Bất động sản 24/10/2017 12:00

Hà Nội bán "đất vàng" của 8 sở, ngành di dời thế nào?

Tất cả quỹ đất sau di dời các sở, ngành sẽ được Hà Nội sắp xếp lại, bán đấu giá công khai. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thực tế giá giao dịch trên thị trường của một số khu “đất vàng” là trụ sở các sở, ngành sắp di dời có tiền chưa hẳn đã mua được.

Thu hàng nghìn tỷ đồng từ đất “vàng”

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Xuân Vinh - Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, dự kiến kế hoạch di dời các sở, ngành sẽ thực hiện vào cuối năm 2017 hoặc đầu năm 2018. Đến giữa năm 2018, việc di dời 8 sở, ngành về tập trung tại khu liên cơ đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ) sẽ hoàn tất.

Các sở, ngành này gồm: Sở Tài chính, Quy hoạch- Kiến trúc, Kế hoạch - Đầu tư, Tài nguyên- Môi trường, Khoa học - Công nghệ, Xây dựng, Giao thông vận tải, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội.


Các trụ sở của Sở ngành Hà Nội đều nằm ở vị trí đắc địa có giá trị địa tô rất cao (Ảnh Tú Anh)

Các trụ sở của Sở ngành Hà Nội đều nằm ở vị trí đắc địa có giá trị địa tô rất cao (Ảnh Tú Anh)

Về việc sử dụng quỹ đất sau di dời trụ sở 8 đơn vị, ông Vinh cho hay, chủ trương của thành phố sẽ không có chuyện “ôm” đất vàng sau di dời hoặc giao lại cho các cơ quan khác làm trụ sở mà sẽ tiến hành đấu giá công khai.

Được biết, con số dự kiến đấu giá các trụ sở hiện nay của 8 sở, ngành thành phố sẽ thu được gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, trường hợp là đất sản xuất kinh doanh, đất phi nông nghiệp sẽ thu được hơn 1.000 tỷ đồng. “Con số này là dự kiến được tính toán trên cơ sở khung giá đất ban hành hiện nay của thành phố nhân với hệ số khu vực. Nó cũng có thể hiểu là giá khởi điểm, nếu đấu giá cao thì thành phố sẽ thu được số tiền cao hơn so với giá dự kiến”, ông Vinh phân tích.

Theo kế hoạch, sau khi xây dựng xong khu liên cơ quan thứ hai tại 52 Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng), Hà Nội sẽ tiếp tục di dời các sở, ngành còn lại về đây và tiếp tục bán đấu giá tiếp các trụ sở của các sở, ngành này lấy nguồn đầu tư vào các công trình dân sinh.

Có tiền tỷ chưa hẳn mua được đất “vàng”?

Trong danh sách trụ sở 8 sở, ngành thực hiện kế hoạch di dời lần này, có nhiều khu đất “vàng”, đất “kim cương” nằm ở vị trí đắc địa của Thủ đô mà giới đầu tư cho rằng, có vị trí hiện giao dịch lên tới tiền tỷ mỗi m2, thậm chí có tiền chưa hẳn đã mua được.

Cụ thể, trong 8 sở, ngành được di dời, ngoài trụ sở Sở Xây dựng ở số 52 Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng) sẽ được giữ lại để xây dựng khu liên cơ thứ 2 của thành phố thì số còn lại đều nằm ở vị trí đắc địa, tập trung chủ yếu ở 4 quận nội đô lịch sử, nơi mà lâu nay giá đất luôn được sánh ‘vai’ với các khu có giá đất đắt đỏ trên thế giới.

Đơn cử, khu đất trụ sở Sở Tài chính tại số 38B phố Hai Bà Trưng (quận Hoàn Kiếm), gần Trung tâm thương mại Tràng Tiền và chỉ cách hồ Hoàn Kiếm hơn 100m. Đối diện với trụ sở này là khu đất trước đây của tập đoàn Tân Hoàng Minh từng gây ‘sốt’ khi đền bù gần 1 tỷ đồng/m2 cho những hộ dân di dời.


Trụ sở Sở Tài chính nằm trung tâm phố Hai Bà Trưng chỉ cách bờ hồ Hoàn Kiếm vài bước chân (ảnh Giang Huy)

Trụ sở Sở Tài chính nằm trung tâm phố Hai Bà Trưng chỉ cách bờ hồ Hoàn Kiếm vài bước chân (ảnh Giang Huy)

Khu đất của trụ sở Sở Quy hoạch-Kiến trúc ở số 31B Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm), nằm mặt tiền ở con phố hiện trên thị trường đang có giao dịch từ 500-800 triệu đồng/m2.

Đối với khu đất trụ sở Sở Kế hoạch-Đầu tư với 2 mặt tiền nằm trên phố Cát Linh và Trịnh Hoài Đức (quận Đống Đa), nằm trong kế hoạch di dời để mở rộng sân vận động Hàng Đẫy của nhà đầu tư hay khu đất của Sở Tài nguyên-Môi trường tại số 18 Huỳnh Thúc Kháng cũng có giá giao dịch từ 300-500 triệu đồng/m2.

“Nguyên tắc bán đấu giá đất phải có đất sạch nên hiện chưa có thông báo mời gọi nhà đầu tư, nhưng theo tôi với những vị trí đắc địa trên sẽ có rất nhiều nhà đầu tư đăng ký tham gia, còn giá thì ai trả cao thì trúng thôi”, vị cán bộ Sở Tài chính cho hay.

Theo một số văn phòng nhà đất, giá chuyển nhượng ở các khu vực gần hồ Hoàn Kiếm và các phố trung tâm như: Hai Bà Trưng, Tràng Thi…, luôn đắt đỏ với giá giao dịch thành công có khi lên đến trên 1 tỷ đồng/m2, thậm chí có tiền chưa hẳn đã mua được vì rất ít người bán.

Giới nhà đất cho rằng, ở những vị trí đắc địa như Tràng Thi, Hai Bà Trưng..., có tiền tỷ chưa hẳn đã mua được vì ít người bán (ảnh trụ sở Sở Quy hoạch- Kiến Trúc- Ảnh Giang Huy)
Giới nhà đất cho rằng, ở những vị trí đắc địa như Tràng Thi, Hai Bà Trưng..., có tiền tỷ chưa hẳn đã mua được vì ít người bán (ảnh trụ sở Sở Quy hoạch- Kiến Trúc- Ảnh Giang Huy)

“Các khu đất là trụ sở của các sở, ngành nêu trên đều có vị trí đẹp, có mặt tiền rộng và diện tích lớn nên rất có giá trị sinh lợi về địa tô rất cao. Nếu chỉ căn cứ theo khung giá, bảng giá đất hàng năm của thành phố thì không ai mua được. Đơn cử, đất ở ở vị trí đẹp nhất của phố Hai Bà Trưng, Tràng Thi chỉ khoảng 110 triệu/m2 còn đất thương mại dịch vụ vị trí đẹp nhất chỉ khoảng 50 triệu m2, trong khi thực tế giao dịch của thị trường là từ 600 đến trên 1 tỷ m2”, một quản lý văn phòng nhà đất phân tích.

 

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Đô thị Việt Nam cho rằng, nhìn vào thực trạng nội đô Hà Nội hiện nay, nhiều khu đất khi chuyển mục đích sử dụng để phát huy giá trị “đất vàng” do thiếu quản lý tiến độ xây dựng, chưa có sự hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và cộng đồng dân cư, nên “đất vàng” đã trở thành đất hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả, thậm chí bị biến tướng. Đây là vấn đề nên quan tâm, giám sát chặt chẽ và có giải pháp xử lý quyết liệt.

Theo Tú Anh
Tiền Phong

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *