Tiêu Dùng 22/04/2014 16:41

Hàng xách tay tràn ra cả vỉa hè

Nguồn gốc không rõ ràng, giá cả mỗi nơi một khác khiến người tiêu dùng như lạc vào ma trận hàng xách tay.

Trên thị trường, các loại hàng xách tay vẫn có mặt ở khắp mọi nơi, trái ngược với nhận định cho rằng loại hàng này đang khan hiếm vì nguồn cung từ nhiều mối bị “đứt đoạn”.

Hàng xách tay tràn ra vỉa hè

Nếu như trước đây, hàng xách tay chỉ được bán trong siêu thị, shop hay trên mạng thì hiện tại, loại hàng này đã có mặt trên các vỉa hè.

Chiều nào trên vỉa hè đường Tố Hữu (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng có 2 sạp hàng xách tay giá rẻ. Một nơi quảng cáo “Bán buôn, bán lẻ đồ dùng Vietnam Airlines”, một nơi giới thiệu “Đồ dùng hàng không và hàng xách tay không thuế, chất lượng cao, giá rẻ”.

Đúng như lời mời chào, các sản phẩm tại đây có mức giá khá hấp dẫn người tiêu dùng: chăn Vietnam Airlines 120.000 đồng/chiếc; giấy ăn 63.000 đồng/kg; chăn văn phòng 70.000 đồng/chiếc; chăn Hàn Quốc 75.000 đồng/chiếc... Ngoài ra, còn có ví da, nước xịt phòng, nước rửa tay, dầu ô liu, dép đi trong nhà và mỹ phẩm cao cấp các nước với giá chỉ từ 10.000 đồng/sản phẩm.


 
Người bán hàng cho biết, hàng xách tay loại nào cũng có.


Chị Vũ Thanh Hòa - chủ sạp hàng xách tay tại ngã tư Tố Hữu - Lương Thế Vinh cho biết: “Mặt hàng tiêu dùng nào chúng tôi cũng có, đều là hàng xách tay xịn. Người nhà tôi làm bên hàng không lấy giúp”. Theo người bán hàng này, họ còn rất nhiều hàng không bày ra vỉa hè vì sợ chiếm nhiều diện tích, mất mỹ quan, lại bị lực lượng chức năng “sờ gáy”, nhưng khách chỉ cần nói tên là chờ vài phút sẽ có hàng ngay.

Thông thường, hàng xách tay được cho là số lượng có hạn, bởi vì những sản phẩm này không được nhập khẩu ồ ạt nên chỉ có thể “về nước” một cách nhỏ giọt. Tuy nhiên, loại hàng này tràn ra vỉa hè khiến người ta không khỏi nghi ngờ về nguồn cung và nguồn gốc.

Tại các siêu thị, các shop, hàng xách tay vẫn nghiễm nhiên đứng ở vị trí dễ nhìn trên quầy kệ. Tại hệ thống cửa hàng mẹ và bé B, sữa xách tay Nan, Simalac Advance, Similac Go&Grow, Enfagrow, Enfamil, Aptamil… đều không có nhãn phụ tiếng Việt. Ngoài ra còn có nhiều loại thực phẩm ăn dặm bổ sung như: hoa quả nghiền, phô mai, váng sữa, sữa chua, bỉm cũng đều là hàng xách tay, giá cả ổn định trong nhiều tháng nay.

Thắc mắc về việc có thông tin cho rằng hàng xách tay đang khan hiếm, chị Phan Diệp Minh (chủ buôn hàng xách tay) cho biết, tình trạng khan hiếm chỉ xảy ra với một số mặt hàng có xuất xứ từ Nhật Bản như: dấm đen, tảo xanh... có tác dụng làm đẹp. Giá bán các mặt hàng này cũng tăng nhẹ.

Cụ thể, mặt hàng dấm đen giảm mỡ bụng trước đây có giá 400.000 đồng/gói với khách quen, khách lạ 420.000 đồng/gói, giờ phải tăng lên 420.000 đồng/gói cho người quen, còn khách lạ tăng lên 450.000 đồng/gói. “Mặt hàng tảo xanh Nhật Bản trước đây không thiếu nhưng giờ muốn lấy nhiều, cả thùng buộc phải đặt hàng trước cả tháng mới có”, chị Minh tiết lộ.

Nghi ngại chất lượng

Tại Hà Nội, phố Nguyễn Sơn (quận Long Biên) vẫn được biết đến là thế giới của hàng xách tay nhưng theo dân buôn hàng xách tay thì nguồn gốc hàng xách tay ở đây cũng khá mù mờ.

Giới buôn hàng xách tay cho biết, chỉ cần so sánh giá cả là biết hàng xách tay xịn hay hàng nhái. Ví dụ, phấn nền nước Loreal được giới thiệu hàng xuất xứ Anh nhưng có giá rất mềm, chỉ 560.000 đồng/hộp tại shop hàng xách tay trên phố Trần Quốc Toản. Nhưng tại hệ thống siêu thị Parkson, giá bán mặt hàng cùng loại gấp hơn 2 lần, lên tới 1,2 triệu đồng/hộp. Từ những sản phẩm giá trị nhỏ như tất da chân, bông tẩy trang... giá bán nhiều nơi cũng chênh lệch.

Bằng mắt thường, quan sát hàng hóa bán tại sạp trên đường Tố Hữu, rất khó để phân biệt đâu là áo lót phụ nữ xịn xách tay từ Hàn Quốc với áo lót được bán tràn lan trong các cửa hàng “Made in Vietnam” được giới thiệu là hàng xuất khẩu của Việt Nam bị lỗi.

Hay nhiều sản phẩm dầu gội đầu, nước rửa tay y chang hàng bán tại hệ thống cửa hàng hàng tiêu dùng Thái Lan! Thậm chí, có ý kiến cho rằng hàng xách tay xịn bị trộn lẫn cả hàng sản xuất tại cơ sở tư nhân ở làng nghề?

Mới đây, sau vụ “lùm xùm” liên quan đến hàng xách tay của tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, ngành hàng không cho biết đã siết chặt hoạt động này. “Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Hàng không Việt Nam đánh giá toàn bộ quá trình triển khai của Tổng công ty Hàng không Việt Nam về các biện pháp ngăn ngừa và ngăn chặn buôn lậu qua đường hàng không theo chỉ thị số 442/CT-CHK ngày 20/2/2008 của Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam”, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam thông tin.

Bên cạnh đó, các lực lượng quản lý thị trường, hải quan cũng sẽ siết chặt kiểm tra hoạt động buôn lậu qua đường hàng không để ngăn chặn hàng trốn thuế, hàng kém chất lượng gây thiệt hại cho người tiêu dùng.

Theo Gia Bình

VOV

Chuyên mục: Tiêu Dùng

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *