Bất động sản 09/05/2015 10:04

Dự án hạ tầng hàng không: Doanh nghiệp hồ hởi, nhà nước e dè

Trong những tháng gần đây, câu chuyện thu hút vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng hàng không đang trở thành một hiện tượng truyền thông. Nhưng để chủ trương này thành công, còn rất nhiều việc phải làm.

Việc nhượng quyền khai thác sân bay mới chỉ dừng ở chủ trương


Rất kín tiếng nên gần như cho đến giờ phút cuối cùng, khi ngày khởi công dự án sân bay Vân Đồnđược "chốt", dư luận mới biết rằng Sun Group, chứ không phải tổ hợp 3 nhà đầu tư Hàn Quốc là Joinus, Posco E&C và Tổng công ty Cảng hàng không Hàn Quốc (KAC) tham gia đầu tư vào dự án này như đã từng được báo chí nhắc đến trước đó. 

Dù kế hoạch khởi công cuối cùng đã bị lùi lại, khả năng là phải tới tháng 5/2015, song việc Sun Group đeo đuổi dự án này đã khiến xu hướng xã hội hóa để thu hút vốn tư nhân vào các dự án hạ tầng hàng không đạt tới... “nhiệt độ sôi”.

Doanh nghiệp hồ hởi

Thực tế là, ngay sau khi Bộ Giao thông - Vận tải công bố kế hoạch xã hội hóa hạ tầng hàng không, với mục tiêu trong vòng 5 năm tới thu hút khoảng 110.000 tỷ đồng từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước, “cuộc đua” đã nóng lên với việc Vietnam Airlines và VietJet Air đề xuất mua lại nhà ga T1 Sân bay Nội Bài. Tiếp đó, là Công ty T&T đề xuất xin mua lại Sân bay Phú Quốc. Trong khi đó, Jetstar Pacific lại nhắm đến Sân bay Đà Nẵng, còn Tập đoàn Rạng Đông là Sân bay Phan Thiết...

Tham vọng được nhìn thấy rất rõ từ các doanh nghiệp này. Ví như, Sun Group muốn đầu tư sân bay Vân Đồn tạo thêm ưu thế cho dự án khu nghỉ dưỡng phức hợp có casino nhằm tạo thành một quần thể dự án động lực cho sự phát triển của Vân Đồn, cũng như của bản thân các dự án này. Dự án casino không thể hút khách nếu không có sân bay, và ngược lại, nếu thiếu sự hỗ trợ từ dự án casino, chưa chắc đã có nhiều du khách tìm đến Vân Đồn bằng đường hàng không...

Trong khi đó, VietJet Air đương nhiên muốn được giao quyền khai thác nhà ga T1, Nội Bài cùng với Vietnam Airlines. Bởi thực tế thời gian qua, VietJet - dù sau 3 năm cất cánh đã sở hữu 23 máy bay và 150 chuyến bay hàng ngày, nhưng vẫn phải sử dụng nhiều dịch vụ của Vietnam Airlines như: xăng dầu, mặt đất, suất ăn, dịch vụ kỹ thuật...

Thậm chí, theo ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc VietJet Air, hãng đã nhiều lần nộp đơn xin chuyển về nhà ga T1 thay vì sảnh E như hiện nay để được phục vụ hành khách tốt hơn mà không được. Vì thế, hãng hàng không này “thiết tha” được nhượng quyền khai thác nhà ga T1. 
Dù mỗi doanh nghiệp có một tham vọng riêng, nhưng việc được chủ động trong hoạt động kinh doanh, được có cơ hội đầu tư xây dựng các dự án quy mô lớn mà trước đây thuộc độc quyền nhà nước cũng đã khiến các doanh nghiệp tư nhân hào hứng với kế hoạch xã hội hóa việc đầu tư, kinh doanh hạ tầng hàng không.

Nhà nước e dè

Khẳng định việc xã hội hóa việc đầu tư, khai thác cảng hàng không là cần thiết, song ông Phạm  Quý Tiêu, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã không quên nhấn mạnh rằng, việc nhượng quyền khai thác sân bay mới chỉ dừng ở chủ trương, cần phải có sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, và trước tiên (như ở Sân bay Phú Quốc) mới chỉ thực hiện thí điểm cho doanh nghiệp nội địa, chứ chưa áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài. 

Nghĩa là, dù ủng hộ và cho rằng đó là xu hướng tất yếu, song Nhà nước vẫn khá e dè, hay nói đúng hơn là thận trọng trong việc xã hội hóa việc xây dựng, quản lý hạ tầng hàng không. Nguyên nhân được ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam lý giải là do đặc thù của kết cấu hạ tầng hàng không là liên quan đến an ninh, quốc phòng, bảo vệ vùng trời. “Chúng ta xã hội hóa, thu hút tư nhân vào đầu tư, quản lý nhưng không được ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng”, ông Thanh nói.

Hiện, theo ông Lại Xuân Thanh, có hai phương án nhượng quyền được tính tới, đó là có thể ký các hợp đồng BOT, BOO để nhà đầu tư xây dựng, sửa chữa, vận hành sân bay; hoặc có thể cổ phần hóa doanh nghiệp đang quản lý, khai thác sân bay đó để các nhà đầu tư khác cũng được tham gia. Tuy nhiên, dù là thực hiện theo phương án nào, thì vẫn phải đảm bảo công khai, minh bạch, giám sát chặt chẽ và chống lạm dụng vị thế độc quyền, mặc dù trên thực tế luôn có một sự độc quyền đương nhiên đối với việc vận hành, khai thác sân bay.

Trước đó, việc định giá các nhà ga dự kiến được nhượng quyền khai thác sẽ được Bộ Tài chính chủ trì. Và nếu có nhiều nhà đầu tư cùng đăng ký tham gia, sẽ tiến hành đấu thầu một cách công khai, minh bạch.

Và góc nhìn chuyên gia

 

 

Theo Bộ Giao thông - Vận tải, trong 5 năm tới cần thu hút khoảng 110.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho các dự án hạ tầng hàng không

“Cơ sở hạ tầng yếu kém là một cản trở lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian dài. Các doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng một vai trò rất lớn trong xây dựng cơ sở hạ tầng thời gian tới. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn cho tư nhân Việt Nam”, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế nói.

Cơ hội là khá rõ ràng, vì doanh nghiệp tư nhân được tham gia đầu tư, quản lý các dự án lớn. Nhưng thách thức là đầu tư thì lớn, lên tới 7.500 tỷ đồng như sân bay Vân Đồn, song thu lại thì nhỏ giọt, đòi hỏi nhà đầu tư phải thực sự có tiềm lực tài chính vững mạnh.

Ông Doanh và nhiều chuyên gia kinh tế khác cùng chia sẻ quan điểm, điều quan trọng là phải tạo khung pháp lý hoàn chỉnh để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích chung của quốc gia. 

“Dù là tư nhân đầu tư thì Nhà nước vẫn phải nắm quyền tối thượng, vì lợi ích chung của đất nước. Nếu nhà đầu tư làm cho hành khách đến mà có cảm nhận xấu về hình ảnh đất nước là không được. Tất nhiên, họ kinh doanh họ có trách nhiệm, nhưng về mặt quốc gia vẫn phải đưa ra những điều kiện để bảo đảm cho Nhà nước luôn có quyền tối thượng”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam bình luận.

Theo Hoàng Phương

Doanh nhân

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *