Bất động sản 18/11/2013 18:39

Gói 30.000 tỷ đồng: Chậm không phải do thủ tục!

FICA - Bộ trưởng Xây dựng khẳng định, nếu không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước.

Trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời" tối qua (17/11), trước phản ánh cho rằng với thủ tục và giải ngân như hiện nay khiến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng chậm trễ phát huy tác dụng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng khẳng định gói 30.000 tỷ đồng là chính sách của Chính phủ hỗ trợ người dân thu nhập thấp cải thiện nhà ở tuy nhiên các thủ tục, yêu cầu là điều kiện bắt buộc.

"Vì nếu chúng ta không làm chặt, sai đối tượng dễ dẫn đến lợi dụng, làm thất thoát cho Nhà nước, dư luận không đồng tình nhưng không phải vì làm chặt mà chậm tiến độ", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng, muốn giải ngân nhanh gói này, phải có nguồn cung lớn hoặc nhiều nhà ở dưới 15 triệu/m2, dưới 70 m2 trong khi nhu cầu của người dân rất lớn. Cả nước hiện nay cần hơn 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội nhưng hiện nay cung nhà ở xã hội không thể nhanh được vì chiến lược nhà ở của chúng ta mới thực hiện và việc phát triển nhà ở xã hội là quá trình dài hạn chứ không thể ngắn hạn. Trong khi đó, việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, các doanh nghiệp không mặn mà, do lợi nhuận của nhà ở xã hội thấp hơn nhiều so với nhà ở thương mại.

"Tôi rất đồng tình, những ai có nhu cầu mua nhà thì phải được hỗ trợ trong gói 30.000 tỷ này. Đây là trách nhiệm không chỉ riêng Bộ Xây dựng, các địa phương mà cả các ngân hàng phải vào cuộc để đẩy nhanh tốc độ giải ngân", người đứng đầu Bộ Xây dựng khẳng định.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, đến 31/10/2013, các ngân hàng đã cam kết cho vay 939 khách hàng cá nhân với số tiền là 333,1 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân cho 905 khách hàng với dự nợ 220,9 tỷ đồng. Đối với khách hàng doanh nghiệp, NHNN đã xác nhận đăng ký của BIDV, Vietinbank và Agribank được ký hợp đồng tín dụng với 7 doanh nghiệp tại TPHCM, Huế, Cần Thơ, Bắc Ninh, Hải Dương và Đà Nẵng với số tiền cam kết là 870,4 tỷ, trong đó đã giải ngân cho 4 doanh nghiệp với số tiền là 122,6 tỷ đồng.

Như vậy, sau 5 tháng triển khai, gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mới giải ngân được khoảng hơn 1%. Con số giải ngân này cũng thấp hơn rất nhiều so với 15 - 20 nghìn tỷ đồng kỳ vọng như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng phát biểu trước Quốc hội trong phiên họp hồi tháng 5 vừa qua.

Về nguyên nhân giải ngân còn chậm, Ngân hàng Nhà nước cho rằng là do nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại có quy mô dưới 70m2 và có giá dưới 15 triệu đồng/m2 thời điểm này khan hiếm. Bên cạnh đó là vướng mắc về thủ tục liên quan đến việc cơ quan công chứng không đồng ý công chứng Hợp đồng thế chấp tài sản đảm bảo hình thành trong tương lai là căn nhà hình thành từ vốn vay và có phần do quy định bắt người có thu nhập thấp muốn vay tiền phải chứng minh khả năng trả nợ tại các ngân hàng thương mại.

Để gỡ rào cho gói hỗ trợ này, Bộ Xây dựng đã ban hành 2 thông tư nhằm thúc đẩy tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ đồng. Theo đó, mở rộng thêm các đối tượng được tiếp cận với gói 30.000 tỷ đồng. Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng nới điều kiện để các đối tượng này dễ dàng hơn trong việc vay vốn như không yêu cầu xác nhận về điều kiện thu nhập; không cần phải có hộ khẩu thường trú; đối tượng vay vốn hỗ trợ nhà ở không yêu cầu phải xác nhận về thu nhập...

Tiếp ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có văn bản gửi tới 5 ngân hàng thương mại được chỉ định triển khai gói 30.000 tỷ đồng, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ cho vay. Theo đó, các NHTM này phải chủ động tiếp cận, hướng dẫn và giải ngân nhanh gói hỗ trợ về nhà ở. Đồng thời, có văn bản báo cáo đánh giá về các khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân việc cho vay đối với cá nhân mua, thuê, thuê mua nhà còn hạn chế, khả năng giải ngân đối với các doanh nghiệp đã được đăng ký và tiếp cận với những dự án mới trong thời gian tới…

Tuy nhiên, điều đáng bàn là đây cũng không phải lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước "thúc” các ngân hàng thương mại đẩy nhanh tốc độ giải ngân. Và trên thực tế, tốc độ giải ngân thời gian qua không có sự đột phá!

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *