Bất động sản 13/01/2015 08:17

Còn nhiều “quả đắng” bất động sản như vụ bà Châu Thị Thu Nga

Không riêng gì B5 Cầu Diễn, những bê bối ở dự án 83 Ngọc Hồi, Sky garden, 409 Lĩnh Nam… đang khiến nhiều người giật mình về những hậu quả thời bất động sản còn sốt nóng để lại.

Mới đây, sự việc bà Châu Thị Thu Nga - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) Châu Thị Thu Nga bị Cục Cảnh sát kinh tế (C46) Bộ Công an bắt tạm giam vừa qua có thể coi là cú sốc trên thị trường bất động sản. Bà Nga được biết đến với vai trò Phó Trưởng ban điều hành mạng Các sàn giao dịch BĐS Việt Nam khu vực miền Bắc (Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS) và là đại biểu Quốc hội. Thông tin bà Nga vướng vào lao lý khiến nhiều người không khỏi giật mình về những bê bối bất động sản trong thời gian qua.

Một điều dễ dàng nhận thấy, các bê bối bất động sản liên tiếp xảy ra đều có một điểm chung đó là việc huy động tiền tỉ của khách hàng dưới hình thức góp vốn, sau đó sử dụng khoản tiền lớn đó vào mục đích khác, thay vì đầu tư vào dự án để bàn giao nhà cho khách hàng theo hợp đồng đã ký.

Có thể dễ dàng nhận thấy điều này qua hàng loạt dự án như B5 Cầu Diễn, 83 Ngọc Hồi, 409 Lĩnh Nam hay dự án Sky Garden…

Ở dự án B5 Cầu Diễn, Kết quả của cơ quan quan điều tra cho thấy từ năm 2008 đến nay, dù chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, chưa cấp giấy phép xây dựng, nhưng bà Châu Thị Thu Nga và đồng phạm tự lập mô hình, ký hiệu, vị trí, diện tích các căn hộ rồi sử dụng để bán.


B5 Cầu Diễn cũng chỉ là một "quả đắng" từ thời bất động sản còn sốt nóng
 

Cụ thể, Housing Group đã ký 752 hợp đồng góp vốn và thu 377 tỷ đồng của nhà đầu tư, đến nay không còn khả năng chi trả. Hành vi của bà Châu Thị Thu Nga đã phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo Điều 139 Bộ Luật hình sự. Cùng với dự án B5 Cầu Diễn, Housing Group còn nhiều dự án vẫn đang “bất động” khác là Thượng Đình Plaza, khu nhà ở tái định cư và kinh doanh tại quận Tây Hồ…

Mặc dù được xem gây sốc trên thị trường BĐS, nhưng có thể thấy yếu tố “sốc” chủ yếu đến từ những chức vụ ấn tượng của bà Thu Nga, còn hình thức phạm tội lừa đảo, chiếm dụng vốn hoàn toàn không xa lạ trên thị trường BĐS.

Lâm vào hoàn cảnh tương tự như các khách hàng ở dự án B5 Cầu Diễn, hàng trăm hộ dân đã góp vốn vào chung cư 83 Ngọc Hồi (Hoàng Mai, Hà Nội) do Công ty Bất động sản Ngọc Lan và Công ty Cơ khí Hưng Sơn làm chủ đầu tư dự án, cũng vô cùng khốn khổ.


Hàng trăm người dân kêu cứu vì ném tiền tỉ vào dự án 83 Ngọc Hồi
 

Sau một thời gian mòn mỏi chờ đợi dự án vẫn “đắp chiếu”, ngày 17/5/2014, hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án chung cư 83 Ngọc Hồi, Hoàng Mai đã kéo đến trụ sở Công ty Bất động sản Ngọc Lan và Công ty Cơ khí Hưng Sơn - chủ đầu tư dự án để đòi tiền nhưng không được. Giám đốc Công ty Hưng Sơn, là ông Nguyễn Đình Lượng đã nhiều lần thất hứa với khách hàng về tiến độ dự án và thời điểm bàn giao nhà, dù là bằng những văn bản có dấu đỏ.

Theo tìm hiểu về dự án này, vào cuối 2009, đầu 2010, Công ty Cơ khí Hưng Sơn và Công ty Bất động sản Ngọc Lan bắt đầu tiến hành rao bán căn hộ tại dự án nói trên dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Tuy nhiên, sau khi huy động được một khoản tiền ước tính trên 100 tỷ đồng từ khách hàng, Công ty Hưng Sơn đã “đem con bỏ chợ” khi dự án chỉ xây thô được đến tầng 9 rồi đắp chiếu suốt cả 4 năm qua.

Trước sự phản ứng gay gắt của khách hàng, chủ đầu tư mới thừa nhận, dù xây đến tầng 9 nhưng dự án vẫn chưa có giấy phép xây dựng cũng như chưa có bất kỳ phê duyệt nào về thiết kế, số tầng.

Đáng chú ý, trong khi quy hoạch phân khu này được thành phố chủ trương các tòa chỉ cao tối đa 15 tầng, thì chủ đầu tư đã tự ý rao bán cả những căn hộ tận tầng 27.

Hay như hàng trăm khách hàng mua căn hộ tại dự án Sky Garden (Định Công, Hà Nội) đã té ngửa khi chủ đầu tư bỗng dưng biến mất trong lúc dự án đang thực hiện dở dang, còn tiền của khách hàng thì đã “tiêu vào đâu không rõ”.

Là dự án tổ hợp thương mại, văn phòng, căn hộ, Sky Garden do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư, được khởi động từ cuối 2011. Tuy nhiên, đến giữa năm 2013, dự án ngừng thi công, trong khi khách hàng không thể tiếp cận được chủ đầu tư để tìm hiểu lý do dự án tạm dừng.

Phải đến tháng 3/2014, sau quá nhiều lần trì hoãn, nhân viên công ty mới cho khách hàng biết rằng Giám đốc Hồ Anh Thái đã “mất tích” từ tháng 10/2013.

Hàng trăm khách hàng tại dự án này đã vô cùng phẫn nộ bởi hầu hết trong số họ đều đóng từ 40% giá trị căn hộ cho chủ đầu tư, tương đương với khoảng 800 triệu - 1 tỷ đồng. Còn tính tổng thể, đến thời điểm bỏ trốn, chủ đầu tư đã huy động được khoảng trên 400 tỷ đồng từ khách hàng.

Theo giới nghiên cứu về bất động sản, sở dĩ trên thị trường bất động sản hiện nay bắt đầu vỡ lở khi chủ đầu tư ôm hàng trăm tỷ đồng của khách hàng nhưng không hoàn thành dự án, cũng có một phần lỗi của chính người mua nhà.

Bởi lẽ, vào thời điểm thị trường đang sốt nóng, chỉ cần đăng ký được một suất mua nhà tại các dự án là khách hàng gần như “nhắm mắt đưa tiền” cho chủ đầu tư, bất kể dự án đó đã có giấy phép xây dựng hay hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý. Tới đây sẽ có thêm không ít dự án đắp chiếu, chủ đầu tư thu tiền nhưng không xây dựng sẽ bị khách hàng tố cáo, khiếu kiện ra cơ quan chức năng.

Lê Tú
Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *