Chính sách 26/05/2014 09:46

Người nước ngoài có được kinh doanh bất động sản?

Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) hướng đến việc điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến kinh doanh bất động sản, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh chồng chéo, mâu thuẫn giữa luật với các đạo luật khác có liên quan như: Luật Đất đai, Bộ Luật Dân sự, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chiều ngày 24-5, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Theo Chính phủ, sau hơn 7 năm triển khai thi hành, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Kinh doanh bất động sản 2006 đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới; chưa quy định đủ các chế tài để tạo lập một thị trường bất động sản phát triển đồng bộ và lành mạnh; chưa có quy định để bảo đảm thị trường bất động sản phát triển có kế hoạch; không có quy định để phân biệt rõ đối tượng kinh doanh bất động sản phải đăng ký kinh doanh theo quy định và đối tượng không thuộc diện kinh doanh bất động sản; quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản bắt buộc phải thông qua Sàn giao dịch bất động sản làm phát sinh trung gian...

Để khắc phục những bất cập này, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) gồm 5 Chương, 74 Điều (giảm 1 Chương và 7 Điều so với Luật Kinh doanh bất động sản 2006).

Theo Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng, một số nội dung mới trong Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi gồm: Mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhằm thu hút nguồn lực đầu tư nước ngoài; cho phép các chủ đầu tư kinh doanh bất động sản được cho thuê, cho thuê mua bất động sản các dự án hình thành trong tương lai thay vì chỉ được cho thuê các dự án bất động sản đã có sẵn.

Đặc biệt, dự luật bỏ quy định bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản khi bán, cho thuê, cho thuê mua bất động sản phải thông qua sàn giao dịch bất động sản nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập, cũng như các tác động tiêu cực của tổ chức trung gian này đối với thị trường bất động sản; qua đó giảm thủ tục, giảm chi phí cho các bên tham gia giao dịch bất động sản, cũng như tránh được việc đầu cơ, tăng giá ảo, gây thiệt hại cho người dân, đồng thời bảo đảm được quyền tự chủ trong kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Dự thảo luật cũng quy định chặt chẽ về điều kiện của cá nhân được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản nhằm nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ bất động sản, bảo đảm quyền lợi của các chủ thể tham gia thị trường bất động sản.

Thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành sự cần thiết phải sửa đổi luật nhằm tiếp tục phát triển lành mạnh thị trường bất động sản; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, thực hiện đúng các trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, một vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn là việc mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh bất động sản cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài bởi theo quy định của Luật Đất đai 2013, chỉ có doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mới được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê hoặc được cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư nhà ở để cho thuê. Trong khi đó, theo dự án luật này, được hiểu là tất cả tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện các hoạt động kinh doanh bất động sản.

Theo Nguyễn Hải

Báo Công thương

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *