Bất động sản 23/11/2013 09:13

Cần giảm bớt dự án thu hồi đất

Về giá bồi thường, có đại biểu đề nghị: Cần có những tổ chức định giá độc lập để giá phù hợp với thị trường, khách quan và trung thực, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan.

 


Ngày 22-11, thảo luận lần cuối cùng trước khi chính thức thông qua Luật Đất đai sửa đổi (vào ngày 29-11), đa số các đại biểu (ĐB) đều thống nhất cần quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ lợi ích phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Tuy nhiên, để tránh quy định trên bị lợi dụng, các ĐB đề nghị cần quy định hẹp hơn và chuyển một số loại từ thu hồi sang diện phải thỏa thuận.

Thu hẹp để tránh bị lợi dụng

Là người ngay từ đầu đã lên tiếng phản đối quy định “thu hồi đất phục vụ các dự án phát triển KT-XH”, ĐB Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho rằng thu hồi đất vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thực chất đã bao hàm “phát triển KT-XH”. “Tôi đề nghị cần thu hẹp đối tượng dự án KT-XH được thu hồi đất để hạn chế tối đa việc lạm dụng, gây thêm khiếu kiện” - ông Sang nói.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng các quy định về thu hồi cho các dự án KT-XH trong dự thảo là quá rộng, như quy định về thu hồi đất làm khu công nghiệp, khu đô thị, khu chế xuất trong dự thảo sẽ rất dễ bị lợi dụng, làm sai… Cùng chung quan điểm, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) chỉ rõ: “Quy định thu hồi đất phục vụ dự án khai thác khoáng sản quá chung chung, quá rộng. Bởi khoáng sản cũng có nhiều loại, có loại là cấp thiết nhưng cũng có loại chỉ phục vụ cho doanh nghiệp (DN), đâu nhất thiết Nhà nước cứ phải đứng ra thu hồi” - bà Thanh dẫn chứng và đề nghị cần quy định cụ thể để tránh lợi dụng và chuyển bớt một số loại sang để DN tự thỏa thuận với người dân.

Vẫn mơ hồ giá đất

Theo ông Nghĩa, quy định về định giá đất cực kỳ nhạy cảm, liên quan trực tiếp quyền lợi của DN, người dân và Nhà nước. Tuy nhiên, dự thảo vẫn dùng những khái niệm rất mơ hồ là “giá thị trường”, “phù hợp giá thị trường”. “Trong nhiều năm qua, giá bồi thường chưa bao giờ khớp với giá “tiền tươi thóc thật” trên thị trường dẫn tới người dân liên tục khiếu nại. Do đó, cần có những tổ chức định giá độc lập để giá phù hợp với thị trường, khách quan và trung thực, đảm bảo quyền lợi các bên liên quan. Trường hợp giá đất biến động lớn thì giá bồi thường cũng phải điều chỉnh” - ông Nghĩa nói.

Chỉ ra kẽ hở của quy định “phù hợp giá thị trường” đã tạo ra cho một số kẻ làm giàu nhanh chóng từ đất, ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) nhận xét quy định hiện hành và dự thảo sửa đổi cũng mới chỉ là thay câu chữ, không tạo ra sự khác biệt và không đi vào bản chất. “Cần quy định tư vấn định giá đất là bắt buộc khi xây dựng giá đất hoặc giải quyết khiếu nại về giá đất, giúp tránh sự tùy tiện của cơ quan quản lý khi xác định giá đất. Thêm vào đó, trình tự, thủ tục xác định giá đất cũng phải làm rõ. Không để tái diễn tình trạng tiền bồi thường không mua nổi suất đất tái định cư” - vị này đề xuất.

ĐB Trần Văn Độ (An Giang) tỏ ra không hài lòng khi dự thảo vẫn loay hoay giữa “phù hợp” với “sát giá thị trường”. “Vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải giải quyết được cơ chế hai giá đất giữa Nhà nước và thị trường, vốn đang có độ chênh rất lớn. Và để giải quyết được nó thì phải bổ sung cơ chế tham mưu thu hồi đất, quy định về cơ quan thẩm định giá đất độc lập. Giá đất này do cơ quan thẩm định định giá chứ không chỉ dừng ở mức tham khảo” - ông Độ nói.

Dẫn lại lời dạy của Bác Hồ rằng: “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị xây dựng phương án bồi thường, áp giá có lợi cho dân nhất thì thực hiện. Bên cạnh đó, cần phải quy định rõ trong luật vai trò của các đoàn thể, tổ chức xã hội tham gia ngay từ đầu trong công tác định giá, giám sát bồi thường. “Nếu giám sát thì sẽ giảm được tiêu cực, dân sẽ tin hơn” - ông Việt nói.

Theo Thành Văn

Pháp luật TPHCM

Chuyên mục: Bất động sản

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *