Tiền và Hàng 13/01/2014 11:44

Năm 2014: Đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt nhập khẩu

FICA - Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 145, 4 tỷ USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 154 tỷ USD, tăng 17,3%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu.

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành Công Thương năm 2014, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, năm 2013 thị trường trong nước tiếp tục được mở rộng, đảm bảo cân đối cung cầu những mặt hàng thiết yếu của nền kinh tế. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa năm 2013 ước tăng 12,6% so với cùng kỳ. Công tác quản lý thị trường được triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm đã góp phần hạn chế tình trạng nhập lậu gia cầm qua biên giới, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái đã giảm đáng kể.

Năm 2013 cũng ghi nhận những kết quả nổi bật của lĩnh vực xuất khẩu. Là năm thứ 2 liên tiếp Việt Nam xuất siêu kể từ năm 2007 sau khi gia nhập WTO, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 132,17 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2012, xuất siêu 863 triệu USD. Điểm đáng chú ý là xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước bắt đầu khôi phục và có xu hướng tăng dần.

Theo Bộ trưởng, sang năm 2014, dự báo kinh tế thế giới sẽ có sự phục hồi tích cực hơn, song vẫn còn nhiều yếu tố rủi ro và chưa vững chắc.

Theo ông Trần Quang Nghị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, trong năm 2014 và những năm tới, lợi thế của Việt Nam sẽ rất lớn nếu đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP. Do đó, trọng tâm chiến lược của Tập đoàn Dệt May Việt Nam là đầu tư cho sản xuất nguyên liệu.

Tuy nhiên, khối FDI có tốc độ đầu tư rất cao trong 2 năm qua với tổng số tiền đầu tư lên đến 1,5 tỷ USD, tập trung phần lớn vào sản xuất nguyên liệu. Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước thiếu hụt cả tiềm lực tài chính, khả năng thu xếp vốn, liên kết với nhà sản xuất thiết bị, v.v… Điều này dẫn đến, các doanh nghiệp dệt may trong nước không tận dụng được những lợi thế do TPP mang lại.

Vì vậy theo ông Trần Quang Nghị, Chính phủ sớm phê duyệt quy hoạch ngành Dệt May Việt nam đến năm 2030, đảm bảo quy hoạch thực hiện nghiêm túc, phát triển bền vững và tận dụng được cơ hội của các hiệp định thương mại; Nghiên cứu gói tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp để nâng cao sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI.

Trong khi đó, theo ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội Thủy sản Việt Nam, xuất khẩu thủy sản Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nguyên liệu từ nuôi trồng, do đó cần chú trọng đến các giải pháp để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm. Để nắm bắt cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu, cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm trong hoàn cảnh các doanh nghiệp còn rất khó khăn.

Ông Trương Đình Hòe cũng cho rằng các cơ quan quản lý cần hỗ trợ hơn nữa doanh nghiệp trong các vấn đề tranh chấp thương mại ngày càng phức tạp và cải cách các thủ tục hành chính để tiết giảm chi phí sản xuất, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho mặt hàng này.

Trong năm 2014, Bộ Công thương sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư. Đồng thời, phấn đấu từng bước lấy lại đà tăng trưởng cao của ngành công nghiệp. Nâng cao ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu năm 2014 đạt khoảng 145, 4 tỷ USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu dự kiến đạt 154 tỷ USD, tăng 17,3%, tỷ lệ nhập siêu khoảng 6% kim ngạch xuất khẩu.

Theo Bộ Công thương, để làm được điều này, cần tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu đối với các mặt hàng không khuyến khích và các mặt hàng trong nước đã sản xuất được; Tăng cường hoạt động thương mại biên giới; nâng cao hiệu quả của công tác dự báo thị trường, phổ biến kịp thời thông tin về thị trường thế giới, v.v…

Dự kiến thị trường hàng hóa trong nước năm 2014 và 2015 sẽ có mức tăng trưởng khá với tốc độ tăng bình quân hàng năm khoảng 14%/năm. Đến năm 2015, tỷ trọng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua kênh phân phối hiện đại khoảng 40% , qua kênh phân phối truyền thống là 60%.

Phương Dung

Chuyên mục: Tiền và Hàng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *