Bất động sản 20/04/2015 17:01

Đường tàu điện ngầm uốn lượn: Cần xem lại khoảng cách giữa các ga

FICA - Theo chuyên gia giao thông, khoảng cách giữa hai ga tàu điện trên thế giới trung bình trên 1km. Việc tuyến đường sắt đô thị số 2 Hà Nội dự tính đặt ga C6 và C7 quá gần nhau (736m) cần phải xem xét lại để đảm bảo hiệu quả khai thác sau này.

Vị trí trên đường Thụy Khuê dự kiến sẽ xây dựng ga ngầm C6.

Vị trí trên đường Thụy Khuê dự kiến sẽ xây dựng ga ngầm C6.

 

Ngay sau cuộc đối thoại tại trụ sở Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội cuối tuần qua, TS. Wessels (người Đức) đã bay về Hồng Kông để tiếp tục tham gia các dự án giao thông liên quan đến tàu điện ngầm.

 

TS. Wessels khẳng định việc quy hoạch ga C6 và C7 trong Dự án xây dựng tuyến tàu điệm số 2 Hà Nội cần phải xem lại vì có khoảng cách quá gần nhau (736 m), trong khi giữa ga C5 và C6 lại có khoảng cách gần gấp đôi (1.344 m). Ông Wessels cho rằng việc di dời ga C6 trở lại đường Hoàng Hoa Thám vừa giúp tuyến tàu điện được chạy theo một đường thẳng trên đường Hoàng Hoa Thám, vừa điều chỉnh lại khoảng cách giữa 3 ga C5 - C6 - C7 đảm bảo là 1.040 m, khoảng cách hợp lý của các tuyến tàu điện trên thế giới.

 

Vị trí trên đường Thụy Khuê dự kiến sẽ xây dựng ga ngầm C6.

TS. Wessels cho rằng nếu đưa ga C6 về đường Hoàng Hoa Thám thì khoảng cách giữa 3 ga C5-C6-C7 sẽ cân đối là 1.040m.

 

Hơn nữa, theo TS. Wessels, việc thiết kế tàu điệm ngầm chạy từ ga C5 trên đường Hoàng Hoa Thám rồi vòng xuống ga C6 trên đường Thụy Khuê (khoảng cách 1.344m), sau lại “cua” trở lại đường Hoàng Hoa Thám để tới ga C7 (khoảng cách 736m) sẽ khó đảm bảo hiệu quả kinh tế.

 

Tại trang 31 Báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án, dự báo sau khi đi vào hoạt động vào năm 2020 tuyến tàu điện số 2 này sẽ đạt được số lượng hành khách là 53.000/ngày/km. Như vậy lượng hành khách dự báo một ngày/km khá giống với con số dự báo năm 2013 của tuyến Tsuen Wan - một tuyến tàu điện ngầm đông khách nhất ở Hồng Kông dài 16 km với 59.500 hành khách với 16 ga. Tuy nhiên tuyến tàu điện Tsuen Wan này nằm trong hệ thống 10 tuyến ở Hồng Kông và được đưa vào hoạt động từ năm 1982, tức là đã được khai thác 33 năm trước mới đạt được lượng khách đó. Việc dự báo tuyến tàu điện ngầm số 2 Hà Nội (dài 11km và chỉ có 10 ga) vừa đi vào khai thác đã có ngay 53.000 khách/ngày cần phải xem lại.

 

Trao đổi với PV Dân trí, một chuyên gia giao thông đô thị ở Hà Nội (đề nghị không nêu tên) cũng cho rằng đa số các nước xây dựng khoảng cách giữa hai ga tàu điệm ngầm trên 1km. Việc ga C6 và C7 chỉ có khoảng cách chỉ là 736 m sẽ tự gây khó cho nhau trong việc hút khách về sau. Đặc biệt, việc thiết kế tàu điện ngầm chạy uốn lượn giữa 3 ga C5-C6-C7 và đưa ga C6 xuống khu vực đường Thụy Khuê gần với Hồ Tây sẽ buộc chủ đầu tư phải tiêu tốn thêm rất nhiều tiền để xử lý nền đất yếu tại đây để xây dựng ga ngầm đón khách.

 

“Tôi cho rằng phải có thẩm định kỹ lưỡng về kỹ thuật, kinh phí thực hiện tuyến tàu điện số 2 Hà Nội bởi chúng ta đã có quá nhiều bài học trong việc đội vốn rất lớn tại các dự án xây dựng đường sắt đô thị rồi. Đây là dự án vay vốn ODA Nhật Bản nên càng cần thiết phải tính toán chi li để đảm hiệu quả kinh tế của từng đồng Yên Nhật đi vay”- vị này nói.

 

Trong văn bản trả lời người dân, ông Lưu Xuân Hùng - Phó trưởng ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - lại cho rằng nếu đưa ga C6 về đường Hoàng Hoa Thám thì sẽ trái với các quyết định của UBND TP Hà Nội. Ngoài ra việc này còn khiến chủ đầu tư phải xem xét thay đổi cả hướng tuyến từ ga C5 đến C7. “Theo đó tuyến sẽ phải đi ngầm dưới Công viên Bách Thảo, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ… có thể phát sinh các vấn đề tiềm ẩn về ảnh hưởng môi trường sinh thái của khu Bách Thảo, các di tích văn hóa, công trình ngầm bí mật liên quan đến khu vực Văn phòng Chính phủ, an ninh quốc phòng”- văn bản viết.

 

Bên cạnh đó, theo ông Hùng, việc di dời ga C6 về đường Hoàng Hoa Thám sẽ phải thực hiện rất nhiều thủ tục như quy hoạch lại mặt bằng tuyến ngầm, đánh giá tác động môi trường bổ sung, tham vấn cộng đồng…

 

“Để thực hiện một quá trình như vậy sẽ kéo dài thời gian của dự án ít nhất 3 năm mà không chắc nhận được sự đồng thuận cũng như tính khả thi của phương án, làm tăng chi phí, phải thay đổi nhiều quyết định của UBND TP Hà Nội và các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành và phát sinh nhiều hệ lụy liên quan khác”- ông Hùng cho biết.

 

Thế Kha

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *