 6 dự án nhà ở thương mại xin chuyển thành nhà ở xã hội và 13 dự án nhà ở thương mại xin được cơ cấu lại căn hộ vừa và nhỏ mà Sở Xây dựng đã trình để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn cực kỳ khó khăn hiện nay.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *