Các Tổ chức phi chính phủ đồng loạt phản đối xây đập Xayabury

FICA - Các NGOs ủng hộ tuyên bố chính thức của Việt Nam, yêu cầu dứt khoát “hoãn đưa ra quyết định xúc tiến xây dựng các đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong, trong đó có dự án Xayaburi, trong vòng ít nhất 10 năm”.

Hôm qua (31/3), các tổ chức phi chính phủ (NGOs) hàng đầu đã đưa ra một tuyên bố chung phản đối việc tiến hành xây dựng đập thủy điện Xayaburi trên dòng chảy chính của sông Mekong, đồng thời kêu gọi chính phủ Thái Lan hủy bỏ Thỏa thuận Mua bán Điện (PPA) có liên quan đến dự án thủy điện gây tranh cãi này.

Với chữ ký của đại diện 39 tổ chức phi chính phủ và các nhóm xã hội dân sự trong và ngoài nước, bản tuyên bố nói trên được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của Uỷ ban sông Mekong diễn ra vào tuần sau. Hội nghị, với sự tham gia của nguyên thủ bốn nước trong vùng Hạ lưu sông Mekong, sẽ thảo luận và tìm giải pháp cho những thách thức vùng lưu vực sông Mekong.

 

Đập Xayabury được xem là một dự án "thảm họa".

Là dự án đầu tiên trải qua quy trình tham vấn của Ủy ban sông Mekong, dự án đập thuỷ điện Xayaburi đóng vai trò như một liều thuốc thử quan trọng đối với 10 con đập khác đang được đề xuất xây dựng trên nhánh chính của vùng hạ lưu sông Mekong. Theo quy trình, Ủy ban yêu cầu các quốc gia cùng xem xét các dự án để đưa ra kết luận liệu có nên đưa vào thi công hay không.

Bà Ame Trandem, Giám đốc Chương trình khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Sông ngòi Quốc tế cho biết: “Campuchia và Việt Nam chưa bao giờ ủng hộ dự án Xayaburi. Nhưng Lào vẫn quyết định xây dựng con đập này mà không cân nhắc ý kiến của các nước láng giềng.”

Theo đó, “Dự án Xayaburi, nếu được thực hiện, sẽ làm tiếng nói của Ủy ban sông Mekong mất trọng lượng, đồng thời gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và độ màu mỡ của sông Mekong và vùng đồng bằng châu thổ, đe dọa an ninh lương thực của hàng triệu người dân. Hội nghị thượng đỉnh sông Mekong sẽ là thời điểm then chốt để Cam-pu-chia và Việt Nam thể hiện quan điểm và những mối quan ngại trước khi quá muộn.”

Theo công ty tư vấn xây dựng Phần Lan Pöyry cho hay, Lào sẽ xây dựng một đập ngăn dòng vào quý I năm 2015 để lái dòng chảy của sông Mekong lệch khỏi khu vực thi công đập thủy điện. Đây là hoạt động can thiệp trực tiếp đầu tiên vào khu vực lòng sông trong mùa khô và sẽ là sự kiện đánh dấu những ảnh hưởng tiêu cực không thể cứu vãn tới môi trường.

Thái Lan chính là đối tác tiêu thụ điện năng lớn nhất từ dự án Xayaburi trị giá 3,8 tỉ USD. Bất chấp những tác hại về môi trường và xã hội, và cả những hệ lụy tài chính khôn lường, 6 ngân hàng của nước này vẫn cấp ngân sách cho quá trình xây dựng.



“Vẫn còn một năm nữa để các quốc gia ngăn chặn dự án “thảm họa” này trước khi nó vĩnh viễn tàn phá con sông Mekong.” – ông Marc Goichot, người quản lý chương trình Thủy điện Bền vững của WWF-Greater Mekong cho biết. “Thái Lan cần phải hành động có trách nhiệm và hoãn lại thỏa thuận mua bán điện với Lào cho đến khi các quốc gia đạt được thoả thuận chung về các con đập trên dòng chính sông Mekong. Và nếu các ngân hàng của Thái Lan cân nhắc mọi rủi ro, coi trọng uy tín của họ trên trường quốc tế và xem xét lại các lợi ích tài chính, tôi tin rằng họ sẽ rút ra khỏi dự án này.”

Trong tuyên bố chung, các tổ chức tham gia ký tên nhìn nhận dự án thủy điện Xayaburi là một trong những con đập tiềm tàng những tác hại lớn nhất trên thế giới, và là mối đe dọa lớn nhất từ trước đến nay tới an ninh lương thực, phát triển bền vững và sự hợp tác trong khu vực Hạ lưu sông Mekong. Hơn nữa, bản đánh giá tác động môi trường của dự án này cũng không đáp ứng bất kỳ một tiêu chuẩn nào được quốc tế công nhận.

Khi xem xét dự án đập Xayaburi, các chuyên gia đã chỉ ra sự thiếu hụt nghiêm trọng về số liệu và yếu điểm trong thiết kế đường di cư cho các loài cá, đồng thời khẳng định Xayaburi sẽ chặn dòng chảy trầm tích, hủy hoại hệ sinh thái của con sông. Điều này sẽ gây thiệt hại lớn cho nông nghiệp, ngành đánh bắt thủy sản và các ngành kinh tế phụ thuộc vào con sông.

Bà Trandem nhận định: “Trong khi chờ đợi các kết quả nghiên cứu về tác động môi trường đang được tiến hành, thì việc xây dựng những con đập trên dòng chảy chính của sông Mekong là thiếu khoa học. Tuy vậy, Lào vẫn đang trông chờ những người hàng xóm của mình tin tưởng một cách thiếu cơ sở rằng những nguy cơ đi liền với con đập Xayaburi sẽ tự nhiên được hóa giải trong khi dự án này được thi công. Cách làm chủ quan này đã một mặt phủ định nhận định mà các nghiên cứu đưa ra, mặt khác, đi ngược lại những thông lệ quốc tế.”

Là một trong những dòng chảy lớn hiếm hoi chưa bị biến đổi trên thế giới, khu vực hạ lưu sông Mekong là nguồn thủy sản phong phú phục vụ gần 60 triệu cư dân. Các loài cá này muốn di cư về thượng nguồn để sinh sản đều sẽ phải bơi qua các đường đi thiết kế sẵn trên con đập.

Ông Goichot tiếp tục được dẫn lời: “Không hề có bất kỳ một giải pháp nào dựa trên công nghệ, được quốc tế công nhận, có thể giảm nhẹ tác hại của đập Xayaburi tới sự di cư của các loài cá cũng như vấn đề về dòng chảy trầm tích. Với những giải pháp đầy khiếm khuyết như vậy, tương lai của sông Mekong cùng với sinh kế của hàng triệu cư dân quanh lưu vực của nó sẽ phải hứng chịu hậu quả hết sức nặng nề.”



Các NGOs ủng hộ tuyên bố chính thức của Việt Nam trong Quy trình Tham vấn của Ủy ban sông Mekong vào ngày 15/4/2011, trong đó Việt Nam yêu cầu dứt khoát “hoãn đưa ra quyết định xúc tiến xây dựng các đập thủy điện trên dòng chảy chính của sông Mekong, trong đó có dự án Xayaburi, trong vòng ít nhất 10 năm”. Đây cũng là đề xuất từ Đánh giá Tác động Môi trường do Ủy ban sông Mekong thực hiện năm 2010 về các đập thủy điện trên nhánh chính của con sông này.

Bích Diệp 

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *