Bất động sản 27/04/2014 10:34

Gói 30.000 tỷ đồng: Chậm có phải là đã thất bại?

FICA - Theo Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, nhìn vào gói tín dụng này, chúng ta không nên chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân chậm mà còn phải nhìn vào sự đóng góp của gói này đã làm cho nền kinh tế.

Tính từ khi bắt đầu triển khai vào tháng 6/2013 đến nay, hiện gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 4%. Nguyên nhân nào khiến tốc độ giải ngân quá chậm như vậy?

Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Quản lý nhà, Bộ Xây dựng cho rằng, gói tín dụng này thực hiện chưa được 1 năm và tỷ lệ cam kết hơn 10%, nhưng hiện nay tiến độ giải ngân còn chậm và nó phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân như: Các doanh nghiệp không đủ hàng để bán; tốc độ cho phép điều chỉnh cơ cấu căn hộ chậm; chậm thực hiện ban hành quy định người mua được thế chấp chính căn hộ mình mua để vay vốn, phải chứng minh được khả năng trả nợ.

Theo ông Hà, 4 cơ quan gồm: Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước sắp ban hành việc thế chấp nhà ở hình thành trong tương lai. Thông tư được ban hành sẽ thúc đẩy tiến độ giải ngân gói 30.000 tỷ.

Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh sửa đổi một số quy định có liên quan đến gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 02/NQ-CP để đẩy nhanh tiến độ giải ngân theo hướng như kéo dài thời hạn trả nợ đối với khách hàng là hộ gia đình từ 10 năm lên 15 năm; Mở rộng đối tượng vay vốn đối với một số đối tượng khách hàng; Không giới hạn về quy mô và thời gian triển khai thực hiện của gói tín dụng ưu đãi cho vay hỗ trợ nhà ở; Bổ sung thêm một số ngân hàng thương mại cổ phần được phép tham gia cho vay...

"Nếu đề xuất được thông qua thì việc giải ngân gói hỗ trợ sẽ tốt hơn", lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội đánh giá: "Hiện nay dư luận, những nhà nghiên cứu, thậm chí cả Đại biểu Quốc hội đều nhận thấy tốc độ giải ngân gói 30.000 tỷ là quá chậm. Tuy nhiên, chúng ta phải tách bạch rõ ràng lý do giải ngân chậm có đồng nghĩ với thất bại hay không. Nhìn vào gói tín dụng này, chúng ta không nên chỉ nhìn vào tốc độ giải ngân chậm mà còn phải nhìn vào sự đóng góp của gói này đã làm cho nền kinh tế của chúng ta khôi phục mạnh mẽ kể từ quý 2/2013.".

Theo ông Cường, gói 30.000 tỷ vì nhà nước khó khăn không có tiền ngân sách nên Chính phủ phải điều tiết dùng nguồn tiền từ NHNN để tái cấp vốn cho các NHTM. Gói tín dụng này nhắm tới các đối tượng nghèo được hưởng chính sách nhà ở; đồng thời tất cả doanh nghiệp tạo lập bất động sản cũng được hưởng ưu đãi giá rẻ.

"Nói sự giải ngân gói tín dụng này chậm hay thất bại thì phải xem lại quan hệ biện chứng. Gói tín dụng này kịp thời điều chỉnh quản lý vĩ mô khi thị trường rơi vào tổng khủng hoảng như năm 2011, 2012, thậm chí 2013. Gói 30.000 tỷ có hiệu lực từ 1/6/2013. Tuy nhiên, từ khi có hiệu lực tới nay, sự giải ngân có độ trễ là do phản ứng của cộng đồng, của doanh nghiệp. Mặt khác, các thủ tục để thẩm định, phê duyệt dự án cũng không thể làm tắt, hời hợt, nhanh chóng bởi các cơ quan quản lý nhà nước", ông Cường nói.

Ông Cường cũng cho rằng, gói 30.000 tỷ cũng chỉ là một trong những công cụ quản lý nhà nước thông qua chính sách nhưng không có gói tín dụng này thì không thể đưa thị trường chứng khoán tăng trưởng đột phá, đẩy chỉ số Vn Index từ 397,6 điểm cuối năm 2012 tới 569,87 điểm như ngày hôm qua. Nếu không có gói này thì chúng ta không thể thu hút 21,6 tỷ USD, cũng ko thể huy động được 408 dự án bất đông sản ở các phân khúc có nguồn tiền từ FDI.

"Nếu không có sự hỗ trợ của chính phủ, thị trường bất động sản không thể khởi sắc, thị trường không thể có phân khúc nhà ở trên dưới 20 triệu để bán. Và, nếu như gói tín dụng này không được thực hiện, không được đưa ra đúng lúc thì không chỉ có 61.000 doanh nghiệp đóng cửa, giải thể mà còn có bao nhiêu triệu người thất nghiệp và hàng ngàn dự án nhà ở đắp chiếu.

Chúng ta đang có khoảng 65.000 dự án căn hộ chung cư cao cấp. Nếu không có gói tín dụng này các chung cư cao cấp còn gia tăng như thế nào, nợ xấu còn tăng lên bao nhiêu", theo ông Cường.

Về góc độ doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, ông Phạm Thanh Hưng – Phó Chủ tịch HĐQT CEN Group khẳng định, việc Chính phủ đưa ra gói tín dụng này là chính sách rất quan trọng đã tạo cú hích và niềm tin cho thị trường.

"Nhưng câu hỏi đặt ra là vì sao giữa ngân hàng và người mua nhà chưa gặp nhau? Theo tôi, xét hành vi của người mua nhà, nếu người có thu nhập thấp đi mua nhà mà vẫn phải kèm theo các điều kiện mua nhà như thế chấp hoặc phải chứng minh thu nhập thì rất khó", ông Hưng nhận đinh.

Do vậy, ông Hưng đề nghị có nên chăng để các doanh nghiệp được vay vốn lãi suất thấp, trên cơ sở nguồn vốn giá thấp đó doanh nghiệp sẽ tính vào giá thành và bán cho người tiêu dùng trả góp không lãi suất. Doanh nghiệp bất động sản sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm với ngân hàng về điều này. Có như vậy sẽ tạo điều kiện tốt hơn và tâm lý an tâm thoải mái cho người mua nhà.

Đối với nhà ở thương mại có diện tích nhỏ và giá thấp, nên thông thoáng hơn trong các thủ tục hành chính khi mua nhà như việc xác minh về hộ khẩu, chứng minh thu nhập... Bên cạnh đó, những đơn vị có chức năng kinh doanh bất động sản tham gia dự án theo hình thức hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác đầu tư cũng nên được đưa vào nhóm đối tượng hưởng gói 30.000 tỷ đồng.

Phương Dung

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *