Chính sách 03/02/2015 18:17

Gói 50.000 tỉ đồng chỉ "dọn sạch" tồn kho bất động sản, nếu…!

FICA - Gói tín dụng 50.000 tỉ đồng sẽ giải quyết sạch tồn kho bất động sản, đánh trúng điểm huyệt của thị trường bất động sản và mở ra cơ hội cho người mua nhà nếu đáp ứng các yếu tố

Cung cấp vốn đúng đối tượng khách hàng, vào dự án có cầu thực sự, mức lãi suất phải chăng và đặc biệt là đưa ra các cơ chế thông thoáng nhất để người bình thường có thể tiếp cận theo kiểu hàng hóa.

 

Các chuyên gia cho rằng, để cứu thị trường bất động sản và giải quyết nhu cầu của người dân mong có nhà, gói 50.000 tỉ đồng phải có cơ chế thực sự cạnh tranh và thông thoáng

 

Ý kiến của một số chuyên gia về thông tin Thứ trưởng Bộ Xây Dựng Nguyễn Trần Nam cho biết Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang đệ trình Chính phủ gói tín dụng 50.000 tỉ đồng dành cho vay mua nhà ở thương mại với mức lãi suất 7% trong vòng 10 năm. Nếu được chấp thuận, thì đây sẽ là gói tín dụng thứ 2 nhằm vực dậy thị trường sau gói 30.000 tỉ đồng đang được triển khai với mức lãi suất 5% trong vòng 15 năm, vốn được giao cho 15 ngân hàng thương mại (NHTM).

 

Theo GS Đặng Hùng Võ, gói 50.000 tỷ đồng rất cần cho thị trường, cho người mua nhà bởi hiện tại nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt gia đình trẻ có nhu cầu thực rất cao. Thời lướt sóng, ăn chênh lệch của giới bất động sản đã hết nên cần đẩy mạnh nhiều gói tín dụng này ra thêm nữa vì có cầu, chúng ta phải cung cấp nguồn cung. Nếu cứ giữ nguyên “thế độc quyền” của gói 30.000 tỷ đồng sẽ khó tạo đột phá.

 

“Đến thời điểm hiện tại, khách hàng vay gói 30.000 tỉ đồng vẫn khó khăn về thủ tục dù đã được nới rộng và gạt bỏ nhiều cơ chế ách tắc. Tuy nhiên, những gia đình trẻ, những người lao động ngoại tỉnh tại các đô thị lớn thực sự có nhu cầu nhà ở thì vẫn rất khó tiếp cận được vốn tín dụng này nên cần có gói mới với hy vọng là nhiều thông thoáng hơn”, ông Võ nhận định.

 

Mặc dù chỉ mới là đề xuất nhưng theo được biết, gói 50.000 tỉ đồng này đã được manh nha từ mấy năm trước đây. Nếu được chấp nhận tung ra thị trường, bất động sản Việt Nam sẽ có khoảng 80.000 tỷ đồng (3 triệu USD). Con số này tương ứng với số vốn đang tồn kho tại các dự án bất động sản bởi theo số liệu của Bộ Xây dựng công bố vào 20/11/2014, tồn kho bất động sản của cả nước hiện là 77.000 tỉ đồng. Nếu thực hiện được thành công cả hai gói, bất động sản tổn kho sẽ được giải quyết sạch, đồng thời tạo lực cho những dự án tương lai có cơ hội được triển khai.

 

Tuy nhiên GS Võ cũng khẳng định, để gói 50.000 tỉ đồng làm tốt chủ chương của nó, mục tiêu ban đầu cần giảm lãi suất cho vay dưới 5%. Mức 7% là cao đối với thu nhập bình quân của Việt Nam. Bên cạnh đó, thời hạn vay ngắn 10 năm sẽ làm khó cho người nghèo tiếp cận. Gói tín dụng lại đẩy mạnh vào nhà ở thương mại, dự án trung và cao cấp với giá cao hơn lại càng kén khách hơn, tính hiệu quả không cao.

 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: “Tôi chưa thấy điểm đột phá tạo xung lực để gói 50.000 tỉ đồng thu hút được người mua nhà đến vay nếu lãi suất cao và thời gian vay ngắn như vậy. Hai yếu tố người mua nhà quan tâm nhất là thời gian vay và lãi suất vay không “cạnh tranh” và nhiều rủi ro cho người dân. Các ngân hàng hiện vẫn ám ảnh với nợ xấu bất động sản, tuy nhiên bất động sản như nhà ở xã hội, căn hộ thương mại từ 500 triệu đến cận 2 tỉ đồng thì không phát sinh nợ xấu, người mua nhà nhắm vào loại căn hộ này nhiều.

 

Ở Mỹ, vay mua nhà là một kênh tín dụng rất lớn của các tổ chức tài chính Mỹ, nằm trong tín dụng vay tiêu dùng. Đa số người dân Mỹ ở nhà trả góp và đại bộ phận ngân hàng trông chờ vào những đối tượng người có nhu cầu thuê nhà, thuê mua nhà thực sự. Đa số người dân Mỹ thuê nhà chứ không mua. Tại Việt Nam những đối tượng có nhu cầu mua nhà, thuê mua nhà thực rất nhiều nhưng tín dụng giành cho họ vừa ít lại vừa khó. Cần loại bỏ điều kiện có hộ khẩu  tại nơi mua bán bất động sản mới được vay bởi rất nhiều người dân thành thị hiện là ngoại tỉnh, họ cần nhà, có thu nhập ổn định sao không được phép tiếp cận.

 

Theo một chuyên gia kinh tế nhận định, nếu các điều khoản và cơ chế cho vay của gói 50.000 tỉ động như vậy, chắc chắn rất khó cho giải ngân, thậm chí nói tiêu cực hơn có thể biết trước được nguồn vốn ấy sẽ nằm “chết bất động” tại các ngân hàng thương mại và cần 2 đến 3 động tác  giải cứu theo kiểu của gói 30.000 tỉ đồng mới “đi vào cuộc sống”.

 

Chưa biết chừng, nếu khó cho người dân tiếp cận, lại dễ cho doanh nghiệp vay, luồng vốn sẽ đi vào các dự án bất động sản mà chủ đầu tư là đối tác “thân quen” với các ngân hàng. Hiện các địa phương còn rất nhiều dự án biệt thự, liền kề cao cấp theo kiểu “xác sống” ven thành thị mà mấy năm qua không bán được.

 

Nếu vốn không được đa số người dân tiếp cận được, nó có thể đến những phân khúc biệt thự, liền kề của 1 số ít người. Dẫu đổ tiền vào những “xác sống” này cũng không vực dậy được nó và thị trường mà trái lại chúng ta lại làm mất đi cơ hội cung cấp cho đúng đối tượng, người dân bình thường, những đối tượng đa số trong xã hội có được nhà ở.

Nguyễn Tuyền

 

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *