Bất động sản 20/03/2016 14:59

Cắt giảm 9000 ha đất khu công nghiệp để hoang hóa

Theo tin từ Văn phòng Quốc hội, trong báo cáo mới nhất về điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, sẽ giảm cắt giảm 9000 ha đất khu công nghiệp do để hoang hóa quá lâu.

Cụ thể, trong báo cáo gửi các đại biểu dự kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII sẽ diễn ra tuần tới tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, Quốc hội đã quyết định diện tích đất khu công nghiệp của cả nước là 200.000 ha. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát lại Quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, phát hiện ra nhiều khu công nghiệp chưa có nhà đầu tư, để hoang hóa khá lớn.


Khu công nghiệp Lai Vu-Hải Dương bị bỏ hoang hóa

Khu công nghiệp Lai Vu-Hải Dương bị bỏ hoang hóa

“Sau khi tính toán lại, Chính phủ đã đề xuất cắt giảm các khu công nghiệp tại các khu vực đồng bằng sử dụng nhiều đất canh tác nhưng đến nay chưa kêu gọi được nhà đầu tư, diện tích để hoang hóa lớn”, Bộ TN &MT cho biết.

Mặc dù không nói rõ sẽ cắt giảm bao nhiêu khu công nghiệp, nhưng Bộ TN&MT cũng cho biết, theo kế hoạch trên, đến năm 2020, đất cho khu công nghiệp sẽ chỉ còn 191.000 ha, giảm khoảng 9000 ha so với chỉ tiêu Quốc hội duyệt.

“Chính phủ cũng đã có chỉ đạo, trong quá trình thực hiện Quy hoạch sử dụng đất, sẽ chỉ cho các địa phương mở rộng, thành lập các khu công nghiệp mới khi đã thực hiện lấp đầy trên 60% diện tích các khu công nghiệp đã thành lập”, Bộ TN & MT báo cáo thêm.

Tuy nhiên, với đề nghị rà soát, giảm diện tích cả các khu kinh tế để hạn chế việc quy hoạch các khu kinh tế quá rộng, tạo ra các “quy hoạch treo”, ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất của người dân, Bộ TN-MT cho biết cả nước hiện còn 42 khu kinh tế với tổng diện tích 1.583 ha nhưng Chính phủ vẫn đề nghị Quốc hội cho phép giữ nguyên diện tích hiện có để nâng cao hiệu quả các khu kinh tế này và chỉ tập trung vốn đầu tư cho 9 khu kinh tế cửa khẩu và 8 khu kinh tế ven biển.

Đáng chú ý, trong báo cáo với Quốc hội, thừa ủy quyền Chính phủ, Bộ TN-MT cũng nêu rõ tình trạng hạn hán, xâm nhập mặt xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ben biển Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến nhiều diện tích đất không còn phù hợp để trồng lúa. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có tới 126 ngàn ha đất trồng lúa phải dừng sản xuất, không xuống giống được nữa.

“Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài thì đến tháng 6/2016, sẽ có khoảng 500 ngàn đất canh tác lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 40 ngàn ha vùng duyên hải Nam Trung Bộ và 20 ha Tây Nguyên bị thiếu nước…ảnh hưởng lớn đến diện tích đất trồng lúa”, Bộ TN-MT nêu.

Nhưng Bộ TN-MT cũng cho rằng, dự báo những năm tới, năng suất lúa được tăng lên do ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, do nhu cầu lương thực của người dân cơ bản cũng ổn định…nên cơ bản, dù diện tích trồng lúa suy giảm thì sản lượng lúa vẫn đạt khoảng 42 triệu tấn/năm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và vẫn còn dư cho xuất khẩu khoảng 5-6 triệu tấn.

Hà Nguyễn

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *