Chính sách 18/08/2014 07:16

Mưu sinh phố cổ: "Đổ máu" để dành từng mét đất

Ở phố cổ, những vỉa hè, đầu con ngõ được coi như tấc vàng.

Chính vì thế, bất chấp việc kinh doanh có thể vi phạm pháp luật, nhiều người dân vẫn ngang nhiên lấn chiếm, tranh chấp để phân lô, chia phần, thậm chí đổ máu chỉ để dành…vài mét vuông đất.

Dân ngoại đạo không có cửa

 

Phố cổ Hà Nội, bên ngoài những ngôi nhà bé xíu lọt thỏm trong những con ngõ nhỏ sâu hun hút là những cửa hàng mặt tiền với đầy đủ các loại sản phẩm từ hàng hoá bong loáng, sang trọng đến các quán ăn bình dân, các quán nước nhỏ lẻ mà chủ nhân chúng trước đó đã phải đấu tranh, giành giật, thậm chí đổ máu để có.

 

Mưu sinh, phố cổ, dành giật, vỉa hè, hàng nước, thu nhập khủng

Để có được 1m2 đất vỉa hè, chủ nhân chúng đã phải đấu tranh, giành giật kịch liệt

 

Theo ghi nhận của PV, tại nhiều vỉa hè trong những con ngõ phố cổ, có hàng trăm quán nước, hàng ăn mọc lên tua tủa. Họ mở cả ngày, cả đêm nhưng đông đúc nhất là từ 17 giờ đến 22 giờ tối.

 

Theo nhiều người dân đang sống tại đây, vỉa hè được ví như “gà đẻ trứng vàng”, nên ai cũng muốn nhảy vào để xâu xé, giành lấy phần của mình. Và một khi đã dành giật được, nếu không còn nhu cầu sử dụng, họ sẽ bán lại với giá cả tiền triệu.

 

Là người làm thợ cắt tóc ở vìa hè trong con ngõ nhỏ tại phố Hàng Buồm nhiều năm, ông Nguyễn Viết Tuận cho biết, “Không phải ai thích ngồi đâu cũng được, đất ở đây là vô chủ nhưng có chia vùng hết rồi. Vùng nào rộng thì được 2- 3 mét, ít quá thì được 1 mét”.

 

Theo ông Tuân, từ xa xưa, khu vực phố cổ luôn đông đúc khách hơn những nơi khác. Chính vì thế, người bán từ các vùng ngoại thành cũng đổ về đây rất đông. Nhiều người thấy béo bở cũng tranh nhau xí phần, nhưng không có cửa.

 

“Làm cắt tóc ở đây được hơn chục năm, tôi đã chứng kiến rất nhiều vụ xô xát tranh nhau vì đất vỉa hè lắm rồi. Năm ngoái, có bà từ Hà Nam lên ngồi bán trà đá ở đầu ngõ kia, bị người ta đến đập phá, đánh cho chảy cả máu mồn ra ấy”, ông Tuân nói.

 

Rồi ông chia sẻ thêm: “Mới đây có một cô cũng mới bị đánh vì ngang nhiên bán hàng trên đất đã có chủ. Kết quả, cô ta bị họ thuê côn đồ đánh cho thâm tím mặt màu, máu mồm máu mũi chảy ròng. Sợ quá, cô ta đành phải bỏ của chạy lấy người”.

 

Chiếm để…bán lại

 

Dù không hề có một giấy tờ nào chứng minh mình có quyền sở hữu, thế nhưng những mảnh đất tốt trên vỉa hè của các con ngõ phố cổ lại được người dân vô tư kinh doanh và sang nhượng lại bằng miệng với giá từ vài triệu tới cả chục triệu. Đắt đỏ nhất vẫn là những vỉa hè gần trường tiểu học, phố mua sắm hay khu đông khách du lich… bởi nơi đó rất dễ để kiếm tiền.

 

Mưu sinh, phố cổ, dành giật, vỉa hè, hàng nước, thu nhập khủng

Chiếm được chỗ, chỉ cần dăn ba gói thuốc, hộp kẹo hay bình nước là chỗ đất ấy ngang nhiên trở thành hàng quán

 

Với kinh nghiện hơn 7 năm bán bún ở ngõ Phát Lộc, Hàng Buồm, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Thương tiết lộ, chuyện chuyển nhượng chỗ công cộng để bán hàng "ngầm" không phải hiếm. Thậm chí chỉ cần dựa lưng vào tường hoặc đặt ngay một cái bàn nhỏ để đặt mấy bao thuốc, hộp kẹo cũng phải mua chỗ.

“ Ở phố cổ, chỉ cần dựng cái bàn, làm dăm ba gói thuốc, hộp kẹo với ấm trà là đã thành hàng quán để mưu sinh. Chỗ nào đẹp thì phải bỏ nhiều tiền ra mua hơn những chỗ tối, ít người qua lại”, chị Thương chia sẻ.

 

Ngoài việc nộp tiền cho "bảo kê” thì những người buôn bán ở mặt ngõ, vỉa hè khu phố cổ họ còn phải qua nhiều "cửa" khác mới giữ được chỗ bán thân quen của mình.. và việc chuyển nhượng đất ở những con ngõ để buôn bán hàng quán bằng giao dịch miệng cứ thế cũng trở thành một điều quá bình thường.

 

“Ở đây, người ta chiếm chỗ hết rồi. Dù nhà chuyển đi phố khác những chỗ họ chiếm được phải để yên vị. Ai không biết mà chạm vào thì chỉ có nước…đi đời”, chị Thương chia sẻ thêm.

 

Theo Minh Anh - Hạnh Thúy

VEF

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *