Chính sách 29/03/2014 11:33

Gói 50.000 tỷ: "Chúng tôi không có liên kết gì cả"!

FICA - Đó là khẳng định của ông Đỗ Minh Toàn -Tổng Giám đốc ACB khi được hỏi về việc tham gia vào "gói liên kết 50.000 tỷ" mà VNCB vừa công bố. Các nhà quản lý, chuyên gia cũng có nhiều góc nhìn trái chiều về thông tin này.

Gói 50.000 tỷ: Chúng tôi không có liên kết gì cả!
Lễ ký kết hợp đồng hợp tác liên kết 4 nhà cosự tham gia của VNCB hồi tháng 7/2013. Đến nay hiệu quả của chương trình này chưa được công bố
 
 
Té nước theo mưa?
 

Theo thông tin PV Dân trí có được, hôm qua 28/3, đại diện NHNN đã có cuộc họp với một số ngân hàng thương mại nhà nước lớn, cùng với SHB và VNCB để bàn về gói liên kết 4 nhà mà NHNN đã nghiên cứu trong thời gian qua, giao cho BIDV làm đầu mối. Quy mô của gói liên kết này chưa được công bố chính thức, nhưng có thể nói rằng điểm mấu chốt của gói này không phải là giá trị của một gói tín dụng khổng lồ hay lãi suất ưu đãi, mà nằm ở mô hình kiểm soát dòng tiền cho vay, để đảm bảo đồng tiền chảy vào đúng dự án cần vay.

Ngoài ra, liên quan đến "gói 50.000 tỷ" mà VNCB vừa công bố, cần phải làm rõ rằng "gói" này và mô hình liên kết mà NHNN đang triển khai không phải là một.

Trong mô hình liên kếtmà NHNN đang phát triển, VNCB có đăng ký tham gia nhưng mức độ tham gia như thế nào chưa rõ, và vai trò đầu mối thuộc về BIDV chứ không phải VNCB hay bất kỳ ngân hàng nào khác.

Còn trong "gói 50.000 tỷ" mà VNCB công bố, họ sẽ đóng vai trò chủ trì, và "dự kiến" liên kết với hàng loạt ngân hàng như ACB, Sacombank, OceanBank, LienvietPostBank, MB...

Tuy nhiên, đến nay hầu hết các ngân hàng được VNCB nêu tên đều phủ nhận điều này. Mới đây nhất, hôm qua, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng Giám đốc ACB đã khẳng định ngân hàng này không hề có "liên kết" gì với "gói" của VNCB.

Cùng ngày, trao đổi với PV Dân trí, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định: "Bộ Xây dựng không chủ trì, đề xuất hay kiến nghị gì liên quan đến gói này, đó là câu chuyện của thị trường". Thứ trưởng Nam cũng nhận xét, mô hình liên kết 4 nhà là mô hình tốt trong bối cảnh hiện nay, để đảm bảo việc dòng tín dụng sẽ được sử dụng đúng mục đích. Nhận định về con số 50.000 tỷ đồng mà VNCB công bố, Thứ trưởng Nam cho rằng có thể VNCB nóng lòng muốn đón đầu, nên chưa có sự thống nhất với các ngân hàng khác.

Đánh tráo khái niệm

Trao đổi với PV Dân trí ngày 28/3, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng: "Nếu như có sự tham gia của nhiều ngân hàng thì đương nhiên là hoàn toàn có thể cung ứng được (số tiền 50.000 tỷ - NV). Vấn đề không phải là vốn, mà nó có ý nghĩa về mặt thông điệp cho thị trường rằng "ngân hàng đang mở hầu bao để cho vay lĩnh vực bất động sản" và có tác động về mặt động viên.

Tuy nhiên, nói là gói liên kết nhưng trách nhiệm vẫn cụ thể, anh nào cho vay khoản nào thì anh đó chịu trách nhiệm chứ không có cơ chế chịu trách nhiệm tập thể. Vì thế, hiệu quả của gói này liệu có kích thích được tín dụng hay không thì còn phải chờ xem như thế nào, vì các ngân hàng sẽ phải cân nhắc về đối tượng cho vay và có những yêu cầu, điều kiện cho vay".

"Việc các ngân hàng tham gia gói này, về lý thuyết tất nhiên là sẽ có rủi ro làm tăng nợ xấu cho các ngân hàng", TS. Phong cũng cảnh báo thêm.

Về lý thuyết thì có vốn cung ứng và tăng sản phẩm trên thị trường thì giá sản phẩm xuống. Nhưng để mà nói giá nhà giảm 20-30% thì không nói trước, việc giảm hay tăng là câu chuyện thị trường.

Dường như, những thông tin về "gói" nọ, "gói" kia được tung ra một cách chưa đủ cơ sở xác tín và/hoặc không đúng thời điểm đã dẫn đến những hiểu biết hoặc giả định chưa chính xác trên thị trường.

Đơn cử, trong bài phân tích của mình cho các nhà đầu tư, chuyên viên của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đã viết: "Thông tin mới nhất liên quan đến gói tín dụng cho vay bất động sản trị giá 120.000 tỷ đồng đã được công bố chiều nay. Theo đó, hiện đã có BIDV, Agribank, VNBC (Ngân hàng xây dựng) đăng ký cung ứng gói 50.000 tỷ đồng. 70.000 tỷ đồng còn lại là khoản cho vay bình thường phục vụ bất động sản do nguồn vốn của các TCTD cung cấp".

Chuyên viên phân tích của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng viết:"Gói tín dụng 50.000 tỷ, dành cho xây dựng, vật liệu xây dựng, trang thiết bị nội thất và mua, sửa chữa nhà ở trả chậm, đã được chính thức công bố trong buổi họp báo về phát triển thị trường ngành xây dựng chuyên nghiệp. Được biết, gói tín dụng này sẽ thông qua hình thức liên kết 4 nhà. Qua đó, lợi ích cho các bên tham gia có thể kể đến như chủ đầu tư, nhà thầu hay nhà sản xuất sẽ tiếp cận được khoản tín dụng mới khi còn các khoản vay cũ, vốn vay ưu đãi. Nhà thầu cũng sẽ được bảo đảm khả năng thanh toán đúng tiến độ. Đối với Nhà sản xuất có thể giải phóng được hàng tồn kho với số lượng lớn, được thanh toán đúng tiến độ".

Cần nhắc lại rằng, tính ưu việt đến đâu của mô hình liên kết 4 nhà là một vấn đề khác, chương trình liên kết mà NHNN đang đàm phán với các NHTM để triển khai cũng là một gói hoàn toàn khác với cái gọi là "gói 50.000 tỷ" mà VNCB vừa công bố với hình ảnh của một ngân hàng "cầm cái" gói này. Và cho đến lúc này, có thể nhận thấy "gói 50.000 tỷ" chỉ là một con số ảo, hoặc giả có thể là một con số nào đó có thật trong thì tương lai.

Nhóm PV Kinh tế

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *