Bất động sản 27/03/2014 07:16

TPHCM phát triển về phía biển

FICA - Theo định hướng của UBND TPHCM, hai hướng chính để phát triển không gian thành phố đều là tiến về phía biển. Nhiều công trình, dự án quy mô lớn theo định hướng này đang được thành phố tiến hành cấp tập.

Khu trung tâm quá chật hẹp và dồn nén, TPHCM muốn mở rộng về cả 4 hướng, đặc biệt ưu tiên hướng về phía biển.



Phát triển tập trung - đa cực

UBND TPHCM vừa ban hành Quy định quản lý quy hoạch chung đô thị theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025 đã được Thủ tướngChính phủ phê duyệt từ năm 2010. Đến nay, TPHCM ban hành quy định quản lý quy hoạch chung đô thị làm cơ sở cho các đơn vị quản lý lập quy hoạch chi tiết, xét duyệt các dự án đầu tư xây dựng…

Theo quy định này, UBND TP xác định mô hình phát triển thành phố là tập trung - đa cực. Thành phố lấy trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển về 4 hướng. Cụ thể, trong 4 hướng phát triển có 2 hướng chính là hướng Đông và hướng Nam, 2 hướng phụ là hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây – Nam.

Khu vực trung tâm tổng hợp chính của thành phố theo quy hoạch sẽ là khu trung tâm hiện hữu (trên địa bàn quận 1, quận 3 và một phần quận 4, Bình Thạnh có quy mô 930 ha) và mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, có diện tích 737 ha).

Tuy nhiên, phần trung tâm tổng hợp mở rộng sang khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ bổ sung các chức năng du lịch, dịch vụ đa ngành cho trung tâm hiện hữu không còn khả năng phát triển. Còn vị trí trung tâm hành chính tại khu vực quận 1 vẫn giữ nguyên, các cơ quan hành chính cấp thành phố đều đóng trên địa bàn quận 1 như xưa nay.

Trên 4 hướng phát triển sẽ có 4 cực là các trung tâm cấp thành phố. Theo hướng Đông, trung tâm sẽ có diện tích khoảng 280 ha, đặt tại phường Long Trường (quận 9), khu vực giáp với trục cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Theo hướng Nam, trung tâm có diện tích khoảng 110 ha, thuộc khu A của đô thị mới Nam Thành phố. Theo hướng Bắc, trung tâm có diện tích khoảng 500 ha, thuộc khu đô thị mới Tây - Bắc. Về hướng Tây, trung tâm có diện tích khoảng 200 ha, thuộc xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh), khu vực giáp quốc lộ 1. Ngoài ra còn có 2 trung tâm khu vực đặt tại huyện Hóc Môn có diện tích khoảng 50 ha (phía Bắc) và tại huyện Nhà Bè có diện tích khoảng 50 ha (phía Nam).

Hướng về phía biển

Trong 4 hướng phát triển của TPHCM thì cả 2 hướng chính là Đông và Nam đều hướng về phía biển. Đây là khu vực còn nhiều diện tích đất trống và có tiềm năng giao thông thủy, phát triển cảng rất lớn. Tuy nhiên, trên 2 hướng phát triển này, thành phố vẫn xác định các vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái như khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Về phía Đông, thành phố xác định tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và Xa lộ Hà Nội sẽ là hành lang phát triển chính. Trên các tuyến hàng lang này sẽ phát triển các khu đô thị mới có mật độ xây dựng cao, đồng bộ về hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị.

Về phía Nam, tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ sẽ là hành lang phát triển chính. Khu vực này có điều kiện địa chất thủy văn đặc biệt, nhiều sông rạch, có khả năng phát triển về quỹ đất đô thị và điều kiện phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị. Thành phố yêu cầu trong quá trình phát triển khu vực này cần tuân thủ quy định bảo vệ sông rạch, phát huy thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của thành phố.

Trong mấy năm gần đây, TPHCM cũng đã cấp tập triển khai nhiều dự án để phát triển theo định hướng này như mở rộng đường Rừng Sác (Cần Giờ), phát triển Phú Mỹ Hưng (quận 7), triển khai khu đô thị cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), nạo vét luồng sông Soài Rạp để có khả năng đón tàu biển tải trọng 50.000 tấn…

Mới đây, UBND TP tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ nạo vét luồng Soài Rạp để có thể đón tàu biển lớn vào giữa tháng 4/2014. Theo UBND TP, dự án này sớm đưa vào sử dụng sẽ tác động rất lớn đến khối lượng hàng xuất nhập khẩu qua cụm cảng TP, tăng thu ngân sách. Đồng thời, khi luồng Soài Rạp thông quan, tàu lớn có thể vào lấy hàng tại cảng Hiệp Phước, sẽ giúp khu vực này phát triển nhanh hơn.

Tùng Nguyên

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *