Bất động sản 21/05/2018 09:32

Hiện trạng thê thảm của các chợ đầu mối của Hà Nội

Xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất xuống cấp; Cống rãnh, thoát nước bị vỡ hỏng, nước thải ứ đọng, mái bị vỡ dột, sửa chữa chắp vá; Hệ thống điện tại các chợ đầu mối cũng đang trong tình trạng quá tải so với thiết kế, lắp đặt ban đầu.


Chợ đầu mối Long Biên (Ảnh minh họa/VOV)

Chợ đầu mối Long Biên (Ảnh minh họa/VOV)

Đó là thực trạng ở các chợ đầu mối của Hà Nội được đoàn giám sát của các đại biểu quốc hội kiểm tra, rà soát và báo cáo mới đây.

Theo quy hoạch phát triển thương mại TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội định hướng xây dựng mới 5 chợ đầu mối tại các khu vực xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm; xã Thạch Thánh, Quốc Oai; xã Thanh Lâm, xã Kim Hoa huyện Mê Linh; xã Phúc Tiến huyện Phú Xuyên và xã Cam Thượng huyện Ba Vì.

Đoàn giám sát của các đại biểu Quốc hội Hà Nội cũng vừa kết thúc đợt khảo sát các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, giai đoạn 2012-2017, trên địa bàn Hà Nội không có chợ đầu mối được đầu tư xây dựng.

Hà Nội hiện có hai chợ đầu mối, gồm chợ đầu mối phía Nam và chợ đầu mối Minh Khai đang hoạt động từ trước năm 2012. 4 chợ kinh doanh buôn bán nông sản đang hoạt động có tính chất đầu mối, gồm chợ Long Biên (kinh doanh hoa quả và các loại rau), chợ cá Yên Sở (kinh doanh thuỷ sản), chợ gia cầm Hà Vỹ (kinh doanh gia cầm, thuỷ cầm) và chợ Quảng Bá (kinh doanh hoa).

Theo đoàn giám sát, các chợ đầu mối trên địa bàn Hà Nội đang thực hiện 3 chức năng, gồm chức năng buôn bán (bán trực tiếp các mối hàng, các hộ kinh doanh tại chợ dân sinh, nhà hàng…); Chức năng sang mạn (hàng hoá được đưa về cho đầu mối và hạ tải, chia nhỏ cung câó cho các chợ dân sinh) và chức năng chợ dân sinh (người dân ở khu vực xung quanh vào mua hàng nhằm phục vụ tiêu dùng hàng ngày).

Các chợ đầu mối ở Hà Nội đang tập kết hơn hơn 4.300 tấn thực phẩm mỗi ngày. Trong số này có khoảng 400 tấn thịt lợn, 170 tấn thịt gà, 1.000 tấn thuỷ hải sản, 2.800 tấn rau của quả, mỗi ngày. Lượng thực phẩm này cũng chỉ đáp ứng khoảng 1,6%-3,2% nhu cầu thịt lợn thịt gà, 20% đối với thuỷ sản và 3,3% đối với rau củ.

Tuy nhiên, theo Đoàn giám sát, các chợ đầu mối ở Hà Nội hiện vẫn còn một số hạn chế nhất định như: Chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thành phố; Khâu kết nối giữa chợ đầu mối và chợ dân sinh còn hạn chế. Phần lớn các rau củ quả được người dân từ các tỉnh thành chở trực tiếp đến bán tại chợ. Còn hàng hoá tại siêu thị thì được các siêu thị trực tiếp mua của các nhà sản xuất có tên tuổi, thương hiệu.

Bên cạnh đó, nguồn hàng cũng chưa được kiểm soát chặt chẽ về mặt an toàn thực phẩm cũng như việc truy nguồn gốc xuất xứ khi cần thiết. Các chợ hiện mới chủ yếu đảm nhận tập trung mối hàng từ các tỉnh phân phối cho thị trường Hà Nội và một số tỉnh lân cận chứ chưa thực hiện chức năng kiểm tra chất lượng trước khi bán đến tay người tiêu dùng.

Các chợ đầu mối phần lớn được xây dựng lâu năm, cơ sở vật chất đều đã xuống cấp như: Nền nhà thấp hơn đường giao thông bên ngoài chợ, hệ thống cống rãnh, thoát nước bị vỡ hỏng, nước thải ứ đọng, mái bị vỡ dột, sửa chữa chắp vá. Ngoài ra, hệ thống điện tại các chợ đầu mối cũng đang trong tình trạng quá tải so với thiết kế, lắp đặt ban đầu. Người dân tự ý mắc thêm các đường điện chiếu sáng không đảm bảo tiêu chuẩn…

Cũng theo Đoàn công tác, việc chấp hành quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, đơn vị quản lý, cửa hàng kinh doanh… vẫn chưa cao. Do đó, Đoàn giám sát đã đề xuất một số giải pháp khắc phục.

Đoàn giám sát với thành phần chính là các đại biểu Quốc hội được thành lập để giám sát quy hoạch chợ nông sản đầu mối tại Hà Nội hồi cuối tháng 3/2018.

H.Anh

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *