Chính sách 23/03/2016 16:54

Gói 30.000 tỷ đồng: "Không nên bao cấp cho những đối tượng không cần bao cấp"

"Chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhưng cần xem lại đối tượng, sức cung của thị trường chứ ta không nên gượng ép nó, coi chừng sử dụng không hiệu quả và không nên bao cấp cho những đối tượng không cần bao cấp" - Đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước vừa cho hay, cơ quan này sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét gia hạn giải ngân tái cấp vốn để các đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở; xây dựng mới, cải tạo sửa chữa lại nhà ở của mình được tiếp tục giải ngân với lãi suất ưu đãi đến hết 30.000 tỷ đồng của toàn bộ chương trình.

Trao đổi về vấn đề này bên lề phiên họp tổ sáng nay (23/3), đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TPHCM) cho rằng, nếu đúng đối tượng cho vay và chưa giải ngân hết thì nên tiếp tục giải ngân gói 30.000 tỷ đồng.

"Đối tượng đã được vay rồi, trong hạn mức được vay rồi, mà chưa giải ngân hết thì nên giải ngân tiếp cho họ. Mức lãi suất vẫn áp dụng như cam kết ban đầu, cắt giữa chừng là không nên. Vì trước đây khi với lãi suất như vậy người dân mới dám mua nhà, nhưng giờ thay đổi giữa chừng thì có khác nào làm khó cho dân? Bất ngờ bắt người ta phải trả theo lãi suất thị trường là không được" - vị đại biểu trăn trở.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch
Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch

Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhận định, ngay từ đầu, gói 30.000 tỷ đồng đã có vấn đề. Theo đó, phải xác định được mục đích, nguồn vốn này sẽ được hỗ trợ cho đối tượng nào.

"Chúng ta không thể hỗ trợ cho thành phần thu nhập thấp được, vì thu nhập thấp không thể mua nhà. Quan điểm tôi là Nhà nước lo làm sao cho mọi người có chỗ ở, bằng cách cho thuê giá rẻ, chứ không phải là ai cũng có được sở hữu nhà. Giờ thu nhập không ổn định thì làm sao ngân hàng cho vay mà hỗ trợ, đó là không thể" - ông Lịch nêu quan điểm.

Thứ hai là thị trường nhà ở cho thu nhập thấp là không nhiều.

Thứ ba là phương thức cho phép dùng chính nhà ở để thế chấp vay ngân hàng, theo ông lịch, không ít các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã dùng dự án để thế chấp ngân hàng rồi thì người dân không còn có thể dùng tiếp tài sản này để thế chấp vay. Vướng phần lớn là ở khâu này.

"Nhà kinh doanh địa ốc họ đã mang dự án đi thế chấp rồi, giờ người đi mua lại mang đi thế chấp, theo nguyên tắc không thể thế chấp 2 lần. Những vướng đó ngay từ đầu tôi cho rằng không ổn rồi và cần phải điều chỉnh từ đầu" - ông Lịch phân tích.

Bất cập theo ông Lịch là ở chỗ, với những người dân thực sự có nhu cầu nhà ở nhưng thu nhập không ổn định "lương một ngày được mấy trăm ngàn thì ai dám cho vay để mua nhà".

Theo ông, điều Nhà nước cần hướng đến là xây nhà xã hội để cho đối tượng người có thu nhập thấp thuê, khi người đó cải thiện thu nhập, đạt cao hơn thì cho người khác thuê. Trên thực tế, có nhiều quốc gia (như Mỹ) không khuyến khích người dân sở hữu nhà ở.

"Chính sách nhà ở xã hội là cần thiết nhưng cần xem lại đối tượng, sức cung của thị trường chứ ta không nên gượng ép nó, coi chừng sử dụng không hiệu quả và không nên bao cấp cho những đối tượng không cần bao cấp" - đại biểu Quốc hội TPHCM nêu quan điểm.

Bích Diệp

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *