Quốc tế 09/01/2014 11:45

Hơn 71 nghìn tỷ USD “lẩn” trong ngân hàng ngầm toàn cầu

FICA - Ngân hàng ngầm toàn cầu có xu hướng gia tăng và tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính thế giới.

Theo báo cáo vừa công bố của Hội đồng ổn định tài chính (FBS), giá trị tài sản trong ngành công nghiệp ngân hàng ngầm toàn cầu là 71 nghìn tỷ USD tính đến cuối năm 2012, tăng 5 nghìn tỷ USD so với 1 năm trước đó. Ngân hàng ngầm phát triển mạnh ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ cũng như các nước phương Tây.


Cụm từ “ngân hàng ngầm” nhằm chỉ các sản phẩm đầu tư mạo hiểm, cho vay giữa các cá nhân, hoạt động cho vay nặng lãi, cầm đồ ở các thị trường mới nổi hay các hoạt động mang tính chất chính thống hơn như giao dịch phái sinh, quỹ thị trường tiền tệ, cho vay chứng khoán, thỏa thuận mua lại tại các định chế tài chính ở châu Âu hay Mỹ.


Các hoạt động này đều có điểm chung là tạo điều kiện cho các hoạt động cho vay ngoài hệ thống ngân hàng và thường nằm ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan điều tiết và chính sách tiền tệ.


Mặc dù các ngân hàng trên thế giới đã hạn chế các hoạt động tiềm ẩn rủi ro kể từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 nhưng ngân hàng ngầm vẫn không ngừng phát triển. Theo báo cáo của FBS, ngành ngân hàng ngầm có xu hướng gia tăng ở 70% quốc gia mà cơ quan này khảo sát, đặc biệt là ở Trung Quốc.


Hồi tháng 6 năm ngoái, việc chính phủ Trung Quốc nỗ lực ngăn chặn bùng nổ giao dịch các sản phẩm quản lý tài sản đã gây ra cuộc khủng hoảng tiền mặt tồi tệ trong ít nhất 1 thập kỷ ở nước này. Mới đây, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thực thi chính sách khuyến khích thành lập ngân hàng tư nhân.

Trong khi đó, người gửi tiền ở Trung Quốc vẫn tìm cách “lách luật” khiến hoạt động ngân hàng ngầm vẫn không ngừng tăng. Cuối tháng 12 vừa qua, Trung Quốc tiếp tục rơi vào cuộc khủng hoảng tiền mặt trong hệ thống ngân hàng khiến lãi suất cho vay liên ngân hàng lên kỷ lục 8,8%. Chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các ngân hàng không sử dụng trung gian để cho vay vượt trần, đồng thời buộc các ngân hàng đưa hoạt động quản lý tài sản thành 1 đơn vị riêng.


Sự bành trướng của ngân hàng ngầm gây trở ngại cho các nước như Trung Quốc, Ấn Độ trong việc kiểm soát nền kinh tế thông qua điều chỉnh lãi suất hay cung tiền. Tại Ấn Độ, lạm phát vẫn trên 8% mặc dù ngân hàng trung ương đã 13 lần nâng lãi suất trong vòng 2 năm trở lại đây. Trong khi đó ở Trung Quốc, lãi suất tiền gửi tiết kiệm là 3% thấp hơn tỷ lệ lạm phát. Quy mô ngành ngân hàng ngầm ở Trung Quốc ước tính khoảng 6 nghìn tỷ USD tương đương 69% GDP.


Ngân hàng ngầm bành trướng cũng tiềm ẩn rủi ro bất ổn xã hội bởi khi chính phủ không thể tung ra gói cứu trợ trong trường hợp 1 ngân hàng sụp đổ do nợ xấu.

Phương Linh
Theo Bloomberg

Chuyên mục: Quốc tế

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *