Chính sách 01/02/2014 17:21

Bộ trưởng Xây dựng nói quyết tâm cải thiện nhà ở cho dân

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Cải thiện nhà ở cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng trong năm 2014.

PV: Nhìn lại năm 2013, xin Bộ trưởng cho biết khái quát những thành tựu nổi bật mà ngành Xây dựng đã đạt được. Bộ trưởng thấy tâm đắc nhất ở điểm nào?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Cũng như các lĩnh vực khác, năm vừa qua, ngành xây dựng tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn chung của nền kinh tế. Song Bộ đã xác định hướng đi rất rõ ràng và có thành tựu nổi bật trong việc tập trung cho công tác xây dựng thể chế, chính sách.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng

Lần đầu tiên trong một năm mà Bộ làm tới 3 luật, đổi mới rất căn bản hệ thống chính sách liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý phát triển đô thị và nhà ở. Cụ thể là Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Cả 3 luật này dự kiến trình Quốc hội để ban hành trong năm 2014.

Cùng với đó, ngành Xây dựng đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng (Nghị định 15 về quản lý chất lượng công trình xây dựng), phát triển đô thị (Nghị định 11 về quản lý đầu tư phát triển đô thị) và phát triển nhà và thị trường bất động sản (Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội)... Các văn bản vừa nêu đều có nhiều quan điểm đổi mới mang tính đột phá để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước cũng như lợi ích của người dân, đặc biệt là đã kịp thời đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống.

Mặc dù vẫn chưa cảm thấy hài lòng trọn vẹn với các kết quả công việc đã thực hiện trong năm 2013, nhưng có lẽ điểm có thể hài lòng được đối với bản thân tôi là những nỗ lực cùng với lãnh đạo, cán bộ công chức của Bộ Xây dựng không mệt mỏi, quyết liệt trong từng quyết định để sớm cho ra đời những chính sách phục vụ hiệu quả cho người dân, chặn được thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng để tiết kiệm ngân sách cho nhà nước.

PV: Bộ trưởng vừa nhắc đến “nhiều quan điểm đổi mới mang tính đột phá” trong các văn bản nêu trên. Xin Bộ trưởng nói cụ thể về một số đột phá đó?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Cho đến nay, hiệu quả đầu tư và chất lượng các công trình xây dựng của chúng ta chưa cao, cần phải khắc phục ngay. Do đó, Nghị định số 15/2013 đã giúp tăng cường quyền và trách nhiệm của các cơ quan, công chức quản lý nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát quá trình đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, vấn đề tiền kiểm được đặt ra đối với thiết kế kỹ thuật và cả dự toán các công trình đầu tư bằng vốn nhà nước. Thay vì trước đây phần việc này thường chỉ giao cho chủ đầu tư thực hiện thì nay sẽ do cơ quan quản lý nhà nước đảm nhiệm. Tiền của nhà nước phải được kiểm soát ngay từ những khâu đầu tiên của toàn bộ quá trình đầu tư xây dựng. Các quan chức, công chức phải đứng ra gánh trách nhiệm đó chứ không thể giao cho chủ đầu tư, dễ dẫn đến thông đồng giữa nhà thầu, nhà tư vấn với nhau gây thất thoát.

Nhiều chính sách phát huy tác dụng đã góp phần giảm sai sót trong xây dựng

Bởi vậy, không những chất lượng công trình được kiểm soát để bảo đảm an toàn mà còn giúp bịt lỗ hổng gây thất thoát vốn nhà nước.

Tác động trực tiếp của Nghị định số 15/2013 có hiệu lực từ tháng 4/2013 đến nay, Theo cáo cáo của 136/252 Sở Xây dựng và các Sở quản lý công trình chuyên ngành, năm 2013 các Sở đã thực hiện thẩm tra tổng cộng 3.882 hồ sơ thiết kế công trình theo quy định tại Nghị định 15 (chiếm khoảng 60% tổng tổng hồ sơ thiết kế được phê duyệt); Hiệu quả của công tác "tiền kiểm" là đã cắt giảm được 2.840,9 tỷ đồng trên tổng giá trị vốn dự toán 30.982,5 tỷ đồng (tương đương khoảng 9,2%). Qua thẩm tra cũng đã phát hiện nhiều sai sót, bất hợp lý trong việc áp dụng tiêu chuẩn, lựa chọn giải pháp và tính toán kết cấu, áp dụng định mức, đơn giá.

Tức là, chỉ cần một chính sách đúng đã tiết kiệm hàng chục nghìn tỷ đồng cho nhà nước, vừa góp phần chống thất thoát vừa nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng. Chúng tôi phải rất quyết liệt mới có được Nghị định 15, không phải mọi ý kiến đều đồng thuận từ đầu vì e ngại chuyện thủ tục, phiền hà. Nhưng thủ tục là cần thiết, vấn đề là làm sao để thủ tục mà không phiền hà.

Hay như Nghị định 11 là sự đổi mới căn bản về tư duy quản lý đô thị. Lần đầu tiên quan điểm quản lý đô thị phải theo quy hoạch và có kế hoạch được đưa ra, để khắc phục tình trạng quản lý phát triển đô thị tràn lan, phong trào, thiếu quy hoạch, không có kế hoạch như thời gian vừa qua, dẫn đến khó khăn cho thị trường BĐS, phát triển đô thị thiếu bền vững.

Trước đây, việc đầu tư xây dựng bị vượt quá với khả năng nguồn lực, yêu cầu của sự phát triển đã dẫn đến nhiều dự án bị bỏ hoang, dự án treo, quy hoạch treo. Quy hoạch treo là do không có kế hoạch. Đáng lẽ phải phân định những khu nào cần thực hiện trước, khu nào thực hiện sau, hay có những khu vực bất khả xâm phạm, không sử dụng vào mục đích khác. Với những khu đất quy hoạch nhưng phải 10, 20 năm sau mới sử dụng thì cũng nên để người chủ sở hữu được biết để có kế hoạch sử dụng cho phù hợp với mức độ đầu tư cũng như thời gian sử dụng của họ. Đó mới là tiết kiệm nguồn lực đầu tư, tránh tình trạng vừa làm xong lại phải phá bỏ vì vướng quy hoạch, rồi lại phải đền bù tốn kém cả công sức lẫn tiền bạc...

Với Nghị định 188 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, đã thể hiện một chính sách rất tập trung hướng tới người dân và cụ thể hóa các quan điểm của Chiến lược phát triển nhà ở. Nghị định này đã quy định rõ các chính sách để hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn về nhà ở cả đô thị và nông thôn. Ngay cả các hộ gia đình cũng được khuyến khích tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng cơ chế, chính sách ưu đãi...

PV: Bài toán về gỡ khó cho thị trường BĐS và giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân đến nay vẫn rất nóng. Bộ trưởng đã và sẽ làm gì để giải bài toán này?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Tôi là thành viên chính phủ, tôi không thể có tiền cho người dân nhưng luôn khẳng định sẽ xây dựng thể chế chính sách để nhà nước hỗ trợ cho người dân được cải thiện nhà ở.

Đặc biệt, trong điều kiện khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, việc các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường phải gắn với việc thực hiện chiến lược nhà ở, gắn với quản lý phát triển đô thị. Thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội chính là mục tiêu của chiến lược nhà ở. Tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải đạt mục tiêu khắc phục lệch pha cung cầu và do đó, phải giảm cung tại phân khúc cao cấp, tăng cung ở phân khúc đang thiếu và thiếu rất nhiều là nhà ở xã hội, nhà ở cho người nghèo. 

Nhà ở xã hội chính là giá trị thực vì kiểm soát được chi phí

Do đó, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản phải gắn với việc cải thiện nhà ở cho người dân. Nếu tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mà bỏ mặc người dân, không gắn với cải thiện nhà ở cho dân thì chưa đạt yêu cầu.

Khi thị trường bất động sản có nhiều sản phẩm nhà ở có diện tích khiêm tốn, mang tính xã hội, giá rẻ, đồng thời được hỗ trợ của Nhà nước, chắc chắn sẽ giúp bình ổn giá nhà ở nói chung trên thị trường, đưa giá nhà ở về giá trị thực. Người cần nhà tìm được đúng loại hàng hàng hóa mình cần, loại bỏ khu vực trung gian đầu cơ.

Trước đây chưa có chính sách này nên người không có tiền mua nhà cũng muốn mua nhà nhưng đó là nhu cầu ảo - mong muốn có thực nhưng không có tiền. Nhu cầu ảo dẫn đến giá ảo, không tương xứng với khả năng thanh toán đã đẩy bất động sản rơi vào điểm nóng với sự đội giá của nạn đầu cơ.

Nghị định 188 chính là nhân tố mới giúp đưa nhà ở về giá trị thực của nó. Nhà ở xã hội chính là giá trị thực vì kiểm soát được chi phí, bán đúng chi phí và lợi nhuận chỉ trong giới hạn nhà nước cho phép, trong 5 năm người mua chỉ được chuyển nhượng cho cùng nhóm đối tượng. Như vậy, những người dân nghèo mới có nhiều cơ hội có nhà ở.

PV: Nhiều dự báo về thị trường BĐS Việt Nam năm 2014 vẫn tỏ ra rất bi quan. Cở sở của nhiều dự báo là tồn kho bất động sản có giảm trong năm 2013, nhưng giá trị tồn kho vẫn cao; nhiều giải pháp gỡ khó chưa có đột phá thực sự trong thực tiễn... Còn Bộ trưởng nghĩ sao?

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Ở nước ta, điều kiện kinh tế còn khó khăn, ngân sách còn hạn chế nên việc tháo gỡ khó khăn, giảm tồn kho cho thị trường bất động sản phải cân nhắc trong tổng thể nền kinh tế, không thể rập khuôn cách làm của các nước được. Do vậy, Bộ Xây dựng đã đề xuất quan điểm việc giải quyết bất động sản phải gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở và quản lý phát triển đô thị, trong đó chủ yếu là tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách.

Thời gian qua chủ trương này đã phát huy hiệu quả bước đầu sau nhiều giải pháp về việc cho phép điều chỉnh cơ cấu hàng hóa cho phù hợp với nhu cầu thị trường; giảm thuế, giãn, hoãn nộp nghĩa vụ tài chính và có gói tín dụng hỗ trợ nhà ở (30.000 tỷ đồng) cho vay đối với phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ...

Phản ứng thực tế của thị trường sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ, thị trường bất động sản đã có xu hướng ấm lên, thể hiện qua thực tế giá bất động sản giảm, lượng giao dịch trên thị trường những tháng cuối năm đã tăng nhiều so với những tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng bất động sản cao hơn so với tăng trưởng tín dụng chung, các dự án dở dang tiếp tục được triển khai và mở bán, niềm tin của khách hàng vào thị trường dần được hồi phục.

Cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là bất động sản nhà ở đã được điều chỉnh sát với nhu cầu của thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã chủ động điều chỉnh chiến lược kinh doanh, điều chỉnh cơ cấu sản phẩm, tăng cường thông tin, tiếp thị./.

Theo Xuân Thân

VOV

Chuyên mục: Chính sách

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *